Mô hình "Xây dựng không gian vận động cho học sinh từ đồ tái chế” của trường tiểu học Sông Đà (TP Hòa Bình) góp phần giúp học sinh được vui chơi và phát triển toàn diện.
Hệ thống trường lớp được quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy được tăng cường. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên được củng cố và nâng cao về chất lượng. Các cấp học có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học. Trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả thực hiện NQ 29 được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình "Xây dựng không gian vận động cho học sinh từ đồ tái chế” của trường tiểu học Sông Đà. Cô giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng trường tiểu học Sông Đà chia sẻ: Cùng với học tập thì hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh là nhu cầu không thể thiếu của trẻ em. Với ý tưởng thực hiện sân chơi vận động bằng đồ tái chế, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Chi đoàn thanh niên xây dựng sân chơi cho học sinh từ các vật liệu tái chế, vật liệu rẻ tiền. Chỉ với những lốp xe máy, lốp xe ô tô, thanh gỗ, vỏ chai nhựa đã qua sử dụng được biến thành những đồ chơi ngộ nghĩnh, đáng yêu, vừa an toàn, vừa gần gũi như bập bênh, đu quay, cầu thăng bằng, xích đu, thang tay, leo núi… để học sinh vui chơi. Mô hình không chỉ mang đến sự thú vị cho học sinh mà còn tạo không gian vui chơi bổ ích, hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực khi tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử, những chương trình giải trí không lành mạnh trên mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục thiếu nhi về lối sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội...
Ngoài ra, trên địa bàn còn có các mô hình hay như: "Thư viện thân thiện” tại trường tiểu học Lê Văn Tám thực hiện từ năm 2020 với chủ đề: Noi theo tấm gương tự học, ham đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, giúp học sinh vừa có thể thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng, vừa rèn luyện, khơi dậy đam mê đọc sách. Mô hình được nhiều đơn vị, trường học tới học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hay mô hình "Thư viện thân thiện của bé” của trường mầm non tư thục Sao Mai đã hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong nhà trường...
TP Hòa Bình đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc NQ 29. Thông qua đó, chất lượng GD&ĐT của thành phố có bước tiến rõ rệt. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được củng cố, tăng cường, kiện toàn theo yêu cầu về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Đến nay, thành phố có 50/67 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 74,6%); duy trì 19/19 phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) được nâng cao, duy trì việc thẩm định chất lượng dạy học tại các nhà trường. Ưu tiên lựa chọn giáo viên dạy khối lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7 để triển khai chương trình GDPT 2018. 100% trường học xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng dạy học, chú trọng việc dạy học bám sát đối tượng, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Đã có 19/28 trường sử dụng sổ điểm điện tử; 9 trường thí điểm sử dụng giáo án điện tử; trên 90% giáo viên có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin để soạn giảng hiệu quả...
Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn thành phố. Những năm qua, Phòng GD&ĐT thành phố liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và được tặng cờ thi đua xuất sắc về phong trào giáo dục của tỉnh; được Khối thi đua của tỉnh, thành phố xếp thứ nhất, nhì. Các đơn vị, trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục THCS đều được tặng cờ dẫn đầu phong trào của các cấp học, cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba, cờ thi đua, bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Hương Lan