Sau khi biên soạn, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo sách giáo khoa (SGK ) sẽ được triển khai thực nghiệm ở một số cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, tập trung vào lớp 1.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: VA
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) tại buổi họp báo diễn ra ngày 26/3.
Liên quan đến triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT, để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ cho tất cả các môn học. Trong vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ có thư mời và tuyển đội ngũ chủ biên tác giả; sau đó tập huấn để đảm bảo SGK thể hiện được mục tiêu, nội dung của chương trình mới theo phương pháp phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Sau khi biên soạn, học kỳ 1 năm 2019-2020, bản thảo SGK được triển khai thực nghiệm ở 1 số cơ sở GDPT, tập trung vào lớp 1. Thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Đề cập đến bồi dưỡng đội ngũ cho chương trình GDPT mới, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể để triển khai, tập trung bồi dưỡng cho 4 đối tượng: Cán bộ quản lý (CBQL) cấp sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở GDPT; giáo viên; giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung tập huấn bám theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT.
Năm 2019 sẽ tập trung bồi dưỡng cho các đối tượng nói trên hiểu về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình GDPT mới với nội dung sát với từng đối tượng được tập huấn.
Để làm được việc này, phương thức bồi dưỡng sẽ kết hợp giữa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Việc thiết kế nội dung bồi dưỡng trên mạng được quan tâm. Các khóa tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn tập trung nhiều vào nghiên cứu trường hợp cụ thể, có bài học minh họa; nội dung bồi dưỡng được thiết kế sát với công việc hàng ngày của mỗi giáo viên trong quá trình triển khai dạy học trong nhà trường...
Sẽ sửa đổi quy định về thi giáo viên giỏi
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến việc giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết việc này luôn được Bộ GD&ĐT quan tâm trong những năm qua.
Ngày 18/1/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Theo Chỉ thị, Giám đốc sở GD&ĐT, Trưởng phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ GD&ĐT ban hành.
Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
"Những nội dung trên đã được địa phương ủng hộ và chỉ đạo thực hiện quyết liệt"- ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.
Liên quan đến các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, ông Hoàng Đức Minh thông tin: Bộ GD&ĐT đã dự thảo sửa đổi quy định về 2 kỳ thi trên theo hướng chuyển việc thi sang xét giáo viên giỏi thông qua tiêu chí cốt lõi của Chuẩn. Với giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với các tiêu chí về giáo dục; với giáo viên dạy giỏi, gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp. Tiến tới công nhận thông qua hậu kiểm, qua tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh và cộng đồng.
Đặc biệt, không gắn kết quả thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi với thành tích tập thể; coi đây là sân chơi. Qua đó giáo viên không chỉ được tôn vinh mà còn bồi dưỡng nâng cao năng lực./.