Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Ngày 17- 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

 
Hội nghị được tổ chức qua 6 điểm cầu truyền hình tại Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham dự của đông đảo cán bộ quản lý các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, các sở giáo dục và đào tạo.


Sau hơn hai tháng triển khai, tính đến hết ngày 12- 5, đã có 272/407 trường đại học, cao đẳng (gần 67%) gửi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong số đó, có 243 trường thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010- 2012; 260 trường xây dựng và ban hành chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo; 204 trường xây dựng cam kết chất lượng đào tạo; 170 trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 186 trường tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020.


Các trường đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thảo luận nghiêm túc và triển khai tích cực Chỉ thị của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua thảo luận, đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để bảo đảm và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đầu tư nhà nước còn dàn trải, học phí thấp, chậm thay đổi, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn dẫn tới việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính đối phó; thu nhập thấp, không tạo động lực để giảng viên chuyên tâm vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phương pháp đánh giá chưa phù hợp… Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần chỉ đạo và có giải pháp kiên quyết như siết chặt chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học, liên thông, từ xa… tăng cường kiểm tra và xử lý các trường vi phạm…



Thứ trưởng Trần Quang Quý trình bày báo cáo sơ kết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một số hạn chế sau hai tháng triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ: hơn 130 trường chưa gửi báo cáo về Bộ; trong số báo cáo các trường gửi về, nhiều báo cáo chưa đầy đủ nội dung, một số hoạt động chưa được triển khai đồng bộ; nhiều trường tổ chức thảo luận còn lúng túng, hình thức, hiệu quả không cao; cá biệt còn một số giảng viên, cán bộ và sinh viên thờ ơ, nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức về Chỉ thị.

Qua thảo luận tại các điểm cầu truyền hình, Hội nghị đề ra các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học trong thời gian tới. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14 nội dung công việc được đề ra, trong đó có những nội dung đáng chú ý như: Tiếp tục triển khai việc phân cấp cho các cơ sở giáo dục đại học, phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát của các trường đồng thời tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của các cơ quan quản lý, của xã hội và của bản thân các cơ sở đào tạo; Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng trong việc thực hiện các cam kết của các nhà đầu tư, các cơ quan chủ quản trong đề án thành lập trường, có cơ chế xử lý nghiêm khắc với các trường sau ba năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện như cam kết; Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ sử dụng; Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xây dựng tiêu chuẩn và thành lập ba cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập trong ba năm 2010- 2012; Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010- 2015; Thành lập Hội đồng hiệu trưởng các khối ngành và các trưởng khoa cùng nhóm ngành để tư vấn cho Bộ trưởng những vấn đề có liên quan đến phát triển ngành, đến hoạt động của các trường và phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực giữa các trường; Tiếp tục đối mới công tác quản lý và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng…

Về phía các trường đại học, cao đẳng, tiếp tục hoàn thành việc tổ chức thảo luận quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học, xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động. Đến tháng 12- 2010, tất cả các trường phải hoàn thành việc rà soát hoặc xây dựng chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011- 2015 và định hướng 2020, công bố trên website của trường.

Các trường rà soát giáo trình hiện có, phối hợp biên soạn giáo trình dùng chung cho nhóm ngành; mua bản quyền, dịch, xuất bản giáo trình của nước ngoài phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu tại trường.

Trong đào tạo, các trường chủ động kêu gọi, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn xã hội, coi doanh nghiệp là một yếu tố của quá trình đào tạo.

Về đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến năm học 2014- 2015 chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Các trường xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên, kiên quyết không để giảng viên lên lớp vượt quá nhiều giờ so với quy định.

Bên cạnh đó, các trường phát động phong trào đổi mới giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế công khai; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề tương ứng với từng trình độ đào tạo của trường…
 
 
 
                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục