Giờ học tiếng Anh của học sinh lớp 6 trường TH&THCS Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Lương Sơn).
Năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo tổ chức dạy học tiếng Anh đối với các trường đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất. Toàn tỉnh có 94,4% trường tiểu học dạy tiếng Anh cho học sinh, trong đó có 26,6% học sinh tiểu học được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. 23% học sinh THCS, 20% học sinh THPT được học chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án ngoại ngữ 2020. Sở chỉ đạo đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Đồng thời tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm. Tập trung bồi dưỡng về phương pháp dạy môn tiếng Anh đối với giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn về năng lực hoặc chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. Bố trí dạy 4 tiết/tuần đối với giáo viên tiểu học đạt bậc 4 (B2) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ; khuyến khích trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ và một số trường có điều kiện dạy song ngữ tiếng Anh đối với môn toán và các môn tự nhiên.
Đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 – 2025 với mục tiêu là tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ và học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc. Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2020 có khoảng 15% trường mầm non đẩy mạnh ứng dụng CNTT và tiếp cận tiếng Anh; đến năm 2025 có ít nhất 30% trường mầm non được tiếp cận với ngoại ngữ.
Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 có 73% trường tiểu học, 50% trường THCS, 61% trường THPT được học chương trình tiếng Anh 10 năm; đến năm 2025 phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học ngoại ngữ 10 năm.
Đối với giáo viên, mục tiêu đề ra là đến năm 2020 có 80% giáo viên tiểu học, 50% giáo viên THCS và 30% giáo viên THPT đạt chuẩn trình độ tiếng Anh theo quy định của cấp học.
Để từng bước hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, hiện nay, ngành GD&ĐT tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngoại ngữ cả về số lượng và bảo đảm chất lượng; tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ, nhất là đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận quốc tế. Đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng kỹ năng nghe, nói của học sinh trong tỉnh bằng việc tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông với giáo viên bản xứ; mời các tình nguyện viên về dạy tiếng Anh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ như tổ chức thi hùng biện tiếng Anh, Olympic tiếng Anh, tài năng tiếng Anh dành cho học sinh và giáo viên tiếng Anh.
Dương Liễu