Nhiều giáo viên phổ thông "kêu trời" vì ngay từ học kỳ 2 này, bị cắt đi phần thu nhập vốn được hưởng từ việc chấm bài. Trong khi đó, khoản phụ cấp thâm niên mà ngành giáo dục kiên trì đề xuất nhằm tăng thu nhập cho giáo viên thì phải xếp hàng chờ lộ trình đưa vào thực tiễn.
Ảnh: Minh Nhựt. |
Cắt tiền chấm bài: Từ đầu học kỳ 2
Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ, thông tư mới của Bộ GD-ĐT áp dụng từ đầu học kỳ 2 năm học này đã cắt đi phần thu nhập mà giáo viên vốn được hưởng từ việc chấm bài.
Thông tư 28 (thay thế thông tư 49) quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông đã cắt việc quy đổi chấm bài thành tiết học.
Thông tư 49, được sử dụng suốt hơn 30 năm qua, quy định: “Mỗi tháng, giáo viên ngữ văn trường trung học phổ thông phải chấm số bài kiểm tra loại 15 phút và loại từ một tiết trở lên không quá 90 bài cho mỗi loại. Nếu chấm số bài quá số quy định trên thì cứ 45 bài loại 15 phút tính ba tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ một tiết trở lên tính bảy tiết tiêu chuẩn. Giáo viên dạy các bộ môn còn lại thuộc các cấp học mỗi tháng phải chấm số bài kiểm tra không quá 135 bài cho mỗi loại. Nếu quá số quy định đó, cứ 45 bài loại 15 phút tính hai tiết tiêu chuẩn, 45 bài loại từ một tiết trở lên tính bốn tiết tiêu chuẩn”.
Điều đáng nói, ở thông tư 28 thay thế thông tư 49, có hiệu lực từ 6/12/2009, không có quy định về chế độ quy đổi nói trên.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, giáo viên dạy các môn "không có cơ hội dạy tăng tiết hay dạy thêm" như sử, địa, công nghệ, giáo dục công dân vốn vẫn “trông cậy” vào khoản tiền quy đổi từ chấm bài để tăng thêm thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi.
Giáo viên dạy môn phụ phải dạy rất nhiều lớp nên số bài kiểm tra phải chấm cũng nhiều hơn, mất nhiều thời gian hơn.
Báo đưa ví dụ trường hợp một giáo viên dạy môn Địa lý ở Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TP.HCM. Học kỳ 1, cô dạy 12 lớp, với 531 học sinh. Như vậy với mỗi bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, giáo viên này đều phải chấm 531 bài.
Cuối học kỳ, tổng số tiết quy đổi từ chấm bài là 123,2 tiết, tính thành tiền lương hơn 8,3 triệu đồng. Nhưng kể từ học kỳ 2, khoản thu nhập từ việc chấm bài này không còn nữa.
Một giáo viên dạy THCS ở Hà Nội tính toán, tổng cộng, cô phải chấm gần 1.600 bài mỗi học kỳ.
"Theo quy định về giờ làm việc của giáo viên THCS, định mức dạy 19 tiết/tuần, chưa kể công tác chủ nhiệm, hoạt động giáo dục khác, thêm khoản chấm bài khiến chúng tôi quá tải. Giáo viên hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi vì phải tranh thủ ngày nghỉ, thức đêm để chấm cho xong bài” - cô nói.
Tăng phụ cấp thâm niên: Đang chờ tháng 7
Giải thích chuyện này, ông Nguyễn Hải Thập, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT cho hay, ở phổ thông, định mức với giáo viên là 17-19 tiết/tuần là đã cộng vào đó cả những hoạt động trước và sau giờ dạy như nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án, chấm bài. Đó là lý do không thể tách chấm bài ra ngoài để tính thù lao riêng.
"Chúng tôi đã đấu tranh để giáo viên có phụ cấp đứng lớp, đang cố gắng đề xuất để đưa quy định phụ cấp thâm niên cho giáo viên vào Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung. Nói chung, phải cố gắng điều chỉnh dần dần, với mục đích để giáo viên có thể sống được bằng nghề".
Thu nhập của giáo viên cũng là chủ đề được bạn đọc quan tâm trên báo Giáo dục và Thời đại với bài viết mang tựa đề "Lương giáo viên và sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với sự nghiệp GD&ĐT" của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ.
Trong bài viết khá dài này, ông Ngữ giải thích, từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hệ số ưu đãi cho giáo viên bình quân từ 1,35 lên 1,7 lần. Đây là mức đề xuất hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng vũ trang (bộ đội, công an là 1,8).
"Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến ngành y tế, văn hoá và các ngành khác, mặt khác đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số đứng lớp về chế độ phụ cấp ưu đãi, tính bình quân hệ số là 35%. Ngoài ra, nhà giáo ở trường chuyên biệt, vùng khó khăn lại có thêm chính sách phụ cấp tối thiểu là 50% nữa" - ông Ngữ cho hay.
Ông Ngữ tính toán, từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu chung tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Với mức này, thu nhập của giáo viên hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của giáo viên đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446).
"Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo các văn bản trình Chính phủ trong năm 2010 để thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có việc thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên". Được biết, Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010.
Theo Vnn
(HBĐT) - Sau hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục Hòa Bình, với trường THPT Công Nghiệp, lẽ sống của ông - Hiệu trưởng, NGƯT Hà Đức Thạch vẫn còn như ngày nào: Lời nói vẫn luôn đi đôi với việc làm, với những hành động cụ thể. Và luôn biết đặt cái chung lên trên cái riêng.
Mặc dù chưa đến ngày bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ nhưng nhìn chung các địa phương đều cho biết: Số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm đáng kể, lựa chọn hàng đầu của thí sinh vẫn là nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng.
Tại nhiều nhà sách, các loại sách khác được dẹp vào trong nhường chỗ “bắt mắt” nhất cho sách ôn thi dành cho học sinh cuối cấp THPT. Chỉ riêng ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội đã có gần 30 đầu sách ôn tập cho đối tượng này.
Học trò ở phố, ngày hai bận mẹ cha đưa đón, mấy ai hình dung nổi, ở vùng rẻo cao hẻo lánh, bạn bè cùng trang lứa phải lội bộ 5 - 7 cây số núi đèo hay dựng lều gần trường tìm chữ...
Ngày 26-4, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết bộ vừa quyết định tạm dừng việc thẩm định hồ sơ đăng ký mở ngành đối với các trường ĐH, CĐ cho đến khi ban hành quy trình mới.
(HBĐT) - Sau 4 năm hoà chung một bảng thi toàn quốc, năm học 2009 – 2010 thầy và trò trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ hân hoan đón nhận một kết quả rực rỡ với 39/40 em học sinh của tỉnh đã đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua.