Tính đến hết năm 2020, toàn ngành GD&ĐT huyện có 38 trường, trong đó có 13 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 8 trường THCS, 5 trường TH&THCS, 1 trường DTNT THCS THPT, 3 trường THPT và 1 Trung tâm GDNN-GDTX; 11 Trung tâm Học tập cộng đồng. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã sáp nhập được 14 trường học, thuộc các xã: Ngọc Lương, Phú Lai, Đoàn Kết, Hữu Lợi, thị trấn Hàng Trạm và Lạc Sỹ thành 7 trường.
Quy mô và chất lượng giáo dục của huyện được cải thiện rõ rệt. Về quy mô, tỷ lệ huy động trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp đến năm 2020 đạt 79,6%, tăng 8,4% so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó, nhà trẻ đạt 56,2%, cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh (41,6%); mẫu giáo đạt 100%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, tăng 13,9% so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trong nhiệm kỳ đạt 100%. Tỷ lệ học sinh THCS có bằng tốt nghiệp năm trong giai đoạn 4.078/4.097, đạt 99,5%, tăng 0,3% so với đầu nhiệm kỳ. Học sinh THPT có bằng tốt nghiệp trong nhiệm kỳ đạt 94,5%, tăng 0,1% so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, giữ vững giáo dục mũi nhọn có nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2020, huyện có 1.280 học sinh giỏi, 768 giáo viên giỏi các cấp. Trong đó có 186 học sinh, 58 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật (KHKT) trong học sinh phát triển mạnh mẽ, đã có 212 dự án tham dự và có 18 dự án đoạt giải tại Hội thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh và 5 dự án đoạt giải tại Hội thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh phổ thông cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã có chuyển biến tích cực. Huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; công tác xóa mù chữ đạt mức độ 2; phổ cập THCS đạt mức độ 2. Chất lượng GDTX, giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm với việc thực hiện đa dạng các loại hình học tập, Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, thị trấn được duy trì. Trường DTNT, DTBT được nâng cấp về cơ sở vật chất; tiếp tục triển khai các nội dung chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số mầm non, tiểu học; các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỷ lệ trường đạt chuẩn tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của huyện. Hiện nay, toàn huyện có 27/38 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 71,05%, vượt 15,49% so với chỉ tiêu kế hoạch. Công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.
Đồng chí Cao Thị Thế Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu trong năm 2021, công nhận mới 1 trường học đạt chuẩn quốc gia; huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; phổ cập giáo dục.
Xuân Thiên
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)