(HBĐT) - Không đội mũ bảo hiểm, không cài quai mũ bảo hiểm đúng quy cách, đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ hoặc phương tiện khác, xe không đăng ký và không gắn biển số... Đó là những vi phạm khá phổ biến khi học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia giao thông bằng xe máy điện (XMĐ) không chỉ trên địa bàn TP Hòa Bình mà còn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.



Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an TP Hòa Bình) nhắc nhở học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc (bao gồm XMĐ) mà không cần có giấy phép lái xe. Vì dễ sử dụng, có nhiều tiện ích, giá thành vừa phải nên XMĐ được nhiều gia đình lựa chọn làm phương tiện cho con em mình. Người sử dụng XMĐ phần lớn là HSSV, chiếm khoảng trên 70%. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), số XMĐ toàn tỉnh được đăng ký quản lý trên 20.000 xe. Bình quân mỗi tháng đăng ký mới dao động trên dưới 200 xe.
Thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT) - Công an TP Hoà Bình đã tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát chuyên đề, qua đó nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính nhiều trường hợp tham gia giao thông bằng XMĐ vi phạm quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 144 XMĐ. Trong đó, từ đầu tháng 9/2021 đến nay, Đội huy động tối đa lực lượng, phương tiện nghiệp vụ ra quân tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp có hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, tập trung tại một số địa bàn trọng điểm như: Cổng trường THPT Công Nghiệp, ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Chi Lăng, ngã tư đầu cầu Hòa Bình - đường Cù Chính Lan - Chi Lăng, đường Trương Hán Siêu, đại lộ Thịnh Lang… Thời gian từ 6h30’ - 7h (đầu giờ đi học) và các buổi tối từ 19h30’ - 22h hàng ngày.
Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội CSGT-TT thành phố cho biết: Thực tế tuần tra, kiểm soát cho thấy, HSSV khi điều khiển XMĐ chủ yếu có hành vi vi phạm là không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai mũ đúng cách; đi xe dàn hàng ngang; sử dụng ô, điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện; chở quá số người quy định; không đi đúng phần đường, không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo, hiệu lệnh giao thông… Các hành vi này trực tiếp gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện, cũng như gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho những người cùng tham gia giao thông. Ngoài ra, không riêng đối với HSSV, khá nhiều trường hợp XMĐ lưu thông trên đường mà không có giấy tờ, xe chưa được đăng ký và gắn biển số, trong khi đây là quy định bắt buộc đối với phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông.
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đối với HSSV đi XMĐ cho thấy những bất cập đòi hỏi cần có sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh học sinh. Như việc làm thẻ cho HSSV, nhiều trường chưa triển khai nên đôi khi gây khó khăn cho lực lượng CSGT trong quá trình xác minh tên, tuổi, địa chỉ trường lớp để làm cơ sở gửi thông báo vi phạm đến nhà trường. Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật ATGT của các nhà trường chưa có tính răn đe. Nếu có thông báo vi phạm gửi về trường học sinh chỉ bị phê bình trước lớp, hay một số nhà trường không có phản hồi lại với lực lượng chức năng. Trong nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành các quy định đảm bảo ATGT cho HSSV khi tham gia giao thông bằng XMĐ, nhất định cần có sự vào cuộc trách nhiệm của gia đình, phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em. Nếu không có sự đồng bộ đó thì sự vào cuộc của lực lượng chức năng cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa” - thiếu tá Nguyễn Đình Hùng khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT-TT TP Hòa Bình đã tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Trong đó, chú trọng phối hợp với các nhà trường và ngành GD&ĐT để nâng cao hiệu quả tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, góp phần nâng cao ý thức cho HSSV khi tham gia giao thông. Riêng Đội CSGT-TT thành phố đã tổ chức tuyên truyền tại 9 trường học với tổng số 11 buổi, thu hút trên 3.700 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham dự. 


Khánh An

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục