Còn chưa đầy 10 ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra (từ ngày 27 đến 30/6). Ðến nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng như các địa phương đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức; có phương án xử lý tình huống bất thường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Giờ ôn tập tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của kỳ thi là con người và cơ sở vật chất. Vì vậy, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất; lựa chọn nhân sự nắm vững chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm cao.
Tạo thuận lợi nhất cho thí sinh
Trường THPT Phan Chu Trinh (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang tận dụng những ngày còn lại để tăng cường ôn thi, củng cố kiến thức cho học sinh. Dẫn chúng tôi đi thực tế công tác chuẩn bị thi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, về cơ bản, công tác ôn thi đã hoàn thành theo kế hoạch, trường chỉ dành thêm vài buổi để hệ thống lại kiến thức cũng như giúp học sinh có kỹ năng làm bài thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, trường đã tổ chức tập huấn, phổ biến quy chế thi cho cán bộ, giáo viên và học sinh; bổ sung, rà soát cơ sở vật chất. Qua rà soát, một số bàn, ghế hư hỏng đã được trường thay thế. Phòng để đề thi, bài thi được bố trí tủ sắt, có khóa; hệ thống camera an ninh được bảo dưỡng và chạy thử đáp ứng yêu cầu. Năm 2022, điểm thi này gặp khó khăn, lúng túng trong việc để đồ của thí sinh cách phòng thi theo quy định 25m, năm nay, trường đã bố trí khu vực để đồ hợp lý.
Tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Ðạo (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã và đang được chuẩn bị chu đáo. Theo thầy giáo Lê Trường Giang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng thi, máy phát điện dự phòng; bảo đảm đủ bàn, ghế, ánh sáng, nước uống, đồng thời giới thiệu chỗ ăn, ở sạch sẽ, bảo đảm an toàn cho cán bộ, giảng viên, thí sinh. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường hơn 10km, đều được trường bố trí ở ký túc xá miễn phí (biệt lập với khu vực thi) trước, trong kỳ thi.
Các địa phương từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có phương án, cách thức hỗ trợ thí sinh hoàn thành chương trình năm học, tổ chức ôn thi hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn, ngành giáo dục có kế hoạch tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chỗ ăn, nghỉ, đồ dùng học tập; hỗ trợ thí sinh các bữa ăn trưa trong những ngày thi; tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện đi lại cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Tại tỉnh Bắc Giang, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã giao Tỉnh đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh và người nhà tham gia kỳ thi. Các thí sinh và người thân ở xa điểm thi được bố trí chỗ nghỉ tại nhà công vụ; nhà dân chung quanh điểm thi được vận động tạo điều kiện để thí sinh tạm trú trong 4 ngày.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký, trong đó 3.600 thí sinh tự do. Mọi nguồn lực được huy động để kỳ thi diễn ra an toàn; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh...
Chủ động xử lý các tình huống bất thường
Những ngày này, nhiều đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang đến các địa phương kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại các buổi kiểm tra, lãnh đạo các địa phương cho biết, tính đến thời điểm này, đã khảo sát, lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương cũng xây dựng phương án phối hợp với sở, ban, ngành trên địa bàn để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Cùng với việc tổ chức ôn tập, phổ biến quy chế cho học sinh, ngành giáo dục các địa phương đã xây dựng phương án tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên làm công tác tổ chức kỳ thi với tinh thần không lơ là ở bất kỳ khâu nào; an ninh, an toàn của kỳ thi ở các khâu được xác định ở mức cao nhất.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Thuận Phan Ðoàn Thái cho biết, Sở đã phối hợp Công an tỉnh bố trí khu vực in sao đề thi đáp ứng đúng yêu cầu cách ly ba vòng độc lập.
Ðịa phương có điểm thi thuộc vùng hải đảo, cho nên Ban chỉ đạo kỳ thi đã lên phương án phối hợp vận chuyển đề thi đến điểm thi tại đảo Phú Quý và phương án vận chuyển bài thi từ đảo Phú Quý vào đất liền để chấm.
Theo kế hoạch, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Thuận thuê tàu vận chuyển đề thi ra đảo và đưa khoảng 40 thầy, cô giáo làm nhiệm vụ coi thi tại đảo Phú Quý. Trong ngày giao đề từ đất liền ra đảo, Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ bố trí một tàu đi cùng để kịp thời hỗ trợ nếu có sự cố bất thường.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Gia Lai Lê Duy Ðịnh, thời điểm tổ chức kỳ thi cũng là lúc ở Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa. Vì vậy, đề thi sau khi in xong sẽ được cho vào túi theo quy định. Tuy nhiên, địa phương còn bọc thêm một túi nilon đề phòng bị ướt. Thi xong, bài thi của các em cũng sẽ được bọc cẩn thận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, để các thí sinh và phụ huynh có tâm lý an tâm, thoải mái trước, trong và sau kỳ thi, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền về kỳ thi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Bắc Giang là địa phương có vùng núi, thường xảy ra lũ quét, vì vậy, các phương án dự phòng về thiên tai, bão lũ, ở tất cả các tình huống có thể xảy ra đã được chuẩn bị kỹ càng.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị; bảo đảm không bị gián đoạn về điện. Sở Giao thông vận tải cũng đã bố trí phà riêng để bảo đảm qua phà Cần Giờ không bị ách tắc trong những ngày diễn ra kỳ thi...
PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị kỳ thi đã cơ bản triển khai đúng tiến độ. Trong kỳ thi, có hai yếu tố quan trọng là con người và cơ sở vật chất; trong đó, con người là yếu tố quyết định, chi phối sự thành công kỳ thi. Tinh thần chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng như các địa phương là tăng cường kiểm tra, rà soát, chọn đúng người, đúng việc cho từng công việc cụ thể, từ công việc của ban chỉ đạo đến chọn người làm đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra .
Theo Báo Nhân Dân
Ngày 11/6, gần 105.000 thí sinh của Hà Nội đã hoàn thành 3 môn trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2023 - 2024.
(HBĐT) - Hơn 20 năm trước, không bao lâu sau khi thành lập huyện Cao Phong thì trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) huyện Cao Phong (nay là trường PTDTNT THCS&THPT Cao Phong) được thành lập. Năm học đầu tiên 2003 - 2004, nhà trường tuyển một lớp 6 và một lớp 7, tổng số 60 học sinh. Tuy nhiên, trường lớp chưa có, phải đi học nhờ tại trường THCS xã Bắc Phong. Nhà giáo Phạm Hùng - hiệu trưởng đầu tiên của trường nhớ rõ từng khó khăn mà cả thầy và trò đã cùng vượt qua, để rồi góp phần kiến tạo nên những viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục huyện nhà.
(HBĐT) - Ban tổ chức cuộc thi Coolest Projects 2023 vừa công bố kết quả chung cuộc. Theo đó, dự án xuất sắc nhất được lựa chọn trao giải thưởng Coding With Commitment 2023 (Dự án của năm) là: "Smart farm” (Trang trại thông minh) của nhóm học sinh đến từ trường TH&THCS Cun Pheo, huyện Mai Châu.
(HBĐT) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 – 2024 có những điểm mới so với năm học trước. Toàn tỉnh chỉ tổ chức một đợt thi để tuyển sinh vào các trường công lập, sau đó áp dụng phương thức xét tuyển đối với trường tư thục. Trong 3 ngày 6 – 8/6, kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.
(HBĐT) - Ngày 6/6, trên 10.400 thí sinh của tỉnh bước vào ngày thi đầu tiên Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 với 2 môn: Ngữ Văn, Tiếng Anh. Trong đó, buổi sáng thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút); buổi chiều thi môn tiếng Anh (60 phút).