Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2023 ở các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá, nhiều tỉnh, thành phố có các phương thức hỗ trợ thí sinh, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không dự thi được.

Chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai. Ảnh: TH

Làm tốt từ khâu chuẩn bị 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra với quy mô lớn, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh tham gia thi và khoảng trên 250.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào các khâu tổ chức kỳ thi. Khâu quan trọng nhất, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị.  

Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi, TP Hà Nội đã bố trí gần 4.300 phòng thi, tại 189 điểm thi ở 30 quận, huyện, thị xã, bảo đảm cho thí sinh ở các địa bàn di chuyển thuận lợi. Dù tổ chức trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, song tại mỗi điểm thi đều có bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng để chủ động ứng phó khi có tình huống phát sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội điều động 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi. Ngoài ra còn có gần 600 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. Điểm khác biệt của kỳ thi tốt nghiệp THPT so với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ thanh tra khâu coi thi. Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội đề nghị các điểm thi không chủ quan, tiếp tục rà soát, kiểm tra kỹ mọi khâu để chủ động, kịp thời xử lý tốt các tình huống phát sinh trong những ngày tổ chức kỳ thi.  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị thật tốt nhân lực tham gia kì thi. Lựa chọn con người, bố trí, kiểm soát con người rất quan trọng. Bất cứ sai sót nhỏ nào của một cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi, không chỉ của tỉnh mà ảnh hưởng cả toàn quốc. Trong đó, phải làm kỹ lưỡng công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm thi. Trong công tác tập huấn cần lưu ý những nội dung mới, cá thể hoá đối tượng tập huấn theo từng nhiệm vụ, nêu những tình huống giả định để tập huấn. Phương châm tất cả cán bộ tham gia thi phải được tập huấn, bao gồm cả đội ngũ dự phòng.

Tại các tỉnh như Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng hoàn tất. Sở GD&ĐT Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tổ chức học tập, nghiên cứu, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh về Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT, nhất là những điểm mới trong triển khai thực hiện Quy chế thi năm 2023; trong đó, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối trong kỳ thi về phòng, chống sự gian lận qua sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với phòng GD&ĐT huyện, thành phố và trường có thí sinh dự thi tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho các điểm thi. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu Quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ coi thi. Qua đó, bảo đảm tất cả những người tham gia coi thi đều thực hiện đúng Quy chế thi. Với các điểm thi, tăng cường công tác chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện về mọi mặt để tổ chức tốt kỳ thi.

Sở GD&ĐT Kon Tum cũng đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án bảo mật công tác sao in đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, cũng như quá trình bàn giao bài thi, quá trình chấm thi, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đặc biệt, chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch để hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ, đưa đón cán bộ coi thi cũng như các thí sinh ở xa, nhất là kịp thời động viên, hỗ trợ kinh phí cho các thí sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thí sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi.  

Tổng số tiền hỗ trợ của các huyện, thành phố trong tỉnh cho thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp gần 547 triệu đồng, từ ngân sách Nhà nước và huy động từ các tổ chức hảo tâm. Trong đó, huyện khó khăn, biên giới Đăk Glei đã trích kinh phí 108,6 triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia kỳ thi; huyện biên giới Ia H’Drai đã trích kinh phí 12,47 triệu đồng để hỗ trợ tiền xe cho 64 thí sinh về tỉnh dự thi; trong đó, có 63 em là học sinh của Phân hiệu trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tại huyện Ia H’Drai và 1 thí sinh tự do.  

Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đã kiểm tra, khảo sát và lựa chọn 41 điểm thi ở 17 huyện, thị xã, thành phố cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi theo quy định với tổng số 656 phòng thi. Nhằm hỗ trợ thí sinh và người nhà trong kỳ thi năm nay, toàn tỉnh sẽ có 310 tình nguyện viên tham gia trực tại 40/41 điểm thi, ra quân ngày 27/6 và kết thúc vào cuối ngày 29/6. Các đội hình tình nguyện "Tư vấn - Tiếp sức mùa thi” sẽ tập trung hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; tổ chức tìm kiếm, giới thiệu nhà trọ miễn phí, nhà trọ giá rẻ, địa điểm ăn uống bình dân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, liên hệ các trường có căng tin hỗ trợ điểm ăn, uống tập trung; vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ cung cấp nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh; tổ chức đón thí sinh tại các điểm thi, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn đường đi; hỗ trợ di chuyển đối với thí sinh và người nhà thí sinh.

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 toàn tỉnh có gần 3.000 cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra, phục vụ tại 33 điểm thi, với 900 phòng thi chính thức. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các cơ sở Đoàn triển khai các chương trình "Sinh viên tình nguyện”, "Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi và hỗ trợ thí sinh khó khăn dự thi. Đồng thời, tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.  

Quán triệt làm theo quy chế 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến 100% trên Hệ thống Quản lý thi. Ở năm thứ hai, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra thuận lợi, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kì thi tại địa phương, do đó sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Để kịp thời nắm tình hình chuẩn bị từ địa phương, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, cho thấy: Các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được thực hiện hết sức nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

"Qua kiểm tra tại các địa phương, tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay. Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ và hết sức sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho kỳ thi. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương cũng được thực hiện tốt. Các địa phương cần quán triệt thực hiện "4 đúng - 3 không” trong tổ chức kì thi. "4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết. 

Theo báo Tin tức


Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục