(HBĐT) - Câu 1: (1,5 điểm). Anh (chị) cho biết quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật lao động? Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Công ty A hoạt động trong lĩnh vực may mặc công nghiệp, có quan hệ lao động với chị Nguyễn Thị B với các loại hợp đồng như sau:

- Ngày 1/9/2013, ký Hợp đồng lao động có thời hạn đủ 3 tháng (từ 1/9/2013 – 30/11/2013).

- Ngày 1/12/2013, ký Hợp đồng lao động có thời hạn đủ 12 tháng (từ 1/12/2013 – 30/11/2014).

Từ ngày 1/12/2014 đến nay (hợp đồng 12 tháng trên đã hết hiệu lực thi hành), chị B vẫn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không ký thêm hợp đồng lao động với chị B nữa.

Theo anh (chị) công ty làm như vậy có đúng không?

 

Câu 2: (1,5 điểm)

Anh (chị) cho biết, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp nào?

Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Chị A ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ngày 1/1/2012 đến 30/12/2014 (36 tháng) với công ty B. Ngày 8/9/2014 chị A bắt đầu nghỉ thai sản. Ngày 8/2/2015 chị A trở lại công ty thì nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (quyết định ký bàn hành ngày 2/1/2015).

Theo anh (chị) công ty làm như vậy có đúng không? Đây có phải là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động hay không ?

 

Câu 3 : (1 điểm)

Anh (chị) cho biết những đối tượng nào thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Chị A làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân theo hợp đồng lao động xác định thời hạn là 24 tháng.

Anh (chị) cho biết, chị A có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

 

Câu 4: (1,5 điểm)

Anh (chị) cho biết mức hưởng chế độ thai sản được quy định như thế nào?

Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Chị A có quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

- Từ tháng 6/2015 đến tháng 10/2015 với mức tiền lương hàng tháng là 5.000.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 11/2015 đến tháng 02/2016 nghỉ việc không đóng BHXH;

- Từ tháng 3/2016 đến tháng 6/2016 đóng BHXH với mức tiền lương hàng tháng là 6.500.000 đồng/tháng.

Ngày 01/7/2016, chị A sinh con và nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Anh (chị) cho biết, mức hưởng chế độ thai sản của chị A là bao nhiêu?

 

Câu 5: (1 điểm)

Anh (chị) cho biết quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Cty X (trụ sở tại huyện A) xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Hậu quả là 4 công nhân bị thương phải vào viện điều trị, sau khi điều trị ổn định, bị suy giảm khả năng lao động 25-38% theo kết luận của Hội động giám định y khoa, những công nhân này đến công ty để tiếp tục làm việc nhưng lại bị Cty từ chối tiếp nhận vào làm việc với lý do không đảm bảo sức khoẻ.

Những công nhân này đã đề nghị Liên đoàn lao động huyện A  khởi kiện lên toà án để bảo vệ quyền lợi cho họ vì tại Cty X chưa có tổ chức công đoàn.

Việc Liên đoàn Lao động huyện A khởi kiện như vậy đúng hay sai?

 

Câu 6 : (1 điểm)

Anh (chị) cho biết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn?

Anh (chị) hãy xử lý tình huống sau:

Trong quá trình đàm phán và xây dựng thoả ước lao động tập thể tại công ty X, mặc dù ban chấp hành công đoàn công ty đề nghị nhưng với lý do bảo mật giám đốc công ty yêu cầu các phòng nghiệp vụ không được cung cấp thông tin cho công đoàn cơ sở công ty khiến ban chấp hành công đoàn công ty không có thông tin làm cơ sở xây dựng và đàm phán thoả ước lao động tập thể.

Việc làm đó của giám đốc công ty đúng hay sai? Là chủ tịch công đoàn cơ sở công ty, đồng chí sẽ làm gì để giải quyết vấn đề trên?

 

Câu 7 : (2,5 điểm)

Anh (chị) đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại cơ quan đơn vị nơi mình làm việc. Anh (chị) có đề xuất giải pháp gì để các quy định của pháp luật nói trên đi vào cuộc sống ? (giới hạn 2.000 từ)


GỢI Ý TRẢ LỜI

Câu 1 : Quyền và nghĩa vụ của người lao động, các loại hợp đồng lao động

Điều 5, Bộ luật Lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động, như sau:

1. Người lao động có các quyền sau đây:

- Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

- Đình công.

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;

- Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

 

Điều 22, Bộ luật Lao động quy định về loại hợp đồng lao động, như sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

 

Xử lý tình huống:

Theo quy trên thì công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động, vì:

Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.

Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết là hợp đồng có thời hạn từ đủ 12-36 tháng trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng có thời hạn dưới 12 trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

 

Câu 2: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

 

Tại Điều 36, Bộ luật Lao động quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, như sau:

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Điều 38, Bộ luật Lao động quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

Xử lý tình huống:

Theo quy định như trên, Công ty ra quyết định sau ngày 30/12/2014 là thực hiện đúng quy định (vì ngày 30/12/2014 là thời điểm hết hạn hợp đồng lao động).

Trường hợp này là trường hợp chất dứt hợp đồng lao động do hết hạn hợp đồng và không phải là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Câu 3: Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội

Khoản 1,2,3 Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Xử lý tình huống:

Hợp đồng lao động của chị Chị A là 24 tháng (thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 ở trên) như vậy, chị thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Câu 4: Mức hưởng chế độ thai sản

Khoản 1, Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức hưởng chế độ thai sản, như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

 

Xử lý tình huống:

Theo quy định tại điểm a ở trên thì mức hưởng chế độ thai sản của chị A được tính như sau:

 

(6.500.000 đồng x 4 tháng) + (5.000.000 đồng x 2 tháng)

=

6.000.000đ

6 tháng

 

Mức hưởng chế độ thai sản của chị A là 6.000.000 đồng/tháng.

 

Câu 5: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn

Điều 10, Luật Công đoàn quy định quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, như sau:

1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.

3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.

4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.

6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.

7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.

9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.

10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

Xử lý tình huống:

+ Tại khoản 5 Điều 152 Bộ luật Lao động quy định:

Người lao động sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp sếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.

+ Tại Khoản 8, Điều 10 Luật Công đoàn quy định:

Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện tại toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.

+ Tại Điều 188 Bộ luật Lao động quy đinh:

 1. Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này; tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật về lao động, pháp luật về công đoàn cho người lao động.

3. Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm như quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức công đoàn các cấp tham gia với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và tổ chức đại diện người sử dụng lao động để trao đổi, giải quyết các vấn đề về lao động.

+Theo quy định tại khoản 2 điều 162 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định:

“Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động do pháp luật quy định”

Như vậy, đối chiếu với các quy định ở trên thì việc khởi kiện của Liên đoàn Lao động huyện A là đúng.

 

Câu 6: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn

Điều 22, Luật Công đoàn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn, như sau:

1. Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.

2. Tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

3. Phối hợp với công đoàn cùng cấp xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động.

4. Thừa nhận và tạo điều kiện để công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

5. Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị.

6. Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ cơ sở.

7. Lấy ý kiến của công đoàn cùng cấp trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

8. Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động.

9. Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và đóng kinh phí công đoàn theo quy định.

Xử lý tình huống:

+ Tại điểm a khoản 1 Điều 71 Bộ Luật Lao động quy định:

Trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể ít nhất 10 ngày, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi tập thể lao động yêu cầu trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động.

+ Mục 5 điều 22 Luật Công đoàn quy định:

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn: “Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị”;

+ Mục a điều 4 Nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định:

Quyền của công đoàn trong việc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể có quyền và trách nhiệm: “Thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.

- Như vậy, việc làm trên của giám đốc công ty là sai và đã vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Công đoàn “cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn”.

- Nếu là Chủ tịch công đoàn công ty tôi sẽ gặp giám đốc công ty trao đổi về quyết định trên (dẫn chứng các điều khoản pháp luật về quyền công đoàn trong vấn đề này) và đề nghị giám đốc yêu cầu các phòng nghiệp vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của công đoàn. Đồng thời phân tích để giám đốc công ty thấy việc cung cấp thông tin đầy đủ cho công đoàn chỉ có lợi: Tạo mối quan hệ tốt giữa công đoàn với lãnh đạo công ty và hơn hết khi có thông tin đầy đủ, chính xác sẽ giúp xây dựng được một bản thoả ước lao động tập thể tốt, có lợi cho cả công ty và người lao động.

 

 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục