Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em Lê Thị Kim Huế vẫn quyết tâm học với ước mơ trở thành nữ chiến sĩ công an canh giữ sự bình yên của đảo.
Giữa chập chùng sóng gió biển khơi, những chiếc ghe, thuyền thúng mong manh của những người cha nghèo vẫn ngày đêm bám biển cho con đến lớp và những người mẹ tảo tần kiếm tiền mua sách, vở cho con...
Đáp đền sự hi sinh ấy là những câu chuyện sống động về nghị lực vượt lên nghịch cảnh của các bạn nhỏ, dù hoàn cảnh quá đỗi nghèo khó vẫn quyết đến trường hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Bám biển cho con bám lớp
Đã gần hai năm nay chiếc ghe đánh cá là “đầu cơ nghiệp” của gia đình ông Phạm Quang Dũng (khu Tiến Lộc, Cát Hải, Hải Phòng) đã bị sóng gió, bão biển “dập” cho rách nát không thể sử dụng được. Những chuyến đi biển là nguồn sống của gia đình, nay không có phương tiện nên cả nhà bốn người đều trông vào số tiền ít ỏi từ công việc vá lưới thuê của vợ ông. Thế nhưng công việc không phải lúc nào cũng có nên dù sức khỏe yếu nhưng hai vợ chồng ông vẫn gắng gượng xách xô, vác xẻng đi làm phụ hồ vì không đành lòng mỗi lần nghe hai đứa con xin nghỉ học đi làm thuê phụ giúp cha mẹ.
Công việc vá lưới thuê cả ngày chỉ kiếm được 30.000 đồng chưa đủ để đong gạo. Công việc phụ hồ nơi huyện đảo nghèo phải dăm bữa nửa tháng mới có người gọi nên dù tằn tiện chắp vá thế nào vợ chồng ông Dũng cũng không đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học. Với quyết tâm không để đường học hành của con bị đứt đoạn, sau nhiều ngày ngồi bó gối nhìn chiếc thuyền nằm chỏng chơ như một đống gỗ vụn ngoài cửa biển, ông Dũng lại vác lưới đi nhờ thuyền của người dân trên đảo hoặc mượn thuyền của người thân quyết bám biển để con được bám lớp. “Đi đánh cá nhờ về phải chia cho chủ thuyền một nửa nên còn lại chẳng là bao. Nhưng dù sao vẫn được đi biển là con cái còn có tương lai, còn được ăn học đàng hoàng” - ông Dũng nói.
Coi trọng học hành
Đã gần 20 năm nay một mình bà Đỗ Thị Hương (Hòa Hi, Cát Hải, Hải Phòng) lặn lội cào ngao, kiếm từng con ốc, con sò dọc bờ biển rồi bốc vác thuê từ cảng cá đến chợ chiều cũng chẳng đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học và thuốc thang chăm người chồng bị tâm thần. Bà Hương bộc bạch: “Tiền kiếm được chỉ đủ cho thằng lớn theo học đại học ngoài thành phố. Mỗi lần ông nhà tôi lên cơn phải nhập viện lại nhờ anh em hoặc vay mượn xóm làng”.
Hiện tại cậu con trai lớn của bà Hương đang theo học năm 3 khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Hàng hải với mong muốn được về đảo nghiên cứu, xây dựng mạng lưới thông tin khoa học giúp ngư dân dễ tìm được những điểm có nguồn hải sản phong phú và luôn vững vàng trước những cơn dông gió, bão biển. Con gái út của bà, em Lê Thị Kim Huế (lớp 11B3 Trường THPT Cát Hải) thì dù bụng đói thường xuyên vẫn đến lớp nuôi ước mơ trở thành nữ chiến sĩ công an để sau này canh giữ sự bình yên của đảo. Ước mơ đẹp đẽ của anh em Huế tưởng chừng giản đơn nhưng đã không ít lần bế tắc bởi sức khỏe của mẹ ngày một yếu và căn bệnh của bố ngày càng nặng.
Con gái của ông Dũng, em Phạm Thị Xuân (lớp 8B, Trường THCS Cát Hải) hằng ngày sau giờ học lại theo mẹ đi vá lưới thuê. Thời gian đi học và phụ giúp mẹ đã kín nên Xuân tranh thủ ôn bài bất cứ lúc nào có thể. Học phí thì bố mẹ xin nhà trường cho “trả góp” mỗi tháng mươi, mười lăm nghìn, thế nhưng năm nào Xuân cũng được giấy khen học sinh tiên tiến với học lực đứng nhất nhì lớp. Xuân tâm sự: “Cô giáo và bác sĩ ở đất liền ra đảo một vài năm lại về. Em sinh ra, lớn lên ở đảo nên muốn được gắn bó và xây dựng đảo. Em sẽ cố gắng học để sau này làm cô giáo hoặc bác sĩ”.
Cô Chu Thị Thủy, hiệu trưởng Trường THPT Cát Hải, cho biết hoàn cảnh gia đình của phần lớn người dân trên đảo đều khó khăn nhưng vẫn luôn coi trọng việc học hành của con cái. “Nhiều em học sinh đỗ đại học, cao đẳng đã trở về làm việc tại đảo. Những suất học bổng này sẽ góp phần nâng bước để các em tiếp tục thực hiện ước mơ” - cô Thủy nói.
100 suất học bổng Sáng nay (26-11) tại Cung văn hóa Thiếu nhi TP Hải Phòng, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT, Thành đoàn TP Hải Phòng phối hợp tổ chức trao học bổng “Sức sống biển đảo” cho 100 học sinh THCS, THPT các huyện ven biển và hải đảo của Hải Phòng. Đây là một phần trong chương trình học bổng “Sức sống biển đảo” do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tỉnh đoàn và sở GD-ĐT của 10 tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang tổ chức. Chương trình sẽ trao 600 học bổng cho học sinh ở những vùng ven biển, hải đảo xa xôi có hoàn cảnh gia đình nghèo vẫn vượt khó học giỏi. Học bổng cho học sinh THCS trị giá 1,8 triệu đồng một suất (200.000 đồng x 9 tháng học), học bổng cho học sinh THPT trị giá 2,7 triệu đồng một suất (300.000 đồng x 9 tháng học). Tổng kinh phí khoảng 1,5 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đức Khải tài trợ. |
Theo TuoiTre
Đó là câu mà TS Nguyễn Thành Nam đem ra để hỏi mỗi khi có cơ hội nói chuyện với sinh viên về ảo tưởng nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Đất nước đang dần hết mỏ để đào, hết tài nguyên để bán nhưng nhân lực chất lượng cao thì vẫn ùn ùn đổ vào các ngành sản xuất phi vật chất.
Là một trong 5 gương mặt trẻ nhất và giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2011, em Lò Văn Cường được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cùng giải thưởng 7 triệu đồng.
(HBĐT) - Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện Đà Bắc hiện có trên 1.900 người, trong đó, công chức, viên chức cấp huyện 166 người, cấp xã 346 người, sự nghiệp giáo dục 1.283 người, y tế 108 người. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những vấn đề quan tâm của huyện, góp phần thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.
Trong số 13 cử tri có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chín mảng nội dung thì có ba cử tri đề cập vấn đề lạm thu.
Nhiều sinh viên trường dân lập thừa nhận, cơ sở vật chất của trường còn yếu kém, giáo trình thiếu thốn, phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế xộc xệch, hư hỏng... ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam, Chính phủ có kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, trong đó có 10.000 đào tạo trong nước. Thực tế hiện nay phần đông giảng viên lại không mặn mà với việc làm nghiên cứu sinh trong nước.