Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 đã kết thúc và được Bộ GD- ĐT đánh giá nghiêm túc, an toàn, đúng kế hoạch, khắc phục những hạn chế, bất cập các năm trước. Thế nhưng, dư luận lo lắng hiệu quả của kỳ thi cụm khi số lượng thí sinh gặp tai nạn giao thông khi đi thi tăng gần gấp đôi so với năm trước.

  • Không còn căng thẳng với đề thi

Bộ GD-ĐT cho biết, công tác làm đề thi tuyệt đối an toàn, bí mật. Đề thi các môn có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài thi, đáp ứng yêu cầu kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời phân hóa được trình độ của các đối tượng dự thi.

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa quận 1 TPHCM vui mừng sau khi đã hoàn thành chương trình thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: MAI HẢI

Thầy Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng Tổ Toán THPT Chuyên Lê Hồng Phong đánh giá: “Các câu hỏi của đề thi Toán năm nay đều là những câu rất cơ bản, không đòi hỏi phải suy luận nhiều, các dạng toán này học sinh được luyện tập nhiều. Trong đề không có câu hỏi nào quá khó, ngoại trừ câu 2. 3 có thể một số em sẽ quên thử lại. So với đề của hai năm qua, đề năm nay dễ hơn. Với đề này, học sinh có học lực khá giỏi có thể đạt điểm 9, 10 dễ dàng. Học sinh trung bình cũng có thể đạt trên 5 điểm”.
 
Nhận định về đề thi môn Anh văn, cô Lê Minh Trâm, Tổ phó Tổ Anh văn Trường THPT An Lạc, cho rằng: Với đề thi môn Anh văn tương đối dễ thở, giúp học sinh kết thúc môn thi một cách thoải mái. Nội dung đề ra chủ yếu là kiến thức căn bản, phần phát âm tương đối đơn giản nên học sinh có học lực trung bình có khả năng đạt trên trung bình. Thông thường, phần đọc hiểu và điền từ là những nội dung dễ làm thí sinh lúng túng, mất điểm nhưng năm nay phần này cũng dễ hơn so với mọi năm, không gây khó khăn cho thí sinh trung bình.
 
Trước dư luận đề thi năm nay quá dễ, phải chăng do Bộ GD-ĐT “nới” để tạo điều kiện cho các địa phương có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, không lấy tiêu chí đánh giá “khó-dễ” của thí sinh làm chuẩn. “Năm nay dư luận đánh giá đề thi bám sát chương trình, có phân hóa, đề mở, tăng cường khả năng vận dụng - thông hiểu kiến thức, vì vậy học sinh khá giỏi sẽ đạt điểm cao”, ông Hiển nói.

  • Tai nạn giao thông tăng gần gấp đôi

Việc bố trí thi theo cụm khiến nhiều thí sinh phải đi thi quá xa (có nhiều thí sinh phải đi thi cách nhà 50-60 km) cũng là một trong nguyên nhân khiến nhiều thí sinh bị ốm, gặp tai nạn giao thông. Kỳ thi theo cụm năm nay cũng ghi nhận đã có 103 thí sinh bị tai nạn giao thông khi đi thi (tăng gần gấp đôi so với năm 2010) và 1.203 thí sinh bị ốm không thể dự thi (năm 2010 là 561 thí sinh). Trả lời vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết, việc bỏ thi cụm hay không sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh kỷ luật kỳ thi ngày càng được tăng cường hơn.

Cả kỳ thi có 3.801 thí sinh bỏ thi, trong đó 35 thí sinh đến trễ, 45 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế, giảm một nửa so với năm 2010 và 4 giám thị bị cảnh cáo. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, vẫn còn tình trạng nhiễu thông tin về đề thi trong dư luận xã hội ở một số địa phương (tin lộ đề thi Văn, Địa, Sinh ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi) khiến học sinh và phụ huynh hoang mang.

Một số cán bộ, giáo viên coi thi còn hạn chế nghiệp vụ, có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sâu sát nên bị đình chỉ thi hoặc bị cảnh cáo. Tại một số hội đồng coi thi, vẫn còn thí sinh mang “phao” vào phòng thi. Phát hiện 2 trường hợp thi hộ. Dự kiến công tác chấm thi sẽ hoàn tất đến ngày 18-6 và các địa phương sẽ công bố kết quả sau khi hoàn thành.

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay được Bộ GD-ĐT đánh giá là an toàn, nghiêm túc, số lượng vi phạm quy chế giảm đáng kể. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay được dư luận dự báo sẽ “đẹp” hơn.

 

                                                                                      Theo SGGP

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục