Các giáo viên nhận tài liệu tiếng Anh sáng 11-9
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển hạ quyết tâm việc triển khai chương trình phải thắng, trong khi các trường than khó đủ điều
Hàng trăm giáo viên tiếng Anh tiểu học, chuyên viên tiếng Anh của các phòng, sở GD-ĐT cũng như lãnh đạo 18 địa phương tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học đã tham dự hội nghị triển khai thí điểm tiếng Anh tiểu học tổ chức tại Hà Nội ngày 11-9 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Chưa chọn ra giáo trình
Mặc dù được triển khai khá chậm nhưng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vẫn hạ quyết tâm chương trình phải thắng, học sinh phải đạt được những yêu cầu đặt ra, đó là hết cấp tiểu học sẽ đạt trình độ tiếng Anh tương đương cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.
Ông Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, Phó Trưởng Ban Điều hành đề án tiếng Anh tiểu học, cho biết: “Chương trình chỉ quy định mục tiêu đầu ra và chỉ dẫn những mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, đồng thời hướng dẫn cách thức dạy học để đạt được các mục tiêu đó. Giáo viên có thể sử dụng sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD-ĐT (được phát miễn phí) hoặc sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh khác để dạy học với điều kiện phải bảo đảm các mục tiêu đề ra”.
Chính vì có quá nhiều lựa chọn nên dù đã vào năm học mới nhưng rất nhiều địa phương vẫn chưa quyết định sẽ dùng bộ sách nào cho việc thí điểm. Bà Nguyễn Thị Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phả Lại 2 (Hải Dương), cho biết trường đang dùng song song cả hai giáo trình Let’s Learn và Let’s Go.
Theo quy định của Luật Giáo dục, khi tiếng Anh là môn học bắt buộc thì chỉ có bộ SGK duy nhất. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi với ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT), liệu năm sau có sử dụng một bộ sách thống nhất, ông Thành cho biết không quyết định được việc này.
Khó tuyển giáo viên
Điều kiện để được giảng dạy tiếng Anh tiểu học là giáo viên phải có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên, điểm TOEFL 550 trở lên hoặc IELTS 6.0. Đây là tiêu chuẩn vô cùng khó, nhất là trong hoàn cảnh các trường không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh mà chỉ ký hợp đồng.
Đại diện Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, TPHCM và Cần Thơ đều cho rằng cần phải có cơ chế để giáo viên tiếng Anh được vào biên chế, nếu không sẽ quá thiệt thòi cho họ.
Có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh
Chương trình tiếng Anh tiểu học được xây dựng với thời lượng 420 tiết, từ lớp 3 đến lớp 5, mỗi lớp học 140 tiết. Sau khi kết thúc chương trình, học sinh có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua 4 kỹ năng nghe – nói - đọc - viết, đặc biệt là nghe - nói. Học sinh có kiến thức cơ bản và tối thiểu về ngôn ngữ tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và thông qua tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người, nền văn hóa các nước nói tiếng Anh. |
Theo đại diện Phòng Giáo dục quận Ngô Quyền - Hải Phòng, thời lượng 4 tiết/tuần với trung bình từ 5 - 6 lớp mỗi khối thì rất căng thẳng với giáo viên, trong khi tất cả đều là giáo viên hợp đồng, quyền lợi rất hạn chế. Thực tế, với chương trình tiếng Anh tự chọn hiện nay, toàn bộ lương trả cho giáo viên tiếng Anh đều do phụ huynh đóng góp với mức 20.000 - 35.000 đồng/tiết tùy trường. Với mức tiền eo hẹp, các trường khó có thể tuyển được giáo viên giỏi, tâm huyết.
Căng thẳng phòng học
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hoạt động dạy học phải được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với các hoạt động tương tác (vẽ tranh, kể chuyện, câu đố). Giáo viên cần tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học. Ngoài ra, trong quá trình dạy học, cần sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện dạy học như SGK, tài liệu tham khảo, thiết bị nghe nhìn... để hỗ trợ việc học thông qua các chủ đề.
Với những yêu cầu này, để triển khai chương trình, các trường phải có cơ sở vật chất, phòng học tương đối tốt. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên đến từ Hải Phòng, rất nhiều trường còn chưa có phòng học tiếng Anh. Bà Võ Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Giang (Hải Phòng), cho rằng tuyển được giáo viên giỏi đã khó nhưng có được cơ sở vật chất, phòng học đạt tiêu chuẩn còn khó hơn.
Theo bà Lan, tuy có đi tập huấn, triển khai chương trình nhưng Trường Tiểu học Đằng Giang chưa chắc đã có thể thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 vì quá thiếu điều kiện.
Theo Báo NLĐ
(HBĐT) - Theo Sở GD-ĐT, năm học 2010-2011 ngành bắt đầu triển khai thí điểm Chương trình tiếng Anh Tiểu học (lớp 3) tại 3 trường trên địa bàn thành phố Hòa Bình, gồm: Tiểu học Sông Đà, Tiểu học Lê Văn Tám và Tiểu học Võ Thị Sáu
(HBĐT) - Trung tâm Dạy nghề huyện Đà Bắc vừa tổ chức khai giảng lớp may công nghiệp cho 30 học viên thuộc các đối tượng hộ nghèo xã Tân Minh.
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên vừa ban hành văn bản hướng dẫn về việc cấp giấy phép dạy thêm năm học 2010-2011 cho các giáo viên. Theo đó, các tổ chức, cá nhân hội đủ các điều kiện quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được cấp phép dạy thêm.
Đến hết học kỳ I năm học 2010-2011 tất cả các cơ sở đào tạo TCCN phải công bố chuẩn đầu ra đối với từng ngành đào tạo. Đó là yêu cầu trong hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo TCCN của Bộ GD&ĐT.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, dù chưa tổ chức đại hội hội phụ huynh đầu năm học nhưng nhiều trường đã buộc học sinh nộp nhiều khoản vô lý, thậm chí đình chỉ học vì chậm nộp
Với đơn vị tính lương tối thiểu mới (730.000 đồng), cộng với phụ cấp đứng lớp, trung bình là 30-35%, một giáo viên mới ra trường hệ cao đẳng dạy THCS, nhận được mức lương chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng