Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại hội thảo diễn ra mới đây bàn về công tác phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong khởi nghiệp.
Hội thảo này có sự tham gia của các đại biểu đến từ 80 trường đại học và nhiều doanh nghiệp. Tại đây, các ý kiến trình bày và thảo luận để trả lời 3 câu hỏi về sự cần thiết gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Làm thế nào để mối quan hệ gắn kết đó đạt được kết quả tốt nhất trong khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV).
Đồng thời đưa ra những kiến nghị về chính sách từ các bộ, ngành để phục vụ cho vấn đề khởi nghiệp hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, ông Hoàng Dương Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình chia sẻ: "SV trường chúng tôi đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp của Bộ GD&ĐT từ năm 2018, 2019 và nhà trường đầu tư rất nhiều nhưng thực tế thì kết quả vẫn còn hạn chế, chỉ đạt giải Ba, giải Nhì. Từ hội thảo, chúng tôi nhận thấy trường hiện thiếu các chuyên gia và doanh nghiệp."
Trong khi đó, bà Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: "Quan điểm từ nhà trường chúng tôi nhận thấy khởi nghiệp và định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Chính các cuộc thi khởi nghiệp đã làm thay đổi tâm thế của giảng viên.
Tôi tán đồng quan điểm mục tiêu của khởi nghiệp sáng tạo ở nhà trường chính là thay đổi tâm thế của SV và vai trò của trường ĐH là tạo các sân chơi. Trường ĐH sẽ tạo các đường thông để đào tạo và phát hiện ra những hạt nhân khởi nghiệp.
Nếu thất bại thì các em này có thể quay về làm chuyên viên, nhân viên ở các công ty. Quy trình đó giúp các em tích lũy để tiếp tục khởi nghiệp khi đạt "độ chín” nhất định”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Công Chính, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ: "Chúng tôi từng đồng hành trong các cuộc thi SV khởi nghiệp. Trong vai trò mentor, tôi thấy các SV được trang bị kiến thức khá tốt nhưng các em lại thiếu thực tiễn”.
Từ đó, ông Chính cho rằng nên có một cơ chế phối hợp tốt hơn. "Làm sao có cơ sở dữ liệu để các doanh nhân, các doanh nghiệp đặt ra các vấn đề cần để giải quyết và SV dựa vào để tháo gỡ, giải quyết. Tôi cho rằng đó là giải pháp giúp cho SV giải bài toán thiếu tính thực tiễn mà đa phần các em đang gặp phải.
Các doanh nghiệp đôi khi có thời gian theo sát các em thì hoàn toàn có thể đặt ra đề bài vào cơ sở dữ liệu chung đó và SV ở khắp nơi đều có thể chung tay giải quyết. Hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ đạt kết quả tốt hơn”, ông Chính nói.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất cần cơ chế khuyến khích giảng viên thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp cho SV như thưởng hay là một tiêu chí đối với một giảng viên chính.
Phát biểu cuối buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: "Chúng ta cùng nhận thức toàn ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục nhưng có 3 đổi mới tư duy chính mà ngành đang thực hiện cần phải nhấn mạnh.
Đó là chuyển thế mạnh trước đây là phát triển số lượng sang chú trọng chất lượng, từ quy mô sang chiều sâu. Chúng ta cung cấp ra nguồn nhân lực gì thì cũng phải chú trọng nhân lực có chất lượng và hướng tới chất lượng cao. Bộ đã chỉ đạo các trường phải phát triển quy mô tạo điều kiện cho các em học nhưng phải tử tế và đầu ra chất lượng”.
"Đặc biệt quan trọng mà các trường phải làm là chuyển từ tư duy giáo dục lấy truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện tốt nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường đi đôi với gia đình và xã hội. Sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp hôm nay chính là thực tế hóa nguyên lý đó”, Thứ trưởng Độ chia sẻ.
Cũng theo ông Độ, đổi mới từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng thị trường lao động chính là đổi mới tư duy cần chú trọng. Để làm điều đó thì các nhà trường phải gắn kết với doanh nghiệp để nghe đánh giá chất lượng đào tạo của mình đã đáp ứng nhu cầu hay chưa và hiểu thêm thị trường đang cần gì để điều chỉnh quá trình đào tạo cho phù hợp.
Ông Độ cũng nhận định, hội thảo này cũng cho thấy Bộ GD&ĐT và các cơ quan ban ngành cần ngồi lại bàn tháo gỡ những cơ chế chính sách để khuyển khích các trường ĐH và HS-SV tham gia khởi nghiệp sáng tạo và tạo ra cơ chế thành lập quỹ khởi nghiệp ở các trường. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vào các trường nhiều hơn.
Nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam giúp du học sinh về nước tránh dịch Covid-19 có nhiều lựa chọn nếu muốn học tiếp đại học.