Ban giám hiệu trường mầm non Tử Nê, xã Tử Nê (Tân Lạc) tích cực thăm lớp, dự giờ để nâng cao chất lượng công tác quản lý.
Thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị
Theo số liệu thống kê của phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, tính đến tháng 8/2018, toàn huyện có 159 cán bộ quản lý giáo dục (62 hiệu trưởng và 97 hiệu phó). Đối chiếu theo Quyết định số 1395, trong số 62 hiệu trưởng còn có đến 38 đồng chí chưa có trình độ lý luận chính trị đạt yêu cầu (34 đồng chí trình độ sơ cấp, 4 đồng chí chưa có trình độ lý luận chính trị). Trong số 97 phó hiệu trưởng, tuy chỉ yêu cầu trình độ lý luận chính trị ở mức sơ cấp nhưng cũng còn đến 28 đồng chí chưa có trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn.
Theo rà soát, việc thiếu trình độ lý luận chính trị đang diễn ra ở cả 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Đặc biệt, vướng mắc này càng phức tạp, khó giải quyết khi thực hiện việc sáp, nhập trường học.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Thực hiện sáp nhập trường học theo đề án của tỉnh, đến nay toàn huyện đã sáp nhập được 14 trường liên cấp TH&THCS. Dự kiến trong năm 2019 sẽ sáp nhập 10 xã còn lại, như vậy, toàn huyện sẽ có 24 hiệu trường trường liên cấp TH&THCS. Theo điều lệ, sau khi sáp nhập, hiệu trưởng trường THCS sẽ làm hiệu trưởng trường liên cấp. Tuy nhiên, hiện toàn huyện chỉ có 12 hiệu trưởng trường liên cấp có trình độ lý luận chính trị trung cấp và 6 phó hiệu trưởng bậc THCS có bằng trung cấp lý luận chính trị có thể bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường liên cấp. Như vậy, thiếu hụt hiệu trưởng trường liên cấp là điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu ngay bây giờ không quan tâm giải quyết.
Ngay đầu năm học 2018 - 2019, huyện có 3 hiệu trưởng trường liên cấp nghỉ hưu trường TH&THCS Ngòi Hoa, TH&THCS Mỹ Hòa, TH&THCS Tuân Lộ. Tuy nhiên, hiện chỉ có trường TH&THCS Tuân Lộ là có phương án bổ nhiệm hiệu trưởng mới là đồng chí hiệu phó phụ trách bậc THCS có bằng trung cấp lý luận chính trị. Tại thời điểm này, tìm và bố trí được hiệu phó phụ trách bậc THCS có trình độ trung cấp lý luận chính trị để bổ nhiệm hiệu trưởng trường liên cấp là điều không hề đơn giản. Sắp tới hiệu trưởng trường mầm non Gia Mô đến hạn bổ nhiệm lại nhưng chiếu theo Quyết định 1395 thì đồng chí này sẽ không thể bổ nhiệm lại do trình độ lý luận chính trị không đạt yêu cầu.
Đáng lưu ý, ngoài một số cán bộ quản lý, sắp nghỉ hưu còn có nhiều cán bộ quản lý giáo dục trẻ tuổi trên địa bàn huyện, trình độ chuyên môn đạt chuẩn nhưng không có hoặc chưa đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị. Những con số trên cho thấy một thực tế là việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện Tân Lạc thời gian qua chưa thực sự được quan tâm.
Cần tập trung hoàn thiện trình độ lý luận chính trị cho cán bộ quản lý giáo dục
ở bậc học mầm non, toàn huyện hiện có gần 63% hiệu trưởng và 44% hiệu phó chưa có trình độ lý luận theo yêu cầu. Thậm chí nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng trình độ lý luận chính trị của cán bộ quản lý chưa thực sự chuẩn. Trường mầm non xã Tử Nê đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 4/2018. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường gồm có 3 đồng chí, trong đó 2 đồng chí phó hiệu trưởng. Trong số 2 phó hiệu trưởng mới có 1 đồng chí được cấp chứng chỉ sơ cấp lý luận chính trị ngay trong đầu tháng 8/2018.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Dậu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cán bộ quản lý của nhà trường đều có nguyện vọng được đi học để nâng cao trình độ, đạt chuẩn cả về chuyên môn cũng như lý luận chính trị. Nhà trường đã đăng ký cho các cô đi học nhưng chưa có lớp nên chưa đi học được. Các cô phó hiệu trưởng đang cố gắng hoàn thành yêu cầu về trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia cũng như Quyết định số 1395 về các yêu cầu đối với từng vị trí công tác.
Cùng chung quan điểm này, đồng chí Bùi Văn Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Thực trạng này cho thấy sự bị động trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục của địa phương. Thời gian qua, khi chưa có Quyết định số 1395 của UBND tỉnh thì vấn đề chưa thực sự "nóng”. Ngoài ra, các lớp học trung cấp lý luận chính trị kéo dài trong 2 năm (hệ tại chức) hoặc liên tục trong 8, 9 tháng khiến cho cán bộ quản lý, nhất là đồng chí hiệu trưởng rất khó bố trí thời gian để tham gia học tập. Đặc biệt, khi số trường liên cấp ngày càng nhiều, mà theo quy định trường dưới 18 lớp chỉ được bố trí 1 hiệu phó nên nếu hiệu trưởng đi học thì hiệu phó sẽ không thể quản lý, điều hành nhà trường được. Sắp tới khi số trường liên cấp tăng lên, một số đồng chí hiệu trưởng trường liên cấp nghỉ hưu hoặc đến hạn bổ nhiệm lại thì ngành giáo dục huyện Tân Lạc chắc chắn phải đối mặt với vấn đề thiếu hiệu trưởng trường liên cấp.
Trước thực tế này, đồng chí Trưởng Phòng GD&ĐT huyện trao đổi: Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu và đề xuất tổ chức ngay tại huyện các lớp học lý luận chính trị hệ trung cấp giành riêng cho ngành giáo dục. Thành phần tham gia lớp học sẽ là các đồng chí cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn trình độ lý luận chính trị, các đồng chí trong diện quy hoạch. Có như vậy thì vấn đề thiếu trình độ lý luận chính trị của cán bộ quản lý giáo dục của huyện Tân Lạc mới được giải quyết, góp phần ổn định bộ máy tổ chức của ngành.
Dương Liễu
(HBĐT) - Ngày 13/9/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khóa đào tạo Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Hòa Bình. Tham gia khóa đào tạo có trên 50 học viên là Lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch các huyện, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 12/9, tại Hội trường Khối đoàn thể huyện Lạc Sơn, Ủy ban nhân dân huyện, Hội LHPN huyện Lạc Sơn phối hợp với Dự án HKI tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp” năm 2018. Tham dự Ngày hội có hơn 50 đại biểu là lãnh đạo các ban, ngành của huyện, lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã Tân Lập, Yên Phú và 25 Hội viên phụ nữ là tác giả các ý tưởng khởi nghiệp.