Từ 14 giờ chiều nay 27/6, các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 trên cả nước đến các điểm dự thi để nghe phổ biến Quy chế, rà soát lại các thông tin cá nhân, hoàn tất những thủ tục cuối cùng, sẵn sàng bước vào các buổi thi chính thức diễn ra từ ngày 28/6.
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tập trung nguồn lực tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Trên toàn quốc, có tổng số 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông hàng đầu cả nước. Tại Hà Nội, với hơn 102.000 thí sinh đăng ký dự thi, kỳ thi được tổ chức tại 189 điểm thi với 4.263 phòng thi, huy động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, Thành phố tổ chức 156 điểm thi, huy động gần 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.
Thành phố Đà Nẵng năm nay có 13.133 thí sinh đăng ký dự thi. Thành phố tổ chức kỳ thi tại 29 điểm thi với 551 phòng thi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Tại kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì công tác tổ chức thi tại địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc phân cấp nhiệm vụ, trách nhiệm làm rõ tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các văn bản hướng dẫn giữa Bộ và địa phương. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy, các hướng dẫn cho kỳ thi; ra đề thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, tập trung công tác ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, tiện ích cho các thí sinh và nhà trường trong kỳ thi; cấp tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về cho thấy các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức kỳ thi. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi.
Các địa phương đã rà soát, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi, địa điểm in sao đề thi và triển khai công tác in sao đề thi, địa điểm lưu trữ bài thi, địa điểm làm phách, địa điểm chấm thi, hạ tầng công nghệ thông tin...; chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối trong công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi, bố trí khu vực in sao đề thi 3 vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Để góp phần bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là một trong những khâu được hết sức chú trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và 133 cơ sở giáo dục trong cả nước với tổng số 650 người; tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi, kiểm tra chấm thi cho cán bộ, công chức, viên chức dự kiến tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tại điểm dự kiến chấm thi của Hà Nội.
Tham gia vào công tác kiểm tra kỳ thi ở các khâu coi thi, chấm thi tại đại phương còn có đại diện của các cơ sở giáo dục đại học. Gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học được huy động để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 63 địa phương.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cùng Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Trường THPT Việt Yên Số 1 (Bắc Giang).
Những ngày qua, để chuẩn bị cho kỳ thi, Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cũng đã thành thành lập 10 đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi; các đoàn làm việc về công tác coi thi và trong thời gian tới là các đoàn về công tác chấm thi tại địa phương.
Bảo đảm quyền lợi tối đa cho các thí sinh
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, quan điểm chỉ đạo trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 là "4 đúng-3 không”. "4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một bước nào; Đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. "3 không” là: Không lơ là chủ quan; Không tự ý xử lý tình huống bất thường; Không căng thẳng, áp lực quá mức.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm trong công tác tổ chức thi cần hướng tới thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh; cần làm hết trách nhiệm, đúng quy định, quy chế nhưng không quá căng thẳng, cường điệu hóa, tránh gây ra tác động không cần thiết tới tâm lý, tinh thần của các thí sinh.
Theo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, các địa phương đều quan tâm tới việc chỉ đạo hỗ trợ cho những thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng sâu, bảo đảm không để bất kỳ thí sinh nào vì gặp khó khăn về kinh tế, về giao thông mà không thể tham gia kỳ thi.
Về phía thí sinh, để bảo đảm quyền lợi cho mình, bên cạnh việc chuẩn bị tốt về kiến thức bài thi, thí sinh cũng cần nắm rõ, hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các quy định trong Quy chế của kỳ thi.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, để bảo đảm được quyền lợi tối đa cho các thí sinh, một trong những khâu cần làm tốt là công tác tuyên truyền về kỳ thi. "Cán bộ làm tốt nhưng thí sinh không hiểu, không nắm rõ Quy chế thì rất dễ xảy ra những sai sót không đáng có” – Thứ trưởng nói khi cùng Đoàn công tác số 2 Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi tại địa phương. Vì vậy, công tác tuyên truyền kỳ thi phải được thực hiện sâu, rộng, chủ động, với các hình thức linh hoạt, phù hợp để học sinh, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng, thực hiện đúng quy đúng quy định, Quy chế đặt ra.
Trong buổi đến làm thủ tục tại phòng thi, các thí sinh nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi, đính chính các sai sót về thông tin dự thi,... Cùng với cán bộ coi thi, các thí sinh sẽ rà soát lần cuối các thủ tục, quy định để có sự sẵn sàng cao nhất cho các buổi thi chính thức.
Đến thời điểm này, các thí sinh cần nắm rõ các thông tin về giấy tờ cần có khi đi thi, vật dụng được mang vào phòng thi, giờ có mặt tại phòng thi, giờ làm bài, giờ nộp bài của mỗi bài thi,…
Tại kỳ thi năm nay, có điểm thay đổi so những kỳ thi trước đây về danh sách vật dụng được mang vào phòng thi
Tại kỳ thi năm nay, Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, có một số thay đổi so những kỳ thi trước đây. Về danh sách vật dụng được mang vào phòng thi, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, mà "Chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý”.
Khi vào phòng thi, thí sinh cũng cần lưu ý, khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 (năm) phút tính từ thời điểm phát đề thi.
Đối với các bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần lưu ý thêm khi nhận đề thi cần kiểm tra bảo đảm các môn thi thành phần trong mỗi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi; nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi chậm nhất 5 (năm) phút tính từ thời điểm phát đề thi, phải kiểm tra đề thi để bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi, số trang như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi,…
Theo quy định, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Ngày 24/6, trường THPT Công Nghiệp (TP Hoà Bình) tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12, niên khoá 202 2- 2023. Các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và 337 học sinh khối 12 đã tham dự chương trình.
(HBĐT) - Ngày 23/6, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành GD&ĐT quý II/2023. Trong quý II, Sở GD&ĐT tiếp tục đôn đốc các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy và học theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023; chủ trì tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa; chỉ đạo công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó chú trọng đẩy mạnh các chương trình về đổi mới GD&ĐT, cuộc vận động và phong trào thi đua.
(HBĐT) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 9.690 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT quyết định thành lập 37 điểm thi, 442 phòng thi. Đến thời điểm này, các điểm thi và lực lượng liên quan đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc lớn với tinh thần trách nhiệm cao. Mọi khâu trong công tác chuẩn bị đang được rà soát để sẵn sàng tổ chức tốt kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Thông qua chương trình giáo dục tài chính Cha-Ching, trẻ em được đa dạng hoá cách ứng xử với đồng tiền như tiêu tiền, quyên góp, tiết kiệm, kiếm tiền…
(HBĐT) - Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh khi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại huyện Đà Bắc sáng 22/6.
(HBĐT) - Bên
cạnh tư duy kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm,
thì dạy con hiểu đúng về việc "cho đi”là
một phần của giáo dục tài chính. Vậy
đâu là phương pháp dạy con về
tiền vừa đúng,
vừa thiết thực, đồng thời giúp con định hình nhân
cách sống tích cực với cộng đồng và xã hội?