Học sinh ở nội trú dân nuôi của trường
THCS Chiềng Sung (Sơn La) trong giờ
tăng gia sản xuất.

Học sinh ở nội trú dân nuôi của trường THCS Chiềng Sung (Sơn La) trong giờ tăng gia sản xuất.

Những bản làng heo hút nơi "lưng trời", thưa thớt bóng người qua lại. Con đường đến trường dài cả chục cây số, dốc núi quanh co. Cuộc sống nghèo khó, cái đói, cái rét vẫn quẩn quanh các bản làng mỗi khi vào mùa giáp hạt. Tất cả đang là những thách thức ngăn bước tới trường của học sinh vùng cao.

Nhiều rào cản tới trường

Ðến trường THCS Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn (Sơn La), trước mắt chúng tôi là khu nội trú dân nuôi. Những căn nhà đơn sơ được ghép bởi những tấm gỗ, phên nứa, mái lợp phi-bờ-rô-xi-măng trống hoác. Có phòng ở không một bóng học sinh. Thấy chúng tôi băn khoăn, thầy Hiệu trưởng Ðặng Minh Văn phân trần: Cứ đến mùa vụ, kỳ giáp hạt các em lại bỏ về lên nương, lên rẫy lao động giúp gia đình. Vẫn biết, với giáo dục vùng cao việc học sinh bỏ học không còn là chuyện mới lạ. Nhưng làm gì để giảm tình trạng ấy lại không dễ dàng chút nào. Cả xã Chiềng Chăn có 19 bản, trong đó có tới bảy bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, bốn bản ven sông; bản xa nhất cách trung tâm xã gần 20 cây số, bản gần cũng năm, bảy cây số. Năm học 2009-2010, toàn bộ 301 học sinh đều phải về trung tâm học vì là cả xã chỉ có một điểm trường THCS. Trong số đó, có 122 học sinh ở nội trú dân nuôi. Tuy nhiên, không phải lúc nào các em cũng đến lớp đầy đủ, học tập chuyên cần. Chỉ cần các thầy giáo, cô giáo lơ là thì việc bỏ học lập tức xảy ra. Cũng có những thời điểm, dù biết các em chỉ nghỉ học một số ngày giúp gia đình khi mùa vụ, nhưng nếu không bám sát nhắc nhở, nhiều em sẽ bỏ học luôn. Ngay tại Trường Chiềng Chăn, khi chúng tôi đến có tới hơn 20 học sinh vẫn còn nghỉ học lên nương giúp gia đình trồng ngô, sắn, đã gây khó khăn cho việc bảo đảm sĩ số, chất lượng giáo dục. Ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp giảng bài, các thầy giáo, cô giáo phải dành nhiều thời gian đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Ở đây, việc leo đèo, lội suối đến từng thôn, bản vận động các em tới lớp với giáo viên vùng cao là "chuyện thường ngày ở huyện".


Nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học là do đường đến lớp quá khó khăn, nhiều em phải vượt qua cả chục cây số đường rừng. Ðến được với trường học cũng vấp phải hàng loạt khó khăn như: thiếu chỗ trọ học, thiếu thực phẩm, nước ăn và sinh hoạt. Ngoài vài cân gạo mang từ nhà, nhiều em không có nổi vài nghìn đồng sinh hoạt mỗi tuần. Rau xanh và thực phẩm các em phải tự kiếm ở rừng, ở bờ sông, bờ suối. Một số địa phương vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số coi việc vận động học sinh đến lớp là chuyện của ngành giáo dục, cho nên chưa thật quyết liệt, chưa có giải pháp thích hợp. Mặt khác, chất lượng giáo dục ngay từ những lớp đầu cấp đạt thấp, nhiều học sinh dù cố gắng cũng không thể theo được chương trình, không tiếp thu nổi kiến thức, từ đó chán nản không muốn đến lớp, đến trường. Thêm vào đó, phong tục, tập quán lễ, Tết, lấy vợ, lấy chồng kéo dài khiến cho nhiều thầy, cô giáo không thể vận động các em trở lại lớp học. Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Chăn, Ðặng Minh Văn cho biết, năm học 2008-2009 một nữ học sinh người Mông của trường từ bản Tong Chiêng về Tong Chải thì bị người con trai bản bên bắt về làm vợ. Nhà trường phối hợp chính quyền địa phương phải rất công phu vận động, can thiệp mới đưa được học sinh trở lại lớp học. Một thời gian sau, học sinh này lại bị "bắt vợ", mặc dù nhà trường đã tìm mọi cách để em trở lại trường nhưng không thành công do hai gia đình vẫn tổ chức cưới. Có trường hợp đưa được các em đến trường rồi, nhưng việc giữ các em cũng không dễ chút nào.


Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc "ngăn chặn" tình trạng học sinh ở nhà không đến lớp bước đầu mang lại kết quả, số học sinh bỏ học của các tỉnh vùng cao hằng năm đều giảm, nhưng năm học 2009-2010, ở một số tỉnh miền núi phía bắc, số học sinh bỏ học vẫn còn khá cao, như: Hà Giang 1.020 học sinh, Cao Bằng có 968 học sinh, Sơn La 1.778 học sinh...


Ðể học sinh đến trường


Tình trạng học sinh bỏ học kéo dài, nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí thấp. Ngược lại, học sinh bỏ học lại là nguồn gốc sâu xa khiến cho dân trí vùng cao thấp, nhận thức hạn chế, kinh tế - xã hội kém phát triển. Cái vòng luẩn quẩn ấy luôn đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể. Ðã có những cách làm hay để đưa học sinh tới trường. Ở nhiều địa phương, đội ngũ thầy, cô giáo luôn phải kiên trì đến các bản "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động học sinh đến lớp. Trước hết, mỗi thầy giáo, cô giáo vùng cao phải thật gắn bó với địa bàn, trở thành người thân trong các gia đình người dân tộc thiểu số. Thông hiểu lời ăn, tiếng nói và không ngừng học hỏi phong tục tập quán để không những hòa mình với họ mà còn có cách soạn bài, giảng bài phù hợp làm cho các em hiểu được ý nghĩa bài học, nâng cao kiến thức, khơi dậy sự ham thích đến trường.


Tại khu nhà ở nội trú dân nuôi của Trường THCS Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La) chúng tôi gặp Lầu Thị Dí, người bản Ta Ðứng, học sinh lớp 6B đang nấu bếp chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Nhà cách trường hơn bảy cây số cho nên em phải đến trường trọ học. Dù còn nhỏ, mọi thứ Dí đều phải tự túc, từ ăn, ở, sinh hoạt hằng ngày và lên lớp học bài. Trong câu chuyện với chúng tôi, sau chút e dè ban đầu, Dí cho biết em mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, đang ở cùng chú ruột. Theo cô giáo Lê Hồng Sánh, Hiệu trưởng trường, trước đây Dí cũng đã từng bỏ học. Với hoàn cảnh ấy, ai cũng nghĩ vận động em tới trường là một việc làm quá khó vì chị gái của Dí cũng đã bỏ học từ năm học lớp hai. Nhưng với phương châm "còn nước, còn tát", nhà trường cùng chính quyền địa phương tích cực vận động gia đình tiếp tục cho em đi học. Thật may, mới ngoài 20 tuổi, phải vật lộn với cuộc mưu sinh vất vả nhưng khi được nhà trường và chính quyền địa phương vận động, chú của Dí là Lầu A Kỷ đã đồng ý  cho em đi học.


Trường hợp của Lầu Thị Dí không phải là cá biệt về kết quả vận động học sinh tới trường. Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Ðiện Biên Lê Văn Quý, với bà con dân tộc thiểu số vùng cao, việc quan trọng là tích cực tuyên truyền nhận thức về trách nhiệm của gia đình đối với việc học tập của con em, nâng cao dân trí. Ðể làm được việc ấy thì ý thức trách nhiệm của các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục luôn giữ vai trò quan trọng. Chính quyền địa phương, gia đình học sinh, các tổ chức xã hội có liên quan giúp sức vận động các em học sinh bỏ học trở lại lớp. Nhà trường cần thực hiện tốt việc giúp đỡ, phụ đạo với những học sinh sức học yếu, khắc phục hiện tượng chán học, coi đây là biện pháp thiết thực, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học. Cùng quan điểm trên, khi trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GD và ÐT Hòa Bình Nguyễn Minh Thành nhận định: Vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh trong lớp, phân loại chất lượng học sinh, từ đó lên kế hoạch tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém là hết sức quan trọng. Các thầy giáo, cô giáo cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ và động viên khuyến khích những tiến bộ dù là nhỏ của các em. Bên cạnh đó là sự liên hệ thường xuyên giữa nhà trường và gia đình theo dõi kết quả học tập của học sinh sẽ có tác động tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.


Ngành GD và ÐT cần có sự tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tuyên truyền và vận động trong nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh cho con em tới trường. Mặt khác, huy động các nguồn lực giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, hỗ trợ sách giáo khoa, văn phòng phẩm, mua tài liệu đọc thêm, sách, truyện... Do địa bàn phức tạp, các địa phương cần nhân rộng mô hình trường dân tộc bán trú ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với mô hình này, Nhà nước cần hỗ trợ học sinh bán trú kinh phí hợp lý để bảo đảm số lượng học sinh đến lớp thay vì chỉ hỗ trợ những học sinh vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng hộ nghèo... Ðể giúp đỡ học sinh giảm bớt những khó khăn, việc phối hợp thực hiện "ba đủ", quyên góp giúp học sinh và giáo viên của ngành giáo dục cần được triển khai thường xuyên giúp các em có đủ điều kiện yên tâm học tập.

                                                                                 Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Các trường học trong tỉnh quan tâm giúp đỡ học sinh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
“A, bờ, cờ” hay “a, bê, xê” dường như vẫn chưa quan trọng bằng gánh nặng học hành mà học sinh phải gánh chịu ngay từ khi mới bước vào lớp 1.
Không có hình ảnh

Thi tốt nghiệp THPT 2010: Thí sinh phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện đề thi có lỗi

Ngay khi nhận đề thi, thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi, nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ phải lập tức báo cho giám thị để kịp thời xử lý. Nếu không phát hiện hoặc để gần cuối buổi thi mới báo cáo, TS phải tự chịu trách nhiệm.

Hà Nội: Phát hành cuốn “Những điều cần biết” về tuyển sinh lớp 10

Ngày 10/5, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức phát hành cuốn “Những điều cần biết” về tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2010-2011” và “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2010-2011”.

Cao Phong: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục

(HBĐT) - Tại “Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người” vừa qua, huyện Cao Phong đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, kêu gọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đây là một trong những cách huy động hiệu quả, thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành và toàn thể nhân dân trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục.

Tăng học phí để chống phụ thu

Gộp các khoản thu vào học phí để không còn tình trạng phụ huynh phải nộp các khoản thu ngoài quy định là mục tiêu của dự thảo Đề án học phí mới mà Sở GD-ĐT Hà Nội đang xây dựng.

Tuổi ngấp nghé yêu và vấn đề giáo dục giới tính

Theo ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT, TPHCM: "Giáo dục giới tính là vấn đề rất quan trọng đối với học sinh THCS và THPT.

Giáo trình Tài chính quốc tế của GS-TS Trần Ngọc Thơ: Không dẫn nguồn tài liệu

Sau vụ giáo trình Tài chính quốc tế của PGS-TS Phan Thị Cúc và một số tác giả trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xuất bản năm 2008 có nhiều nội dung sao chép giáo trình Tài chính quốc tế của trường ĐH Kinh tế TP.HCM do GS-TS Trần Ngọc Thơ, TS Nguyễn Ngọc Định biên soạn, xuất bản năm 1996, Thanh Niên lại nhận thêm thông tin cuốn sách do GS-TS Trần Ngọc Thơ làm chủ biên cũng “đạo” cuốn giáo trình International Financial Management của GS Jeff Madura trường ĐH Florida Atlantic (Mỹ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục