Một vở diễn báo cáo trong dự án “Sân khấu học đường”. Ảnh: Hoàng Điệp

Một vở diễn báo cáo trong dự án “Sân khấu học đường”. Ảnh: Hoàng Điệp

Dự án "Sân khấu học đường" được Chính phủ giao cho Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện đến nay đã 10 năm. Nhưng để tạo được một thế hệ kế tục và lớp khán giả tương lai cho nghệ thuật truyền thống thì đó mới chỉ là nấc thang khởi đầu cho một chiến lược dài lâu.

 

Một dự án có sức lay động

Có lẽ nên nói về cảm xúc và tình yêu nghệ thuật truyền thống lớn dần lên trong lòng của một em nhỏ đã đến được với cải lương trong khuôn khổ dự án. Lê Thị Thảo Linh, học sinh Trường THCS Lê Chân (Hải Phòng) đã từng chẳng mấy hứng thú với những vở cải lương sướt mướt mà ông bà hay mở trên tivi hằng ngày. Thế nhưng khi môn nghệ thuật này đến trường, Linh trở thành hạt nhân nổi bật nhất. Em say sưa luyện tập ở nhà, ở trường, hát diễn để ông bà chỉnh sửa. Mơ ước giờ đây của em là trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. 
 

Ở lứa tuổi đang tiếp nhận kiến thức, nên chỉ sau ít ngày luyện tập, các em đã thuộc và "bắt" được đúng hồn của mỗi môn nghệ thuật, dù là những môn khó như tuồng, chèo, cải lương, hát bội, ca kịch... NSƯT Nguyễn Đình Chí, Trưởng đoàn nghệ thuật Cải lương Nam Định bày tỏ bất ngờ khi có em học sinh lớp 8 đảm hai vai nam, nữ khác nhau mà diễn đạt hơn cả những nghệ sĩ tập luyện mấy tháng. NSƯT Nguyễn Đăng Toàn, Trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng xúc động kể: "Ngày nào nghệ sĩ xuống dạy ở trường là ngày đấy chật kín cả giáo viên, phụ huynh đến tập hát cùng các em, làm nghệ sĩ chúng tôi thêm hứng khởi truyền dạy".

Bao nhiêu lá thư tha thiết cảm ơn, bày tỏ niềm hạnh phúc được tham gia dự án của học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh, nghệ sĩ gửi đến, có lẽ GS Hoàng Chương, đồng Trưởng ban chỉ đạo dự án cũng không nhớ rõ. Nhưng ông không thể quên được những hình ảnh mà sân khấu truyền thống lay động thế hệ trẻ những năm qua. Nhìn các em học sinh 12, 13 tuổi đánh trống, thổi kèn, kéo nhị… trong dàn nhạc tuồng "nhí" Đà Nẵng nhịp nhàng mới thật dễ thương và cảm động làm sao. Những tiết mục tuồng khó như "Hộ Sanh Đàm", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" của học sinh Bình Định được truyền hình khu vực phát đi phát lại. Nhiều thầy cô giáo và phụ huynh ứa nước mắt khi thấy con em mình hóa thân vào những nhân vật anh hùng, nghĩa sĩ trên sân khấu rất "ngọt".

Để nghệ thuật truyền thống sống mãi

NSND Phạm Thị Thành - chủ nhân ý tưởng "Sân khấu học đường" chia sẻ: "Để nghệ thuật truyền thống là món ăn tinh thần không thể thiếu của bất cứ người Việt nào thì phải cho các em "ăn" từ bé. "Ăn" nhiều, "ăn" lâu các em mới "nghiện", mới yêu chứ". Tuy nhiên, trong khuôn khổ triển khai dự án 10 năm qua, mới chỉ có gần 100 trường học với 3% học sinh cả nước đến được với nghệ thuật truyền thống. Con số đó quả là ít ỏi để có thể giúp đưa nghệ thuật truyền thống sống mãi với thời gian.

Dẫu vậy, những ai tâm huyết, yêu mến nghệ thuật truyền thống vẫn có quyền hy vọng ở một tương lai không xa dự án sẽ tiếp tục được triển khai. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Vương Duy Biên cho biết, Bộ VH,TT&DL sẽ trình lên Chính phủ để tiếp tục dự án lâu dài. Cục trưởng cũng khẳng định, 10 năm qua mới chỉ là bước thử nghiệm khởi đầu cho một chiến lược bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cho tương lai từ thế hệ trẻ. Nấc thang tiếp theo, có thể là một dự án 10 năm nữa, sẽ phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.

Để dự án đi vào chiều sâu, những người làm công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống đều nhận định rằng, muốn tìm được nhân tố mới cho sân khấu thì cần phải có những "con mắt" thật tinh tường. Trước nay, thường là các nghệ sĩ từ đơn vị nghệ thuật đến truyền kinh nghiệm cho các em diễn mà chưa có nghiệp vụ sư phạm thực thụ. Vì vậy, việc phát hiện, phát huy tài năng trẻ ngay trên ghế nhà trường vẫn còn mơ hồ. Vấn đề nữa mà nhiều nghệ sĩ, thầy cô giáo băn khoăn là chưa có những kịch bản sân khấu thật sự phù hợp với lứa tuổi các em. Các trích đoạn kịch truyền thống hầu hết đều mang ngôn ngữ, hành động của người lớn nên các em nhập vai mà cứ như các em tập làm người lớn vậy.

Tiếp tục một dự án hiệu quả, hiếm có như "Sân khấu học đường" làm được là mong mỏi của tất cả những người đã đồng hành với dự án trong 10 năm qua. Như nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc giục giã: "Chúng ta nên tiếp tục triển khai ngay dự án. Bởi những người đang gìn giữ, theo đuổi nhiều môn nghệ thuật truyền thống đã quá lớn tuổi. Không đến với họ, để họ truyền lại cho thế hệ trẻ thì nghệ thuật dân tộc sẽ bị mai một mất".

 

                                               Theo HaNoiMoi

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Kỳ Sơn nỗ lực PCGD mầm non

(HBĐT) - Huyện Kỳ Sơn có 11 trường mầm non công lập với 25 nhóm nhà trẻ, 66 lớp mẫu giáo, trong đó có 23 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, Sở GD&ĐT, huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn công tác điều tra, khảo sát, xác định số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn và các nhu cầu về GV, CSVC. Đồng thời, đưa chỉ tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch hoạt động hàng năm của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các KDC về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung, nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Đảm bảo ngân sách chi cho GDMN đạt mức tối thiểu từ 20% trở lên trong kinh phí đầu tư cho giáo dục.

Xét tuyển nguyện vọng 2: Cơ hội cho thí sinh biết nắm thông tin

Từ ngày 25.8, thí sinh (TS) chưa trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 sẽ chính thức nộp hồ sơ xét tuyển các NV còn lại. Trong cuộc “chạy đua” này, may mắn sẽ đến với người có đầy đủ thông tin và “chiến lược” rõ ràng.

Cô học trò mồ côi lo không có tiền nhập học

Với quyết tâm vượt lên số phận và thực hiện tâm nguyện của người mẹ quá cố, cô học sinh mồ côi Đỗ Thị Hà đã thi đậu ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Niềm vui đó cũng đi liền với những khó khăn chồng chất khi bản thân em đang phải tự lập lo cuộc sống…

Thấp thỏm mùa tựu trường

Mùa tựu trường luôn đi kèm những nỗi lo của phụ huynh và học trò nghèo. Chiếc áo đồng phục, bộ sách giáo khoa vốn là những nhu cầu tối thiểu cũng trở nên xa vời với những gia đình lam lũ.

Trường THCS Hữu Nghị: Coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, quản lý

(HBĐT) - Năm học 2010 – 2011, trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đạt đơn vị lá cờ đầu khối giáo dục THCS trong toàn tỉnh. Đó là kết quả của việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng với chủ trương: mỗi giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học, quản lý. Mỗi nhà trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học.

 Khảo sát, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010-2011 và công tác chuẩn bị năm học 2011-2012

(HBĐT) - Ngày 16/8, tại Sở GD-ĐT, Đoàn công tác của Ban VH-XH&DT (HĐND tỉnh) do đồng chí Hoàng Thanh Mịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã khảo sát, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010-2011 và công tác chuẩn bị năm học 2011-2012. Cùng tham gia buổi làm việc có đại diện một số sở, ngành liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục