Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra, nhưng hiện có hơn 14.000 học sinh không thi vào lớp 10 công lập, mà chọn loại hình học tập khác, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, bản thân.


Các thí sinh thảo luận sao khi hoàn thành bài thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập 2020-2021. Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN

Năm nay, số thí sinh dự thi tăng hơn năm trước, lên đến hơn 94.000 em và kỳ thi vẫn diễn ra trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi này với 150 điểm thi, gồm 139 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên với tổng cộng 3.953 phòng thi, mỗi điểm có thêm 3 phòng thi dự phòng. Sở huy động 11.859 giáo viên coi thi và 1.800 nhân viên, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Thí sinh là F0 được bố trí thi phòng riêng, có đủ cán bộ coi thi cũng như giám sát. Để tham dự kỳ thi, các em thuộc diện F0 phải làm đơn xin dự thi và có chữ ký xác nhận đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ. Thí sinh phải cam kết thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các điểm thi thực hiện khử khuẩn trước ngày thi một ngày và sau khi thi; vệ sinh môi trường hành lang, sân trường, nhà vệ sinh… sau mỗi buổi thi. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức vệ sinh, khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi đối với phòng thi của thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, F0. Năm nay, theo chỉ đạo của Sở, các điểm thi không tổ chức khai mạc kỳ thi. Thí sinh lên thẳng phòng thi và ra về ngay sau khi thi.

Mỗi điểm thi chuẩn bị từ ba phòng thi dự phòng trở lên, từng phòng đáp ứng đủ yêu cầu về phòng, chống dịch để xử lý trường hợp có biểu hiện bệnh. Mỗi phòng thi sắp xếp tối đa 24 thí sinh, mỗi em ngồi một bàn hoặc đảm bảo giãn cách, các phòng thi thông thoáng và không sử dụng máy lạnh. Các điểm thi lên kế hoạch phân luồng, bố trí cho người nhà đưa đón thí sinh thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, không tập trung đông người xung quanh điểm thi.

Trong 2 ngày thi, các điểm thi hướng dẫn, yêu cầu thí sinh rửa tay sát khuẩn ngay tại cổng, cửa phòng thi, phòng hội đồng. Các điểm thi bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho thí sinh và cán bộ nhân viên sử dụng, bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý đảm bảo đảm vệ sinh... Cán bộ, nhân viên, thí sinh phải đeo khẩu trang trong thời gian ở tại điểm thi.

Bà Nguyễn Xuân Mai, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay, toàn thành phố có 108.291 học sinh xét tốt nghiệp Trung học Cơ sở nhưng chỉ có hơn 94.000 em đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông. Trong đó, hơn 86.000 em dự thi vào lớp 10 thường, 6.579 em dự thi lớp 10 chuyên và hơn 1.300 em dự thi lớp 10 tích hợp. 

Như vậy, thành phố sẽ có hơn 14.000 học sinh không tham gia thi lớp 10. Theo lý giải của Sở Giáo dục và Đào tạo, các em đã chọn loại hình học tập khác, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, bản thân như Trường Trung học Phổ thông ngoài công lập, trường nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc du học ở nước ngoài.

Kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12/6. Trước đó một ngày, thí sinh sẽ có mặt tại các điểm thi để nghe quy chế thi và chỉnh sửa sai sót thông tin nếu có.

Với lớp 10 thường, thí sinh phải thi ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Những em xét tuyển vào lớp 10 chuyên hoặc lớp 10 tích hợp dự thi thêm môn chuyên/tích hợp là 150 phút vào chiều 12/6. 

Thí sinh chỉ được mang vào điểm thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, các loại máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Dự kiến, ngày 24/6, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các thí sinh. Ngày 27/6, Sở công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, tích hợp và danh sách các thí sinh được tuyển thẳng. Điểm chuẩn trúng tuyển, danh sách trúng tuyển của các Trường Trung học Phổ thông công lập trên địa bàn sẽ được công bố vào ngày 11/7.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục