Ngày 10/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, với gần 500 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.


Việc dạy và học tại các nhà trường phải hướng tới chất lượng thực chất. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định, đến thời điểm này, kế hoạch năm học diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi và đang đúng lộ trình đặt ra. Toàn ngành đã và đang chủ động, bài bản, khoa học, nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; một số vấn đề liên quan đến chuyên môn, tổ chức dạy và học tại các trường, thu, chi tài chính, văn hóa học đường…

Thứ trưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo cần kiên định triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chủ động, hiểu thật sâu, thật kỹ bản chất của Chương trình mới; tìm ra sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và Chương trình mới để có phương thức triển khai tốt nhất.

Cùng với đó, việc dạy và học tại các nhà trường phải hướng tới chất lượng thực chất. Một trong những nguyên tắc của chương trình mới là thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc, không được cắt xén. Các môn học là bắt buộc và phải dạy số tiết đầy đủ để không thiệt thòi cho học sinh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, cần tăng cường, chú trọng vai trò các môn học đạo đức, giáo dục công dân để giảm bớt tình trạng bạo lực học đường, nâng cao ý thức văn hóa học đường, thắt chặt tình cảm thầy, trò. Có như vậy, giáo dục mới nâng cao được chất lượng.

Về đội ngũ giáo viên, cần tiếp tục tham mưu đề xuất để có đủ chỉ tiêu, chú trọng động viên tinh thần các nhà giáo và giảm tải nhất cho giáo viên trong quá trình dạy và học. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt tổ chuyên môn để nâng cao chuyên môn của các giáo viên trong nhà trường.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc quản lý tài sản và thu chi tài chính phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đặc biệt là quy định Thông tư 55 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.         

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã báo cáo đánh giá sơ bộ kết quả triển khai nhiệm vụ năm học tại các địa phương cho đến thời điểm này. 

Theo đó, việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Kế hoạch thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục được các nhà trường xây dựng bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.

Việc xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 đã bước đầu bảo đảm yêu cầu, vừa đáp ứng theo nguyện vọng của học sinh vừa sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên của nhà trường. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch.

Việc xây dựng kế hoạch bài dạy cơ bản bảo đảm các yêu cầu về phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học. Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp một số khó khăn như thiếu giáo viên chuyên môn một số môn học mới, sắp xếp thời khóa biểu các môn học, hoạt động giáo dục vẫn chủ yếu theo thói quen cũ, một số địa phương chậm trễ trong việc thẩm định tài liệu…

Từ thực tế triển khai tại địa phương, đại diện nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đề cập về những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mới. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Võ Văn Mai cho biết: Đối với việc phân công giờ dạy, Nghệ An bố trí giáo viên, đặc biệt với các môn học mới, bảo đảm logic nội dung giáo dục và sát chuyên môn của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá, nếu môn học, hoạt động giáo dục có sự tham gia của nhiều giáo viên thì có sự phối hợp giữa các giáo viên đó, cử một người vào học bạ, sổ điểm và hoàn thiện hồ sơ cho học sinh vào cuối kì, cuối năm học.

Để tránh tình trạng giáo viên máy móc, làm theo thói quen khi xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, ông Võ Văn Mai đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn cho đội ngũ chuyên viên, cốt cán để tập trung trao đổi, chia sẻ trên một kế hoạch giáo dục cụ thể của một nhà trường, một môn học, một giờ dạy, giúp cơ sở thực hiện hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Lê Hoàng Dự cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường tổ chức tập huấn một số chuyên đề quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kiểm tra đánh giá, hoạt động tổ chuyên môn, hoạt động trải nghiệm… Cùng với đó là trao đổi, tháo gỡ một số nút thắt, khó khăn trong việc ban hành tài liệu giáo dục địa phương, hỗ trợ các môn học chung trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.


Theo TTXVN

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục