"Tên con là Lạc vì con bị "lạc" cả cha lẫn mẹ ngay từ khi lọt lòng. Con lại không may mắn như các bạn khác vì thiếu hai bàn tay và chỉ còn nửa bàn chân trái. Con đang cố gắng từng ngày để viết được những nét chữ thật đẹp và học giỏi vi tính...".
Câu chuyện của cậu bé Trần Văn Lạc, 11 tuổi, hiện sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định khiến không ít người tham dự Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ III (ngày 12/4 tại Hà Nội) không cầm được nước mắt.
Năm 1999, các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định phát hiện một cậu bé khuyết tật mới vài ngày tuổi bị bỏ trước cửa trung tâm. Họ đã gửi cháu bé vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định và đặt tên là Trần Văn Lạc. Một - hai tuổi, Lạc đã tự dùng hai cùi tay kẹp đồ chơi, kẹp thức ăn, bánh kẹo đưa lên miệng. Lúc chập chững đòi đi, Lạc được lắp hai bàn chân giả và đi lại như những đứa trẻ bình thường. Ba tuổi, Lạc được rèn luyện tự xúc cơm ăn một cách thành thạo, tự phục vụ bản thân, lại còn phụ giúp các mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc các bạn khuyết tật khác... đều bằng hai cùi tay khiếm khuyết của mình.
"Mọi sinh hoạt cá nhân của con đều không có gì trở ngại, chỉ khó nhất là việc tập viết". Lạc kể: "Lúc đầu con kẹp bút bằng hai đầu tay nhưng không thể viết được, đành chuyển sang kẹp một tay, bút vẫn rớt hoài! Con phải "lên gân", tập trung chú ý kẹp thật chặt bút nhưng cứ sơ ý một chút là nó rơi ngay. Con ước gì mình cũng có hai bàn tay như các bạn để cầm bút thì hạnh phúc biết bao! Lúc đó, con đã khóc nức nở vì sự khiếm khuyết của mình nhưng con không chịu thua! Hằng ngày, con luyện viết mọi lúc, mọi nơi để kẹp cho được chiếc bút".
Như các bạn nhỏ khác, cậu bé Lạc vẫn cắp sách đến trường, không hề mặc cảm, tự ti, thậm chí nhờ sự thông minh và tính siêng năng, năm nào Lạc cũng đạt học sinh khá giỏi, còn giúp đỡ việc học cho các bạn khác trong lớp. Về "nhà”, Lạc lại xăng xái phụ giúp các mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi gà vịt, trồng rau xanh và cơm nước.
Viết chữ bằng hai mỏm tay cụt thành thạo, Lạc lại thử sức với việc học vi tính. Lần đầu tiên được thực hành máy tính, Lạc bấm một chữ lên bàn phím, màn hình hiện ra bốn - năm chữ, vì cùi tay quá lớn so phím chữ. Lạc kể, "Con đã phải cố gắng nhấn phím thật chính xác bằng điểm nhô nhỏ nhất của cùi tay. Luyện mãi, cuối cùng cũng nhấn được bằng cả hai cùi tay và đánh máy thành thạo".
Hè năm 2009, Lạc được chọn cùng với hai anh ở Trung tâm Bảo trợ xã hội đi thi chương trình Tin học trẻ không chuyên cấp tỉnh dành cho cấp I và giành được giải khuyến khích. Xúc động trước những nỗ lực của cậu bé Trần Văn Lạc, anh Trần Quốc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT (đại biểu khuyết tật tỉnh Phú Thọ) đã tặng chiếc máy tính cá nhân của mình cho Lạc ngay tại Hội nghị biểu dương người tàn tật và trẻ mồ côi tiêu biểu. Lạc ước mơ, sẽ cố gắng học tập tốt hơn để sau này trở thành một kỹ sư tin học, có thể thiết kế nhiều phần mềm phục vụ cho cuộc sống của người khuyết tật. Tuy nhiên, niềm khát khao lớn nhất của cậu bé 11 tuổi đầy nghị lực này vẫn là được gặp cha mẹ - người đã sinh ra em. "Em muốn gặp cha mẹ, dù chỉ một lần thôi, để nói rằng: Cha mẹ ơi, Lạc cụt - con của cha mẹ nay đã 11 tuổi rồi. Con đã biết tự chăm sóc bản thân và đạt nhiều thành tích trong học tập. Cha mẹ hãy tự hào về con nhé!".
Theo Dantri
(HBĐT) - Theo anh Trần Việt Toàn, cán bộ phòng GD & ĐT huyện Lạc Sơn: Trường THCS Nhân Nghĩa (xã Nhân Nghĩa - Lạc Sơn) những năm gần đây được đánh giá là một điểm sáng về chất lượng dạy và học của ngành GD&ĐT huyện. Để có được thành tích đó, thầy và trò nhà trường đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, phát huy truyền thống hiếu học.
Để tìm hiểu về suy nghĩ, tư tưởng của du học sinh Việt Nam khi trở về nước, chúng tôi đã gặp chị Trần Thị Tô Thanh, Chủ tịch Hội cựu du học sinh Úc tại Việt Nam (VGAC) - hội du học sinh hiện có số lượng thành viên đông nhất Việt Nam - tìm câu trả lời.
Chiều 15-4, UBND TPHCM đã có thông báo chấp thuận tờ trình của Sở GD-ĐT về kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp các trường phổ thông năm học 2010-2011. Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc những thông tin cụ thể về kế hoạch tuyển sinh này.
Sinh viên Khoa Đông phương Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) chới với vì bị trường buộc làm luận văn tốt nghiệp bằng ngoại ngữ. Tình thế này buộc sinh viên phải... “đạo” luận văn
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, trước hết giảng viên phải hiểu rõ nhu cầu của sinh viên, qua đó giúp sinh viên được chủ động trong mỗi bài học trên lớp. Đồng thời giảng viên hỗ trợ sinh viên rèn luyện các kĩ năng mềm bằng cách đa dáng hóa hình thức giảng dạy.
Bắt đầu bằng việc tổ chức giải thưởng trong lĩnh vực CNTT, năm ngoái, Nhân tài đất Việt mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Và năm nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục được mở rộng sang lĩnh vực mới: Giáo dục – Khuyến học.