Đề thi môn văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua được đánh giá là dễ, lại quay về lối mòn kiểm tra kiến thức bằng học thuộc lòng. Thế nhưng, không ít bài làm của thí sinh (TS) vẫn có những “sáng tạo” cười ra nước mắt. Điều này cho thấy thực trạng dạy và học các môn khoa học xã hội trong trường phổ thông còn lắm chuyện phải bàn…
Đề “đóng”...
Đề văn năm nay, ngoài câu nghị luận xã hội là một đề bài khá hay có ý nghĩa thời sự và mang tính giáo dục cao thì những phần còn lại đều “đóng kín”. Cô Triệu Thị Huệ, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tiếc vì hình thức đề thi (câu 1 - phần chung; câu 3a, 3b - phần riêng) chưa thật sự mới nên có thể chưa khơi gợi được hứng thú cho TS.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Đắc Diệu Hương, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM phân tích thêm: Ở phần riêng, 2 câu hỏi chỉ dừng lại ở yêu cầu phân tích nhân vật trong tác phẩm và đoạn thơ mà chưa mở rộng thêm, chưa tạo được đột phá trong cách ra đề để TS có thể bày tỏ suy nghĩ và sáng tạo. Câu phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi có thể “mở” hơn nếu yêu cầu TS suy nghĩ gì về tuổi trẻ, đất nước hôm nay.
Hoặc trong bài thơ Sóng, thay vì phân tích đoạn thơ, có thể “mở” hơn nữa nếu hỏi TS có suy nghĩ gì tình yêu của tuổi trẻ hôm nay. Theo bà Hương, nếu chỉ dừng lại phân tích nhân vật, đoạn thơ khiến TS theo lối mòn là chép lại bài giảng của giáo viên ở lớp.
Nhiều giáo viên chấm bài môn văn cho rằng, với mức độ đề dễ như năm nay dự đoán sẽ rất ít điểm dưới trung bình. Tuy nhiên khi chấm thi, một giáo viên chấm thi môn văn tại TPHCM cho biết: dù đã cố tìm ý đúng để cho điểm nhưng bài làm đạt điểm 1-3 không ít. Cá biệt, có những phòng thi chỉ 24 bài làm thì có đến 20 bài dưới trung bình.
Mặc dù là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng môn văn vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của giáo viên và học sinh. Ảnh: C.T.V. |
... những bài văn “sáng tạo”
Dù câu “Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là đề “đóng” nhưng nhiều TS đã thể hiện khả năng “sáng tạo” kinh hoàng.
Một TS đã tưởng tượng hoàn cảnh gia đình Việt vô cùng bi đát: “Cả gia đình em thương binh Việt bị chết sạch sẽ, cả nội ngoại cha mẹ anh chị em đều bị thằng Pháp đem ra pháp trường bắn hạ, chỉ có Việt bị thương còn sống với chị Liên đi bộ đội ở nhà chú Năm…”. Khi bị thương nằm lại rừng cao su “Việt không sợ chết mà chỉ sợ con ma lè lưỡi dài thòn lòn ngồi trên rừng cao su rên khóc đòi con… Lúc này Việt nhớ đến má, nhớ khi xin má đi bộ đội má không cho bảo chị mày lớn đi trước, mày còn nhỏ đi rủi chết như má làm sao(!)Giờ thì Việt nằm chèo queo sợ ma run run…”.
Nếu không có óc tưởng tượng “phong phú” thì không thể nào TS viết được những dòng thế này: “Việt bị lạc đồng đội 2 ngày 5 đêm, anh lê đi đến đâu ruồi bu đen ngòm đến đó. Chỗ vết thương ra máu rất nhiều, có chỗ ướt sũng, chỗ dẻo nhẹo, chỗ thì khô cứng. Anh lê mũi lê đi trước, hai cù lôi tay nhất cánh tay anh lên, cái chân bị thương cho nó đi sau cùng, anh không biết mình đang bò lên những gì nữa vì anh đang bất tỉnh. Tỉnh dậy là anh tìm súng. Tao thấy thằng giặc là tao bắn nó liền. Súng của tao chưa hết đạn mà. Nhưng thực tế anh bị mù thì làm sao thấy mà bắn được…”.
Khi nói về tính trẻ con gắn với những thành tích của Việt, một TS nhận xét: “Việt rất đỏng đảnh trẻ con ngay cả ở nhà lẫn ở chiến trận. Tham gia quân lính rồi nhưng Việt chưa đủ vị thành niên 17 nên không được phát súng. Việt lấy ná thun bắn chim hằng ngày đi bắn giặc. Mà Việt giỏi lắm, dù chỉ bằng công cụ thô sơ ấy mà bắn cháy được xe bọc thép và cả tiểu đoàn Mĩ chết sạch còn anh chỉ bị thương nhẹ ở chân không đi được nên lếch trong rừng cây cao su mấy ngày đêm mà không ra được”.
Chuyện lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia không khó tìm trong bài làm của các sĩ tử năm nay. Cá biệt có TS lý giải cội nguồn lòng yêu nước, sự dũng cảm của Việt rằng “Việt được má Út Tịch sinh ra ở vùng sông nước sau khi cha và nội bị Pháp chặt đầu nên ghét thằng Pháp hơn ai hết. Việt yêu nước như mẹ, chiến đấu như mẹ, anh hùng như mẹ mình. Chị Chiến thì chẳng khác tí gì mẹ từ miếng ăn miếng ngủ cho tới chăm sóc em”.
Nếu nữ thi sĩ Xuân Quỳnh còn sống, chắc có lẽ sẽ bật ngửa khi đọc những dòng phân tích của TS về hai khổ thơ đầu trong bài Sóng. Một TS viết “Xuân Diệu yêu đến chết ở trong lòng còn Xuân Quỳnh khi yêu phải ra ngoài biển cả mênh mông mà hò hẹn. Hình như ông hoàng thơ tình và bà hoàng thơ tình có cách yêu khác với người bình thường, đó là nét hấp dẫn mà ta thấy trong bài thơ của bà”.
TS khác thì cho rằng “Xuân Quỳnh sống cùng thời với Hồ Xuân Hương, hai nhà thơ hợp sức lại lên án xã hội phong kiến ràng buộc yêu đương tự do, nhất là để giải thoát phụ nữ…”. Đi vào phân tích câu chữ và hình ảnh, các TS tha hồ suy diễn. Hãy đọc lời văn của TS phân tích sóng và em: “Xuân Quỳnh mượn sóng để nói người con trai phiêu bạc giang hồ để cho em ở lại đợi mong đến mòn mỏi, đau buồn tuyệt vọng”.
TS khác “phát hiện” ra một điều hết sức mới mẻ rằng “Nghiên cứu kĩ bài thơ cực hay này em phát hiện ra trên thế gian này chưa có ai khám phá ra một chân lí mới như Xuân Quỳnh: sông lúc nào cũng hẹp hơn bể. Vì vậy tả tình yêu phải tả biển thôi chứ sông làm sao hiểu được tình yêu của những ai đang yêu. Bài thơ hay như thế nên khi đọc xong nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ngay bài hát Thuyền và biển mà bây giờ ai yêu nhau cũng phải hát”.
Phân tích các cụm từ “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ”, một TS viết “Đó là những cung bậc của tình yêu trong một người phụ nữ. Ai cũng nói tình yêu phụ nữ khó hiểu lắm. Khi mới yêu thì họ dịu êm, lặng lẽ, khi về làm vợ rồi thì dữ dội và ồn ào. Điều này đúng thực tế lắm”.
Giáo viên chấm thi thường xuyên bắt gặp những lỗi ngớ ngẩn trong bài làm của nhiều TS. Ở câu hỏi về tác giả Sô-lô-khốp thì TS cho rằng “Tác phẩm của Sô-lô-khốp nói về những căn bệnh tâm thần của quốc dân Trung Quốc”.
Nhà văn người Nga này đoạt giải Nô-ben văn học nhưng các TS thì “trao” cho ông nhiều giải thưởng khác nhau: giải Nô-ben toán học, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ, giải thưởng Ju-li-e (?!?); cũng có bài làm khẳng định ông quốc tịch Pháp, Mỹ, Ghana, Trung Quốc; gắn bó với dòng sông Nin, sông Xen; còn cho rằng Sô-lô-khốp hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Có TS nói “Nguyễn Thi có bút danh Nguyễn Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Trung Thành”…
Theo SGGP
Để đạt điểm cao môn Toán là không khó, làm nhiều dạng bài tập, học cách trình bày cho khoa học, sáng sủa để không bị mất điểm “lãng phí”.
Chuẩn bị cho kỳ thi ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn các trường tổ chức thi và chấm bài thi trắc nghiệm. Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ tháng 7-2010 tới sẽ tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với các môn Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật), vật lý, hóa học, sinh học; các môn khác thi theo hình thức tự luận.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đổi mới giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam được ban hành. Trong số đó, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển toàn diện của giáo dục ĐH nước nhà.
Theo các chuyên gia giáo dục, khi quy mô đào tạo ĐH phát triển hơn, cung và cầu không chênh lệch quá nhiều thì mới giao quyền tuyển sinh cho các trường
Chuẩn bị cho kỳ thi ĐH-CĐ, để việc tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm được thực hiện đồng bộ và đúng quy chế, Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn các trường việc tổ chức thi và chấm bài thi trắc nghiệm.
Chuẩn bị cho kỳ thi ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT vừa hướng dẫn các trường tổ chức thi và chấm bài thi trắc nghiệm. Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ tháng 7-2010 tới sẽ tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với các môn Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật), vật lý, hóa học, sinh học; các môn khác thi theo hình thức tự luận.