Trường TH&THCS Pù Bin, xã Thành Sơn (Mai Châu) thực hiện mô hình "Trường học du lịch gắn với cộng đồng” nhằm nâng cao nhận thức và rèn kỹ năng sống cho học sinh.
Năm học 2024 - 2025, huyện Mai Châu có 50 trường học các cấp. Trong đó, huyện quản lý 45 đơn vị, trường học với 568 nhóm, lớp và 12.122 học sinh (cấp mầm non có 3.655 trẻ, cấp tiểu học 4.947 học sinh, cấp THCS 3.520 học sinh). Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trên cơ sở phù hợp với học sinh là người DTTS, nhiều trường học tích cực xây dựng các mô hình mới mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức và rèn kỹ năng sống cho học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tiêu biểu như Trường TH&THCS Pù Bin, xã Thành Sơn với mô hình "Trường học du lịch gắn với cộng đồng”.
Đồng chí Nguyễn Đức Giang, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Pù Bin chia sẻ: Năm học 2023 - 2024, nhà trường đã xây dựng thành công mô hình "Trường học du lịch gắn với cộng đồng”. Từ việc thành lập câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ, CLB các trò chơi dân gian, CLB "Em tập làm hướng dẫn viên du lịch” đã giúp các em hiểu được ý nghĩa của mô hình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch của địa phương. Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị, các em ngày càng mạnh dạn hơn, phát huy khả năng giao tiếp và tự tin thuyết minh về các điểm du lịch của địa phương nói riêng, của quê hương Mai Châu nói chung trong các buổi hoạt động trải nghiệm tại trường. Đây là cơ sở để nhà trường tiếp tục thực hiện tốt mô hình trong năm học 2024 - 2025.
Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, huyện Mai Châu tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/06/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/07/2016 của Chính phủ về việc quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người DTTS. Đặc biệt, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD&ĐT triển khai mạnh mẽ. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng đối tượng học sinh người DTTS. Các trường quan tâm tổ chức hoạt động ngoại khóa, CLB tiếng Việt để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Có thể thấy, nhờ thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp chất lượng giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, toàn huyện có 20/45 trường học đạt chuẩn quốc gia, 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mai Châu cho biết: "Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp, từ lớp 1 đến lớp 9. Do đó, với chủ đề năm học là "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành Giáo dục huyện Mai Châu quyết tâm thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp với một số chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt từ 53% trở lên; huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100%; huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; phấn đấu tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 51,1%”.
Thanh Hạnh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)
Ngày 8/9, Sở GD&ĐT tỉnh đã có văn bản số 2403/SGD&ĐT-VP gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các đơn vị, trường học trực thuộc; các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố; Trường PT Liên cấp Sao Mai; THPT Maya về việc đảm bảo an toàn cho học sinh sau bão số 3 năm 2024.