Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) để lấy ý kiến xã hội đến hết ngày 16-1-2018 trước khi trình Chính phủ. Dự thảo có rất nhiều điểm mới được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề về hợp tác quốc tế trong GDĐH.


Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo

 Nâng cao hiệu quả tự chủ 


Theo dự thảo tờ trình sửa luật của Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện, luật đã bộc lộ những bất cập so với thực tế, đòi hỏi phải thay đổi. Lần này, Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi 36/73 điều của Luật GDĐH năm 2012. Việc sửa luật nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GDĐH trên các phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Tinh thần đảm bảo tự chủ ĐH được bao trùm.

Trong số các vấn đề sửa luật lần này, đáng chú ý sẽ sửa đổi về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT,  quy định về phân tầng, xếp hạng của Việt Nam hiện chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới. Theo quy định của Luật GDĐH hiện hành, tiêu chuẩn phân tầng cơ sở GDĐH do Chính phủ quy định. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, việc quy định "cứng” các tiêu chí phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH theo pháp luật hiện hành chưa thực sự phù hợp, phần nào làm hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH trong việc tự xác định hướng phát triển. Trong khi đó, trên thực tế, xếp hạng là công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho người học tham khảo trường phù hợp, cũng như giúp các nhà tuyển dụng lựa chọn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cách làm của một số quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Australia… cách thức thực hiện xếp hạng các trường ĐH theo Luật GDĐH của Việt Nam có sự khác biệt. Ở nhiều quốc gia, việc xếp hạng các cơ sở GDĐH do các tổ chức xã hội độc lập công bố để các bên liên quan tham khảo, đảm bảo tính khách quan hơn là do cơ quan nhà nước thực hiện. Điều đó đòi hỏi luật GDĐH cần có sự sửa đổi ở nhiều nội dung.

Do đó, dự thảo Luật GDĐH sửa đổi nêu rõ cơ sở GDĐH được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo những tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc xếp hạng cơ sở GDĐH được thực hiện bởi các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ quy định chính sách phát triển GDĐH định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng; quy định chi tiết về xếp hạng cơ sở GDĐH.

Khuyến khích đầu tư, hợp tác quốc tế 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quy định của Luật GDĐH còn nhiều điểm chưa phù hợp với xu hướng phát triển của GDĐH trong khu vực và trên thế giới; chưa phù hợp với các quy định của Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Các quy định liên quan đến chương trình, tổ chức đào tạo cần sửa đổi, bổ sung nhằm gia tăng tính dịch chuyển của sinh viên và khả năng trao đổi về đào tạo liên quốc gia; gia tăng tính dịch chuyển của giảng viên, khía cạnh quốc tế trong chương trình đào tạo, các dự án phát triển quốc tế và chương trình liên kết học thuật, chương trình hợp tác cùng nghiên cứu và cùng công bố chung kết quả nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là phát triển các chương trình liên kết, cải tiến các chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn mực quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Vì vậy, nội dung liên kết đào tạo với nước ngoài cũng được sửa đổi, bổ sung trong lần này để từng bước thực hiện hội nhập quốc tế. Theo dự thảo, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. Chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài. Các bên liên kết phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình đào tạo. Trong đó, cơ sở GDĐH nước ngoài liên kết đào tạo với cơ sở GDĐH Việt Nam phải đảm bảo điều kiện có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giáo dục đào tạo của nước sở tại cho phép đào tạo và cấp bằng trong lĩnh vực liên kết hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài cấp, được Bộ GD-ĐT công nhận. 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không đảm bảo điều kiện quy định thì cơ sở GDĐH phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người lao động và người học; bồi hoàn kinh phí cho người học, thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, các quyền lợi khác của giảng viên và người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể, thanh toán các khoản nợ thuế và khoản nợ khác. Luật cũng sẽ yêu cầu cơ sở GDĐH phải công bố công khai các thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của nhà trường và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng.

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng nêu Chính phủ quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bộ GD-ĐT quy định việc khuyến khích cơ sở GDĐH đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nước ngoài; quy định việc quản lý hoạt động cơ sở GDĐH nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, những đổi mới của GDĐH Việt Nam đều nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng cũng như phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như phát triển đào tạo trực tuyến, qua mạng (online), qua các học liệu mở (MOOC)… Trong bối cảnh hiện nay, GDĐH Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, mô hình giáo dục; đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục và khoa học công nghệ, ngôn ngữ, văn hóa; đẩy mạnh việc trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và nhà khoa học giữa các cơ sở giáo dục.. là tất yếu. 

 

                                      Theo SGGP

Các tin khác


Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện phong trào thi đua “ Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”

(HBĐT) - Ngày 5/12, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạp trong dạy và học”

Khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn GDQP-AN cấp THPT tỉnh năm 2017

(HBĐT) - Ngày 6/12, tại trường THPT Ngô Quyền, Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi môn GDQP-AN cấp THPT tỉnh năm 2017.

PGS Bùi Hiền bình thản giữa tâm bão về câu chuyện cải cách tiếng Việt

Giữa hàng tấn đá được ném ra trong câu chuyện cải cách tiếng Việt của phó giáo sư Bùi Hiền, người "châm ngòi” cho cuộc tranh cãi bình thản giữa "tâm bão," chứng tỏ bản thân là một người dùng mạng xã hội sáng suốt.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017 – 2018

(HBĐT) - Ngày 4/12, tại trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Sở GD&ĐT đã tổ chức cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017 – 2018.

Khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng

Theo thống kê từ các địa phương, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9 – 10 triệu/tháng. Dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86. Do vậy, số giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu/tháng.

Phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47

(HBĐT) - Ngày 4/12, tại trường THCS Cửu Long (Lương sơn), Sở TT&TT phối hợp với Sở GD&ĐT, Bưu điện tỉnh tổ chức phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự lễ phát động có lãnh đạo Sở TT&TT, Bưu điện tỉnh; phòng GD&ĐT, phòng VH&TT, đại diện các trường TH, THCS trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục