(HBĐT) - Năm học 2020 - 2021 đã bắt đầu được gần 1 tháng, các trường cũng đã tiến hành họp phụ huynh và một trong những chủ đề "nóng” nhất hiện nay là các khoản đóng góp đầu năm học.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Để tránh những sai phạm, tiêu cực trong việc thu, chi tài chính đầu năm học 2020 - 2021, ngay sau ngày khai giảng năm học, Sở GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc thực hiện các khoản thu, chi đầu năm học. Trong đó nêu rõ các khoản thu theo quy định như học phí. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học phí được thu 10 tháng/năm. Học phí thu định kỳ hàng tháng, nếu học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ, hoặc cả năm học. Khoản thu theo quy định thứ hai là tiền phí trông xe. Công văn cũng nêu rõ việc yêu cầu các đơn vị, nhà trường không thu phí dự thi, dự tuyển, quỹ xây dựng trường.

Đối với việc dạy thêm, học thêm, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu và quản lý tiền dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND, ngày 23/8/2013 của UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND, ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh sửa đổi Điều 7 của quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Năm học này, Sở GD& ĐT cũng quy định rõ khoản các nhà trường sẽ thu hộ theo quy định là BHYT, quỹ đoàn, đội. Ngoài ra, các khoản thu không bắt buộc là bảo hiểm thân thể, đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện, cha mẹ học sinh (CMHS) có quyền chọn lựa tham gia hoặc không tham gia. Đối với khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, bảng tên, phù hiệu thì thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT, ngày 30/9/2009 của Bộ GD&ĐT quy định về mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Phụ huynh học sinh và Ban đại diện (BĐD) CMHS tổ chức việc may, hoặc mua đồng phục theo đúng quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT và các quy định khác của nhà trường.

Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Đối với nguồn kinh phí thu theo thỏa thuận, các khoản thu thỏa thuận để phục vụ cho bản thân học sinh như: tiền bán trú, tiền ăn trưa đối với lớp học 2 buổi/ngày..., nhà trường tổ chức thu, nhưng phải thực hiện đầy đủ các điều kiện sau: Dự toán chi tiết cho các khoản thu, chi; công khai với CMHS để thống nhất mục đích thu, chi; chỉ thu khi người nộp tự nguyện. Các khoản thu này phải theo dõi trên sổ sách kế toán theo quy định hiện hành. Tất cả các khoản thu sau khi thực hiện phải được quyết toán đảm bảo dân chủ, tự nguyện, công khai theo quy định.

Ngoài ra, đối với những khoản đóng góp của CMHS cho BĐD CMHS, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa BĐD CMHS để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011. BĐD CMHS chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của BĐD CMHS, không được thu tiền: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh của nhà trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của nhà trường. Việc thu, chi kinh phí của BĐD CMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại cuộc họp toàn thể CMHS lớp và cuộc họp toàn thể BĐD CMHS trường.

Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường quản lý, sử dụng tất cả các khoản thu, chi sự nghiệp, nguồn tài trợ, biếu tặng... phải được niêm yết thông báo công khai, theo dõi, quản lý đảm bảo theo đúng quy định. Các đơn vị, nhà trường phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế sử dụng quỹ. Quy chế này phải được thảo luận công khai, được sự nhất trí của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Hàng năm có sửa đổi, điều chỉnh quy chế phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị, nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục.


Dương Liễu


Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục