Một giáo viên dạy chuyên biệt tại nhà trong giờ học với trẻ - Ảnh: A.D.

Một giáo viên dạy chuyên biệt tại nhà trong giờ học với trẻ - Ảnh: A.D.

Họ dạy học nhưng không có trường lớp, không thuộc biên chế ngành giáo dục. Và họ cũng không biết đến cảm giác nghỉ hè hay thưởng tết.

 

Số trẻ chậm phát triển, bại não, tự kỷ... tăng cao trong khi trường học còn thiếu. Nhiều gia đình muốn thuê giáo viên về nhà dạy con với mục đích rèn cho trẻ những động tác, thói quen cơ bản để có thể tự chăm sóc bản thân và phân biệt mọi thứ xung quanh, nếu khá hơn thì có thể cho con đi học hòa nhập. Đó là những lý do khiến nhiều giáo viên rời bỏ công việc tại các trường để trở thành giáo viên tự do chuyên dạy trẻ chuyên biệt tại nhà.

Mỗi học sinh một giáo án

Chúng tôi gặp các giáo viên chuyên biệt đang làm nghề “dạy tự do” ở TP.HCM trong bữa gặp mặt cuối năm tại một quán ăn chay. Hiếm hoi lắm họ mới có một buổi gặp mặt như thế để chia sẻ kinh nghiệm và thư giãn. Câu chuyện xoay quanh đứa học trò mà ba cô giáo tên Đ. (Q.Tân Bình), Th. và T. (Q. Gò Vấp)(*) đang dạy ở quận 5. Học trò tên Bi, 13 tuổi, nặng gần 60kg, bị tự kỷ và hiện chưa thể tự chủ vệ sinh cơ thể. Ba cô giáo phụ trách ba ca sáng, chiều và tối, mỗi ca 90 phút. Dạy trẻ tập trung, ghi nhớ các động tác cầm, nắm, chỉ trỏ, tập nói một đến hai chữ, tập phân biệt màu sắc, đồ vật, luyện tập cho trẻ vận động, matxa cho trẻ... là những dòng giáo án được ghi trong nhật ký giảng dạy mà ba cô giáo chuyền tay nhau mỗi khi kết thúc ca dạy của mình.

Không bị áp lực thành tích

Một giáo viên tâm sự: “Mức lương, thời gian dạy, sự chủ động trong công việc, không bị áp lực thành tích hay kỷ luật trong ngành, đó là những điểm mà giáo viên tự do thấy thoải mái. Mặt khác, những áp lực về sự tiến bộ của trẻ bao giờ cũng đặt các cô vào tâm thế luôn lo lắng, tìm tòi để cải thiện sức học của trẻ. Nếu trẻ xuất hiện thói quen xấu, trách nhiệm của giáo viên trước gia đình trẻ cũng rất lớn”.

Nghề giáo viên dạy trẻ chuyên biệt được coi là nghề gây stress dữ dội vì áp lực công việc cao, đối tượng học phức tạp, lại đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm tốt để trụ được lâu dài. Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ: dạy cả những động tác tưởng chừng đơn giản như thè lưỡi, liếm môi, thổi, nhai, chỉ tay bằng một ngón cho đến cầm, nắm đồ vật, thậm chí tập lăn, lộn, bò. Những phần khó hơn là dạy trẻ nghe lời, biết báo khi chuẩn bị đi vệ sinh, biết phân biệt màu sắc, chữ cái, hình ảnh... Nói chung là vậy nhưng khi vào chương trình dạy, mỗi học sinh cần một giáo án khác nhau.

Cô Huy, một giáo viên ngoài 30 tuổi ở Gò Vấp, chia sẻ: “Tôi dạy một bé gái đã hai năm. Bé 5 tuổi và bắt đầu biết nghe lời cô giáo nhưng có những tật xấu của bé ròng rã mấy năm nay không thể dạy được. Bé không thể ra ngoài vì... không chịu đi vệ sinh ở bất cứ nơi nào khác ngoài nhà của mình, khi đi vệ sinh bé không chịu dùng bô hay bồn cầu mà khoái đi ra... đất. Nếu ai ngăn cản, bé tuyệt thực và nhịn... đi tiêu cả tuần”.

Những trường hợp giáo viên phải bó tay như trường hợp cô Huy gặp không phải hiếm. Công việc của các cô hầu hết đều phức tạp vì mỗi học sinh có thể trạng, bệnh tật, cách phản ứng khác nhau và nghề dạy trẻ chuyên biệt luôn tiềm ẩn những nguy cơ. “Những ngày đầu tôi thường xuyên bị bé bóp cổ. Hễ đòi gì không được là bé ăn vạ hoặc chạy vòng tròn. Tôi ôm lại thì bé quay qua bóp cổ. Mãi một thời gian tôi mới “trị” được bé bằng cách né thật nhanh và kẹp cả hai tay bé lại” - cô Huy kể.

Nghề chọn người

Với nghề dạy trẻ chuyên biệt, kinh nghiệm mà các giáo viên chia sẻ cho nhau là những kiến thức quý giá nhất. Xuất thân là giáo viên môn năng khiếu ở một trường tiểu học, quyết định rời công việc ổn định để làm giáo viên tự do của cô Đ. là một sự tình cờ.

Cách đây sáu năm, cô nhận dạy kèm một học trò bị tự kỷ tại nhà. Từ đó, vừa học hỏi vừa tìm hiểu thêm về trẻ tự kỷ, cô trở nên “cứng” nghề từ khi nào không biết. Hiện cô đang dạy kèm ba học trò, thời gian còn lại thì đến nhà tư vấn cho những gia đình có con mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển khác. Cô Th. cũng từng là giáo viên mầm non. Cô bắt đầu quan tâm đến trẻ tự kỷ khi phát hiện một học sinh trong lớp có triệu chứng từ chối giao tiếp bên ngoài.

Trong nhóm giáo viên dạy trẻ chuyên biệt thường sinh hoạt chung, trẻ nhất là cô O. và cô H. đều thuộc thế hệ 7X “đời cuối”. Trước đây hai cô là giáo viên mầm non, sau vài năm công tác đã chọn hướng trở thành giáo viên dạy chuyên biệt tự do.

Cuộc sống của giáo viên tự do tất bật hơn, chạy “sô” nhiều hơn nên hầu như không có thời gian riêng cho bản thân. Tự tìm học trò và khi đã có chút tên tuổi thì được phụ huynh tìm tới, các cô được đề xuất mức lương, giờ dạy. Hiện mức lương của các giáo viên giỏi dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/ tiết. Tuy nhiên nhiều phụ huynh trả mức lương cao hơn, khoảng 150.000 đồng/tiết để giữ chân các giáo viên.

 

                                                                                       Theo TuoiTre

 

 

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục