Cho tới thời điểm VietNamNet thực hiện bài viết này, nhiều gia đình có con đang theo học ĐH-CĐ tại 9 xã ở huyện Hoằng Hóa và các huyện ở Thanh Hóa đang đứng trước nguy cơ phải cho con nghỉ học. Đây là những hộ được hỗ trợ tiền vay từ chương trình "sinh viên vay vốn học tập" nhưng đã hết một học kỳ, chưa nhận được vốn vay. Thực hư tình trạng trên như thế nào?
Còng lưng trả lãi
Những “đường sóng” đang ngày một dày thêm trên vầng trán của cô, cái gương mặt cười vẫn cứ buồn, đôi bàn tay xù xì thô ráp, khiến cô Trương Thị Hà, thôn 6, Hoằng Yến, xọm hơn nhiều so với cái tuổi 48.
Nhà có 5 người con: 3 đang theo học các trường ĐH – CĐ; “rồng rắn” theo sau là cậu em trai đang học tại Trường THPT Hoằng Hóa III và cô em út đang học Trường THCS Hoằng Yến.
Mỗi tháng dù đi làm thêm, tằn tiện chi tiêu song 3 người con của gia đình cô Hà vẫn phải xin “học bổng của bố mẹ” gần 2 triệu đồng.
“Chúng nó thương bố mẹ lắm. Cái Hằng (Lê Thị Hằng, SV năm cuối ĐHQG TP.HCM) hồi nào mẹ ra thăm chỉ thấy ăn cơm với lạc rang, dưa muối, thậm chí là chỉ có nước mắm thôi” – Cô Hà sụt sùi cho biết thêm: “Còn thằng thứ hai đang học CĐ Công nghiệp Sao Đỏ (Bắc Ninh) thì đang bị thận; cậu em thứ tư tay phải mới sinh ra đã bị liệt chạy chữa hết bao nhiêu là tiền. Rứa mà vẫn vui vì đứa mô cũng học giỏi cả”.
Quyết không để các con phải nghỉ học, chồng cô cả ngày lăn lộn đi làm đủ các thứ việc từ khuôn vác, thợ xây cho người ta; cô thì chăn thêm hai con lợn nái.
Tất tần tật các khoản thu cộng lại mỗi tháng may ra được 1 triệu đồng. Cô tâm sự: “Cũng may, được mấy năm nay Nhà nước tạo điều kiện cho sinh viên vay vốn hỗ trợ học tập. Chẳng hiểu sao đợt này lại lâu đến thế. Đợt này, mình đã phải “vay nóng” lãi suất cao gần chục triệu cho các con rồi. Mỗi tháng nguyên tiền lãi cũng đã 300 ngàn”.
Gạo trong nhà có ít nào đã bán hết lấy tiền cho con, nay phải ăn đong hằng tháng, chẳng hiểu gia đình cô kiếm đâu ra tiền để vừa trả lãi, vừa có tiền lo cho các con ăn học?
Sắp “cạn” tiền cho con ăn học
Hiện nay, 9 xã chưanhận được vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng chính sách xã hội huyện lần lượt là: Hoằng Đức, Hoằng Anh, Hoằng Minh, Hoằng Yến, Hoằng Phụ, Hoằng Hải, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Trạch |
Như mọi năm, các con mỗi người vợ chồng bác Vũ Duy Lạc ở xóm 8, xã Hoằng Yến cho 1 triệu đồng để tiện chi tiêu. Đợt này, bác giảm xuống chỉ còn 800.000 đồng.
Nhà bác có 5 người con (2 đang theo học ĐH và 3 con học CĐ) nên phải chuẩn bị một tạ gạo, năm bao cá khô và gần bốn triệu đồng.
Từng đó thôi là biết bao khó khăn vất vả mà hằng ngày bác Lạc phải oằn lưng bơm, vá, nắn vành làm sao cho sửa được càng nhiều xe đạp càng tốt để lấy tiền cho các con. Còn người vợ Lê Thị Phượng một mình quần quật với 7 sào ruộng, mong sao có gạo cho con mang đi, rồi lại lo chăm sóc cho người mẹ già.
Bác Lạc than: “Năm học trước, gia đình còn vay được tiền hỗ trợ cho sinh viên học tập nên mỗi tháng, tôi chỉ phụ thêm chút ít cho các con. Học kỳ vừa rồi, không vay được đồng nào nên vợ chồng tôi phải chuẩn bị mọi thứ ở nhà cho con, tiết kiệm được đồng nào thì hay đồng ấy”.
Ngoài ít khung, vành xe đạp cũ thì chiếc tivi rẻ tiền đã cũ mèm là có giá trị. Trên tường nhà là một giấy chứng nhận Gia đình hiếu học, cả chục giấy khen của các con.
Ngôi nhà của gia đình vợ chồng cô Hà tường vôi đã tróc lở gần hết. Thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc xe đạp có tuổi đời cũng đã lên “lão làng” này |
Có lẽ, chưa có nơi nào có thể “xoay” tiền cho các con mà gia đình bác chưa tìm tới: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi…Bác đang tính, nếu túng quá, sẽ bán nốt ít lúa giống.
"Các con, đứa mô cũng ham học nhưng với cái đà này, chắc vợ chồng tôi phải cho một hoặc hai cháu nghỉ học".
May mắn hơn chút ít là gia đình bác Nguyễn Thị Thảo, thôn Trung Thượng, xã Hoằng Hải. Chồng bỏ đi “theo người ta” từ năm 2000, để lại một mình cô côi cút, oằn mình cõng ba người con trai trên tấm lưng gầy và đôi tay đầy chai sạn.
Nhà có 4 sào ruộng, nuôi thêm đàn lợn thịt với hai con bò nhưng vẫn chẳng thể đủ tiền lo cho cả ba cùng theo học các trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM. “Cũng may, họ hàng bên nhà cô ấy kinh tế khá hơn nên tiền vay ngoài ít hơn” – chị Lê Thị Quyền (Thường vụ Hội Phụ nữ xã) cho biết.
Hiện tại, tiền nợ ngân hàng của bác là 16 triệu đồng, cộng thêm với 8 triệu đồng tiền vay mượn của bà con, xóm giềng nữa: “Bố các cháu đi, tất cả các con chỉ còn biết nương tựa vào mình. Thôi thì vì các con, cố được tới khi nào không còn gắng được nữa thì thôi” – Bác Thảo cười buồn.
Cùng chung cảnh ngộ đó là gia đình chị Trương Thị Hồng cùng xóm 8, Hoằng Yến. Chồng mất sớm, một mình thân gái lo cho ba đứa con ăn học, trong đó có một cháu Vũ Thị Dung đang theo học lớp Tiếng Anh thương mại K45, ĐH Thương mại (Hà Nội). Nhà chị có 3 sào ruộng, cộng thêm với chăn nuôi, tằn tiện lắm, cùng với sự giúp đỡ của anh em nội, ngoại mỗi tháng chị chỉ gửi ra cho con được 600.000 đồng.
Còn đối với Dung, vốn biết mẹ ở nhà cũng chẳng có tiền nên từ khi mới nhập trường, em đã đi làm gia sư để có thể phụ với mẹ trang trải việc học hành của mình.
Em tâm sự: “Nếu được vay tiền hỗ trợ thì tốt biết mấy vì sức khỏe mẹ ngày một yếu đi mà các em lại học cao nữa, không biết rồi đây em và mẹ sẽ gắng gượng được đến bao lâu”.
Xúc động câu chuyện “ba người vì một người”
Kể về trường hợp khó khăn của gia đình cô Nguyễn Thị Cương, thôn Đông Hòa, xã Hoằng Hải, cô Lê Thị Quyền (Thường vụ hội phụ nữ xã) ngậm ngùi: “Nhà cô ấy chạy vạy vay hết chỗ này tới nơi khác mà có được mô. Hai đứa con trai đều là sinh viên năm đầu trường ĐH Vinh và ĐH Công nghiệp TP.HCM. Rõ khổ, năm nay lại chưa nhận được vốn vay hỗ trợ của nhà nước”.
Bố mẹ không có tiền đóng học, mỗi lần tới lớp thầy cô lại nhắc nhở chuyện tiền nong, bạn bè thì “soi mói”, em Nguyễn Thị Hà (con cô, đang học lớp 10 tại TTGDTX Hoằng Hóa) cứ về nhà là nước mắt đỏ hoe, “nằng nặc” đòi bỏ học. Giờ thì em đã theo vào Nam lấy điều cùng người cậu của mình.
Thương em, người anh cả Nguyễn Văn Linh, ĐH Công nghiệp HCM xin nhà trường bảo lưu kết quả, năm sau “nếu có tiền sẽ học tiếp”. Em và bố vừa mới đi thợ gạch ở Bắc Giang mới được ba ngày nay.
“Kể mà được vay vốn thì tôi cũng cho các cháu đi học hết đấy. Phải để nghỉ học thế này, thấy có tội với các cháu lắm. Nhưng chẳng biết làm răng được nữa!” – Cô Cương than thở: “Nguyên tiền vay ngoài với lãi suất cao của gia đình cũng đã hơn 10 triệu. Bây giờ thì chỉ còn thằng Sơn là được học tiếp thôi”.
Theo VietNamnet
Ngày 20-3 tại Hà Nội, hội thảo triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (ĐH) giai đoạn 2010-2012 đã diễn ra tại Trường ĐH GT-VT.
19- 3, tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đổi mới công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. 184 cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật vừa được tuyên dương sáng qua tham dự hội thảo.
Buổi thảo luận về “nguồn của luật quốc tế” do giảng viên trẻ - TS. Nguyễn Lan Anh dẫn dắt (khoa Luật quốc tế, Học viện ngoại giao) quá giờ hơn 1 tiếng. Để nhường phòng học cho lớp khác, các SV đã “kéo” cô giáo sang phòng học khác để tiếp tục “tranh cãi” với nhau.
Ngày 19-3, tại Đà Lạt, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay, tại 4 hội đồng thi: Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Hòa Bình và Nam Định. Tham gia có 1.620 học sinh cả nước.
Năm học 2010 - 2011, mức học phí chính thức của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đều tăng. Dưới đây là thông tin cụ thể của các trường.
Ngoài lí do để học hỏi thêm kinh nghiệm, còn một lí do khác khiến Trần Hồng chấp nhận mức lương 500.000 đồng/tháng là vì "không có ngoại ngữ". Theo kết quả khảo sát do Bộ Tư pháp tiến hành năm 2008, chỉ có 1,2% số luật sư có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.