Bắt đầu từ 2 giờ chiều nay, 24-6, hơn 900 nghìn thí sinh sẽ tới các điểm thi của các hội đồng thi trên cả nước để làm thủ tục dự thi, đính chính các sai sót nếu có, nghe phổ biến Quy chế,… trước khi chính thức bước vào môn thi đầu tiên.


                                     Ảnh minh họa

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản giữ ổn định như năm 2017, tuy nhiên đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và để bảo đảm an toàn trong công tác tổ chức. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý tới những điều chỉnh này. Đầu tiên là về đề thi, năm nay được nâng cao về độ phân hóa, mở rộng nội dung kiến thức trong chương trình lớp 11 và 12 THPT. Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút chứ không phải là 20 phút như trước. Điểm bài thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Quy luật phát đề thi cho thí sinh cũng được phổ biến trong Quy chế. Giám thị cần nắm được và thực hiện nghiêm túc quy định về phát đề, đồng thời thí sinh cũng cần chú ý nội dung này, nhất là trong những buổi thi có bài thi trắc nghiệm để bảo đảm nhận được sự khách quan, minh bạch nhất.

Chính sách cộng điểm ưu tiên năm nay cũng được điều chỉnh. Theo đó, điểm ưu tiên theo khu vực giảm 50%, còn cộng theo mức 0,25 đến 0,75 điểm.

Cho đến thời điểm này, theo Bộ GD-ĐT, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các địa phương đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho kỳ thi đã sẵn sàng. Các khâu trong công tác đề thi cũng đã sẵn sàng. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều phải có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu.

Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, với hơn hai nghìn hội đồng thi, cả nước sẽ có hơn bốn nghìn cán bộ thanh tra "cắm chốt” tại tất cả các điểm thi, tối thiểu là bảy phòng thi có một giám sát, thực hiện nhiệm vụ giám sát giám thị. Bên cạnh thanh tra cắm chốt có các đoàn thanh tra lưu động. Ở các khu vực khó khăn hoặc chỗ nào phát sinh vấn đề thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ. Đồng thời, Bộ GD-ĐT quy định mỗi sở GD-ĐT phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý.

Gần 11.300 thí sinh Đà Nẵng đăng ký kỳ thi THPT Quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Đà Nẵng có 11.280 thí sinh (TS) đăng ký dự thi tại 25 điểm thi với 477 phòng thi. Hiện tại, công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến sao in đề thi, tập huấn cho cán bộ coi thi cũng như việc bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự đã hoàn tất. Phương án dự phòng đối với một số tình huống như mất điện, ùn tắc giao thông…được chuẩn bị chu đáo. UBND các quận, huyện chỉ đạo các trường học gần các điểm thi mở cổng trường phục vụ nước uống cho phụ huynh trong thời gian chờ đưa đón TS.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, để phục vụ kỳ thi này, ngành đã huy động 1.113 cán bộ coi thi là cán bộ, giáo viên giảng viên các trường ĐH trên địa bàn và Sở GD&ĐT thành phố. Cán bộ coi thi, cán bộ giám sát được tập huấn kỹ về công tác coi thi. Các điểm thi chuẩn bị phòng để bảo quản bài thi, đề thi an toàn, bảo mật; chuẩn bị các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ.

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng chuẩn bị đầy đủ cẩm nang để phát cho cho cán bộ coi thi với các nội dung liên quan đến nội quy, quy chế thi… để sử dụng trong suốt kỳ thi, tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh

Tại Đà Nẵng, có 27 học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu học tại trường THPT Phạm Phú Thứ đã được thành phố hỗ trợ tiền ăn, ở trong thời gian ôn tập và những ngày thi với mức hơn 50.000 đồng/ngày/người.

Đác Lắc: Học sinh vùng sâu, vùng xa được bố trí nơi ăn, ở miễn phí

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Đác Lắc có một hội đồng thi do Sở GD&ĐT tỉnh Đác Lắc chủ trì với sự phối hợp của bốn trường đại học gồm: Đại học Tây Nguyên, Đại học Buôn Ma Thuột, Đại Duy Tân (TP Đà Nẵng) và Cao đẳng sư phạm Đác Lắc.

Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có một Hội đồng thi, 36 điểm thi, 934 phòng thi đặt tại 15 huyện, thị xã và TP Buôn Ma Thuột với 22.188 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh học THPT là 20.506 thí sinh; thí sinh học giáo dục thường xuyên là 1.682; thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp là 5.315 (chiếm 23,1%). Để kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc, đúng quy chế, Hội đồng thi của tỉnh đã huy động 2.810 cán bộ chấm thi, phục vụ và thanh tra thi.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đác Lắc Phạm Đăng Khoa cho biết, đối với các thí sinh tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa như xã Cư Đrăm, Cư Pui, Yang Mao của huyện Krông Bông; xã Krông Nô, Nam Ka, huyện Lắc; xã Ia Lốp, Ia Jlơi, Ia Rvê, huyện Ea Súp... nằm cách xa trung tâm huyện trên dưới 50 km, giao thông đi lại khó khăn..., Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện, đoàn thanh niên và các mạnh thường quân bố trí xe đưa, đón thí sinh và người thân từ địa phương đến điểm thi, đồng thời bố trí nơi ăn, ở miễn phí cho các em và phụ huynh đi cùng trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Riêng đối với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập nước vì mưa lớn, các địa phương sẽ sử dụng các phương tiện của quân đội, công an để đưa các thí sinh đến các điểm thi an toàn, chu đáo.

Đặc biệt, năm nay các điểm thi trên địa bàn tỉnh còn lập danh sách địa chỉ nhà, số điện thoại từng thí sinh để lỡ có xảy ra sự cố thì sẽ liên lạc, đến tận nơi để đón các em, không để muộn giờ thi...

Ngoài chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Hội đồng thi tỉnh Đác Lắc cũng đã công bố công khai số điện thoại và địa chỉ email của các thành viên Ban Chỉ đạo thi của tỉnh để các thí sinh và mọi người dân nếu phát hiện các dấu hiệu sai phạm, gian lận liên quan đến kỳ thi thì phản ảnh kịp thời để xử lý.

Chiều 24-6, các thí sinh ở Đác Lắc đã đến các điểm thi làm các thủ tục dự thi, nhận số báo danh, điều chỉnh các thông tin cho phù hợp nếu có xảy ra sai sót.

Lào Cai: Hỗ trợ mỗi học sinh có hoàn cảnh khó khăn 300 nghìn đồng để đi thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Chiều 24-6, Văn phòng Sở GD ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, theo văn bản số 144, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Thanh ký ngày 21-6, có 210 học sinh lớp 12, có hoàn cảnh khó khăn, đa số là con em đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Xa Phó, Hà Nhì… ở vùng cao, vùng sâu được tỉnh cấp 300 nghìn đồng, hỗ trợ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tổng kinh phí hỗ trợ là 63 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng hỗ trợ chi phí đi lại cho 384 học sinh lớp 12 là con hộ nghèo và cận nghèo tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các điểm thi liên trường, với mức hỗ trợ là một nghìn đồng/km. Tổng kinh phí hỗ trợ là 20,9 triệu đồng.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018, tỉnh Lào Cai có 6.249 thí sinh dự thi, tại 16 điểm thi, với 273 phòng thi. Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, Ban chỉ đạo thi quốc gia THPT tỉnh Lào Cai đã tiến hành hành kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 16 điểm thi, nhằm bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi năm nay.

Cà Mau: Hơn 9.300 thí sinh làm thủ tục dự thi

Hơn 9.300 thí sinh ở Cà Mau đã đến các điểm thi để hoàn tất các thủ tục dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã hoàn tất.

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉnh Cà Mau thuộc cụm thi số 63. Cụm thi do Sở GD-ĐT Cà Mau chủ trì, phối hợp Trường đại học Y dược Cần Thơ và Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh Cà Mau có 15 điểm thi, với hơn 390 phòng thi và hơn 9.300 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 13 điểm thi dành cho thí sinh THPT; một điểm thi dành cho thí sinh hệ giáo dục thường xuyên; một điểm thi dành cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT. Chia theo tuyến, có sáu điểm thi nằm trên địa bàn TP Cà Mau và chín điểm thi thuộc bảy huyện của tỉnh Cà Mau (trừ huyện Ngọc Hiển không bố trí điểm thi).

Đến nay, mọi công tác chuẩn bị phòng thi, phòng làm việc, phòng y tế, các điều kiện phục vụ giáo viên, giảng viên, học sinh tham gia kỳ thi đã hoàn tất. Theo dự toán, tổng kinh phí văn phòng phẩm phục vụ kỳ thi khoảng hơn bốn tỷ đồng.

Hà Nội: Gần 500 thí sinh không đến làm thủ tục dự thi

Theo Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong chiều ngày 24-6, đã có 79.625 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi. Trong số này có 75.458 thí sinh chưa tốt nghiệp và 4.167 thí sinh đã tốt nghiệp.

Thí sinh nghe phổ biến Quy chế tại điểm thi Trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Nội có 123 điểm thi, 3.363 phòng thi.

Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã có 482 thí sinh vắng mặt trong buổi làm thủ tục dự thi, không có trường hợp cán bộ coi thi nào vắng mặt và cũng không xảy ra những hiện tượng bất thường.

Thanh Hóa: 110 đội hình triển khai các hoạt động tiếp sức mùa thi

Tỉnh Thanh Hóa có 35.306 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.545 phòng thi ở 68 điểm thi thuộc cụm thi số 27; trong đó có 13.750 thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, 1.575 thí sinh dự thi xét tuyển đại học, cao đẳng và19.981 thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Trong buổi làm thủ tục dự thi, nhiều thí sinh kịp thời xử lý sai sót về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cùng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, tỉnh Thanh Hóa huy động hơn 5.200 người tham gia tổ chức thi, trong đó có 1.900 cán bộ, giáo viên năm trường đại học. Năm nay, có thêm hai thanh tra cắm chốt ở mỗi điểm thi là cán bộ Sở GD-ĐT và một trường đại học, hoạt động theo nguyên tắc độc lập, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, phát hiện, xử lý nghiêm thí sinh, cán bộ vi phạm quy chế thi.

Lực lượng chức năng Thanh Hóa chủ động triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn đề thi, an ninh trật tự trong và ngoài khu vực thi. Tỉnh đoàn Thanh Hóa huy động hơn 1.500 đoàn viên thanh niên, biên chế thành 110 đội hình triển khai các hoạt động tiếp sức mùa thi. Lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng thăm, trao tặng quà cho hai học sinh lớp 12 ở huyện Thiệu Hóa là em Nguyễn Trọng Tuấn và em Nguyễn Hồng Nhung có gia cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, động viên hai em tham dự tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

 

                            TheoNhandan.com.vn

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục