Những ngày qua lá thư của em Nguyễn Nguyệt Linh (học sinh lớp 5M2, Trường Marie Curie, Hà Nội) gửi tới 40 trường học ở Hà Nội nhằm kêu gọi ngừng hoặc hạn chế thả bóng bay trong ngày khai giảng đã truyền cảm hứng rất lớn trong xã hội. Thứ trưởng có suy nghĩ gì khi đọc bức thư này?
- Tôi rất ấn tượng và xúc động khi đọc bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh, một em học sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chứng kiến của mình trước một vấn đề nóng của xã hội - vấn đề ô nhiễm môi trường, và có ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.
Bức thư của em những ngày qua đã truyền cảm hứng và "đánh thức” người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa từ việc thả bóng bay - một việc thường được làm trong mỗi dịp khai giảng nhưng ít ai nghĩ về tác hại của nó. Bộ GDĐT hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng xuất sắc, thiết thực của em Nguyệt Linh.
Hiện nhiều trường học trên cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyệt Linh để có mùa khai giảng "không bóng bay”. Bộ GDĐT có nhân rộng phong trào này?
- Tôi được biết, rất nhiều trường học ở Hà Nội và một số địa phương nhận được bức thư của em Nguyệt Linh đã ủng hộ ý tưởng không thả bóng bay vào ngày khai giảng của em. Đây là việc nên nhân rộng và khuyến khích. Bộ GDĐT mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của các em học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết rất xúc động khi đọc lá thư kêu gọi không thả bóng bay của cô học trò lớp 6.
Bộ cũng đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.
Tôi hy vọng lá thư của em Linh sẽ khơi dậy ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều học sinh, trước hết là giữ gìn, bảo vệ môi trường ngay trong lớp học, trường học và nơi các em đang sinh sống, bằng các việc làm hết sức cụ thể, thiết thực mỗi ngày.
Từ việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn của em Nguyệt Linh, hy vọng sẽ lan tỏa, nhiều em học sinh sẽ có thêm những ý tưởng mới, sáng tạo, gắn liền với cuộc sống và học tập của các em.
Mới đây, trong một phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhắc tới việc đổi mới khai giảng để thực sự "vì học sinh thân yêu”. Việc đổi mới khai giảng đã được ngành Giáo dục thực hiện như thế nào trong những năm qua và thời gian tới sẽ có đổi mới gì?
Những năm gần đây, lễ khai giảng đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức theo hướng gọn nhẹ và thiết thực hơn, đảm bảo hướng đến học sinh và vì học sinh. Nếu trước đây, thời gian tổ chức khai giảng do các trường chủ động nên có thể diễn ra trước ngày 5.9 và ở nhiều khung giờ khác nhau thì từ 3 mùa khai giảng gần đây, lễ khai giảng trên toàn quốc được thống nhất tổ chức bắt đầu từ 7h30 sáng ngày 5.9.
Lễ Khai giảng gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn, tránh rườm rà nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước… Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là mộtngày trọng đạivà thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.
Các trường tổ chức trang trí khuôn viên sư phạm sạch, đẹp, có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ khai giảng diễn ra thuận lợi, an toàn, thực sự là ngày hội đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.
Về cơ bản, phần lớn các trường đã thực hiện nghiêm túc việc đổi mới khai giảng, tuy nhiên vẫn còn một số nơi thực hiện chưa nghiêm, ngày khai giảng vẫn còn nặng nề với học sinh. Bộ sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới lễ khai giảng trong dịp khai giảng tới đây, để ngày khai giảng thực sự là ngày vui, ngày hội đến trường của mỗi học sinh và mỗi thầy cô giáo.
Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể gửi các trường, các địa phương về việc tổ chức khai giảng năm học mới 2019-2020, trong đó nhấn mạnh các hoạt động vì môi trường.
- Cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!