(HBĐT) - Khi em cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ ra đi mãi mãi. Đến 6 tuổi, bệnh ung thư nghiệt ngã đã cướp đi người cha thân yêu nhất, để lại số phận bé nhỏ phải nương tựa vào bác ruột, người thay cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo em khôn lớn. Đến nay, Nguyễn Thị Hương Giang (ảnh), SN 2002 là học sinh lớp 9A1, trường THCS Hợp Thịnh, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn). Em nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo.
Ngôi nhà nhỏ của em nằm trên sườn đồi trong xóm Thông, xã Hợp Thịnh. Đường vào xóm mới được bê tông hóa khang trang, rộng rãi nhưng đường vào nhà Giang ngoằn ngoèo, nếu không có người dẫn đường thì khó tìm đến nơi. May mắn chúng tôi gặp em vừa tan học về. ấn tượng đầu tiên với em là đôi mắt sáng, ánh lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Bước vào căn nhà, điều khiến tôi đau lòng nhất là đến một chiếc bàn đúng nghĩa để em học tập cũng không có. Góc học tập của em chỉ là cái đôn gỗ kê cạnh giường, sách, vở được xếp ngay ngắn dưới đất.
Em Nguyễn Thị Giang, học sinh lớp 9A1, trường THCS Hợp Thịnh (xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn) vượt khó, học giỏi.
Nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi, Giang kể: Khi mới sinh em được 2 tiếng thì mẹ qua đời. Em cất trong tim mình ký ức về mẹ qua những câu chuyện người thân kể lại, những bức ảnh cũ gia đình còn giữ được. Khi em vào lớp 1 thì cha mắc căn bệnh ung thư quái ác. Dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng bố không qua khỏi. Chị gái của mẹ là bác Nguyễn Thị Lạc thay cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ em.
Gia đình Giang hiện nay thuộc hộ nghèo nhất, nhì trong xã. Gia đình có 4 người thì 3 người không có khả năng lao động. Bà ngoại em đã hơn 90 tuổi, sức khỏe yếu cần người chăm sóc. Ngoài ra còn một người bác tàn tật, chỉ nằm một chỗ không đi lại được. Cả gánh nặng đè lên vai “mẹ Lạc” (cách Giang gọi bác Nguyễn Thị Lạc). Tất cả đều trông chờ vào 4 sào ruộng, khoảng thời gian khó khăn nhất cả gia đình chỉ đủ cơm trắng để ăn qua bữa.
Hàng ngày, ngoài thời gian học tập trên lớp, em phụ giúp mẹ những công việc đơn giản như giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bà và bác… bác Lạc ngoài thời gian làm đồng còn tranh thủ đi làm thuê. Ai nhờ công việc gì cũng làm, miễn là kiếm thêm được thu nhập về cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Bác tâm sự: Tôi thức khuya dậy sớm chỉ mong đủ nuôi Giang nên người. Tôi không lập gia đình nên tình thương đều dành tất cả cho em, coi em như con đẻ của mình. Giang đang tuổi ăn, tuổi lớn nên tôi cố gắng cho em ăn uống đầy đủ, có sức khỏe để học tập. Chỉ cần Giang khôn lớn trưởng thành thì khổ mấy tôi cũng chịu được.
Tuổi thơ côi cút, cuộc sống khó khăn là thế nhưng bù lại, Giang nhận được tình thương vô bờ bến từ người mẹ thứ 2 của mình. Không phụ lòng mẹ, nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Năm vừa rồi em đi thi học sinh giỏi cấp huyện môn địa lý. Năm lớp 6, 7 em cũng đi thi và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn.
Khi hỏi bí quyết học tập, Giang không ngần ngại chia sẻ: “Phương pháp học tập của em rất đơn giản. Trước hết nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó làm hết bài tập cô giáo giao trên lớp. Ngoài ra, em tham khảo thêm tài liệu trên mạng. Đối với những môn như văn, địa lý thì đầu tiên phải đọc qua một lượt, hiểu nội dung của bài sau đó tìm ý chính để đào sâu phân tích…”.
Nói về cô học trò nghèo, cô giáo Nguyễn Thị Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9a1, trường THCS Hợp Thịnh cho biết: Giang đã vượt lên hoàn cảnh để học giỏi. Đặc biệt, em học tốt ở những môn xã hội. Em còn tích cực tham gia các hoạt động của trường với tinh thần hăng say và trách nhiệm.
Khi được hỏi em mơ ước gì cho tương lai, Giang tâm sự: Em mơ ước trở thành cô giáo. Đó cũng là cách tốt nhất để đền đáp công lao của mẹ và thầy cô đã nuôi nấng, dạy dỗ em nên người.
Đồng Hương
7 thí sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 18 đã đoạt được các huy chương vàng, bạc và bằng khen.
(HBĐT) - Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND, “Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Trong đó, tại Điều 4 có quy định: (1) Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; ( 2) Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống… Tuy nhiên, sau thời gian ngắn thực hiện đã nảy sinh nhiều điều cần suy ngẫm.
(HBĐT) - “Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Kèm theo đó là những vấn đề nổi cộm như xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm Luật ATGT hay những hành động gây ô nhiễm môi trường,… xảy ra ở lứa tuổi học sinh là trăn trở của không ít giáo viên và các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để phòng tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra là vô cùng cần thiết”, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường tiểu học Đồng Tâm (Lạc Thủy) khẳng định.
Mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập, nhiều ý kiến đã tập trung bày tỏ lo ngại về yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.
(HBĐT) - Chiến tranh khốc liệt, giữa những ngày mưa bom, bão đạn trút xuống, chỉ có ý chí thép và tình yêu vô bờ bến với đất mẹ mới giúp những người lính Cụ Hồ cầm chắc cây súng dưới những chiến hào bì bõm nước. Những hi sinh, gian khổ đã trở thành miền ký ức không thể xóa nhòa trong tâm khảm của mỗi người lính và của mảnh đất chữ S đang trên đà phát triển. Nhìn lại những tháng ngày gian khó ấy, để mỗi chúng ta thêm trân quý cuộc sống ấm no trong thời bình và tự nhắc nhở mình phải sống và cống hiến nhiều hơn nữa…
((HBĐT)- Có một điều đặc biệt, vào đúng 11h30 ngày 30/4/1967, bằng loạt đạn súng trường, dân quân du kích xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đã bắn hạ một chiếc máy bay phản lực F4H của không quân Mỹ khi chúng vừa ném bom trở về. Trong 4 đội viên du kích trong trận bắn rơi máy bay năm xưa, người còn, người mất. Thế nhưng, ký ức hào hùng của ngày 30/4 trên đất Mường Chiềng vẫn còn vẹn nguyên như khi cách đây 50 năm...