(HBĐT) - Đó là ghi nhận về "Ngày hội đọc sách” của trường TH&THCS Tú Lý (Đà Bắc) được tổ chức vừa qua. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và các loại hình giải trí, việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ không hề dễ.
Hơn thế, mặc dù ở địa bàn trung tâm nhưng đến nay, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở trường TH&THCS Tú Lý còn nhiều khó khăn. "Trên 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em ở bậc THCS sáng đi học, chiều phụ giúp công việc gia đình nên không có nhiều thời gian cho việc học cũng như việc đọc sách để tích lũy, nâng cao tri thức. Bởi vậy, để khơi dậy phong trào đọc sách và nuôi dưỡng tình yêu sách với các thế hệ học trò, trường đã quan tâm xây dựng thư viện trở thành thư viện tiên tiến cấp huyện, duy trì việc tổ chức "Ngày hội đọc sách" hàng năm” - thầy giáo Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Có lẽ xuất phát từ sự kỳ vọng: Nuôi dưỡng, thắp sáng tình yêu sách cho con trẻ nên "Ngày hội đọc sách" của trường được tổ chức khá công phu, kỹ lưỡng. Trong đó có chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian và hái hoa dân chủ, trả lời câu hỏi trắc nghiệm từ những trang sách đã đọc, đã học. Có rất nhiều cánh tay được giơ lên để tham gia trả lời câu hỏi. Đặc biệt ở phần đọc truyện: Ngoài phần giới thiệu sách "Những câu chuyện hay về tình cảm gia đình” do cô thủ thư của nhà trường thể hiện, làm hơn 200 khán giả, gồm cả cô và trò im phăng phắc, thi thoảng có tiếng sụt sịt và những ngón tay giơ lên gạt nước mắt vì xúc động, còn phần kể chuyện của các em lại thiếu sự truyền cảm. Cũng có thể do lực cản của ngôn ngữ, hoặc chưa quen đứng trước đám đông mà các em kể chuyện như đọc thuộc lòng không diễn tả được cảm xúc. Thậm chí có học sinh lớp 3 phải đợi người dẫn chương trình (cô giáo) và khán giả là các bạn "nhắc bài”, tặng tới 3 tràng vỗ tay cổ vũ mới giữ được bình tĩnh để kể câu chuyện "Hai Bà Trưng” với hơn hai chục dòng trong sách Tiếng Việt lớp 3.
Dự "Ngày hội đọc sách" và tặng thư viện trường TH&THCS Tú Lý 120 cuốn sách, đồng thời giới thiệu sơ lược về cuốn sách mới của mình: "Như chưa hề có Thác”, viết về cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở đôi bờ sông Đà, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tâm tình: Các cụ xưa có câu "Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay” để nói lên giá trị của sách đối với nhân loại. Câu nói ấy giờ vẫn nguyên giá trị, bởi sách là kho tàng lưu trữ những di sản, thành tựu vô giá được truyền từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cũng có nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần tự học, trở thành người ham học suốt đời. Đọc sách không chỉ giúp mỗi con người nâng cao kiến thức mà còn cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, cải thiện trí nhớ, vốn từ được nhân lên để có thể giao tiếp, nói chuyện với mọi người một cách cuốn hút… Mong các thầy, cô giáo, học sinh nhà trường tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với sách, khơi dậy văn hóa đọc để mỗi thầy, cô giáo, mỗi em học sinh đều trở thành người "giàu có” cả về tâm hồn và trí tuệ.
Chia tay thầy và trò trường TH&THCS Tú Lý, chúng tôi hẹn ngày trở lại để cùng góp sức khơi lại văn hóa đọc, thắp sáng tình yêu với từng trang sách của các thế hệ học trò, góp phần nâng tầm tri thức cho những mầm xanh tương lai.
Lam Nguyệt
(Hội Nhà báo tỉnh)