(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND xã Yên Quang (Kỳ Sơn), tỷ lệ người dân trên địa bàn xã tham gia BHYT chiếm 40% dân số, thấp nhất huyện. Đáng lưu ý, tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh chỉ đạt gần 3%, người cao tuổi 9,4%, hộ gia đình 18%, CCB 33%... Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 1/6/2017, Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế về "tăng giá viện phí đối với những người không tham gia mua thẻ BHYT trong các cơ sở của Nhà nước” có hiệu lực. Chi phí nằm viện sẽ vô cùng nặng nề đối với các bệnh nhân không có BHYT nói chung, người dân xã Yên Quang nói riêng.


Người dân xã Yên Quang (Kỳ Sơn) được tư vấn về quyền và lợi ích khi tham gia BHYT.

 Xóm Mùn 6 là điểm đầu tiên chúng tôi khảo sát. Đồng chí Đinh Thị Hiền, Bí thư chi bộ xóm Mùn 6 cho biết: "Xóm có 75 hộ với 345 nhân khẩu nhưng chỉ có khoảng 50- 60 người dân tự nguyện tham gia BHYT. Hiện nay, trên 70% người dân trong xóm không đến các cơ sở y tế của huyện Kỳ Sơn và tỉnh để khám, chữa bệnh. Thay vào đó, người dân chấp nhận bỏ tiền để được khám, chữa bệnh trái tuyến tại Bệnh viện Quân Y (Sơn Tây) và các cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội”.

Thực tế này không chỉ diễn ra tại xóm Mùn 6 mà ở 7 xóm còn lại, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đều rất thấp. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 5/2017, xã Yên Quang có 990 hộ với 4.260 nhân khẩu nhưng chỉ có 1.713 người tham gia BHYT, đạt 40,2%. Đáng lưu ý là ngoài nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật thì chỉ có nhóm cán bộ, công chức, người lao động trong các doanh nghiệp là tham gia BHYT với tỷ lệ cao. Cụ thể, có 1.023 người (chiếm 24% dân số) tham gia BHYT do được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong khi nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình chỉ có 180 hộ, chiếm tỷ lệ 4,2%.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Quang cho biết: "Trước năm 2014, Yên Quang thuộc vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ BHYT. Sau này khi không được hỗ trợ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT sụt giảm hẳn. Năm 2016, toàn xã có gần 36% người dân tham gia BHYT. Sau khi chính quyền kiên trì tuyên truyền, vận động, năm 2017, tỷ lệ người dân tham gia BHYT mới tăng thêm hơn 4%. Tuy nhiên vẫn ở mức thấp nhất huyện”.

Theo quy định hiện hành, người thứ nhất trong gia đình tham gia BHYT phải đóng 702.000 đồng /người/năm và nếu gia đình 4 người sẽ phải bỏ ra 1.967.000 đồng/năm để tham gia BHYT. So với mặt bằng kinh tế chung của huyện Kỳ Sơn thì Yên Quang còn khá nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 13%. Do đó, khi chưa thấy cần thiết, hộ gia đình sẽ không bỏ ra gần 2 triệu đồng để tham gia BHYT. Đó chính là lý do đầu tiên khiến người dân Yên Quang ít tham gia BHYT.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Bên cạnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tâm lý tiếc tiền còn có một lý do khiến người dân không mặn mà tham gia BHYT là vì chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ của Trung tâm Y tế huyện cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi đã tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh, phàn nàn của người dân về thái độ cáu gắt, không tận tình của y, bác sỹ ở một số khoa, phòng của Bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện xuống cấp, chật chội, thiếu giường nằm… Trong khi đó, Yên Quang giáp ranh với Thủ đô Hà Nội. Cùng quãng đường khoảng 30 km đi lên Bệnh viện tỉnh thì người dân thường lựa chọn Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây) và các cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội để khám, chữa bệnh. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến người dân xã Yên Quang thờ ơ với việc tham gia BHYT để được miễn, giảm chí phí khám bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Người dân chọn giải pháp không ra tham gia BHYT mà khi nào ốm đau sẽ về Hà Nội điều trị, chấp nhận trả chi phí. Chính quyền rất trăn trở với thực trạng này”.

Đặc biệt, từ ngày 1/6/2017 khi Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế về "tăng giá viện phí đối với những người không tham gia mua thẻ BHYT trong các cơ sở của Nhà nước” có hiệu lực thì việc khám, chữa bệnh sẽ là gánh nặng với người dân không tham gia BHYT.

Trước thực tế này, Yên Quang quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thẻ BHYT khi xảy ra đau ốm. Mỗi cán bộ, đảng viên làm gương mua BHYT và vận động người thân trong gia đình tham gia. Tăng cường thu BHYT tại hai trường học đạt 100%. Phối hợp với BHXH huyện mở điểm bán BHYT tại các thôn, xóm để người dân dễ tiếp cận tìm hiểu và tham gia BHYT.

Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng có kiến nghị: Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Đổi mới phong cách, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Đào tạo đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đầu tư trang thiết bị máy móc tiên tiến phục vụ khám, chữa bệnh. Qua đó góp phần nâng cao số người tham gia BHYT, củng cố niềm tin của người dân.

 

Người không mua BHYT sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh vì từ ngày 1/6/2017, 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, mức tăng chủ yếu ở khoảng 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi. Có một số dịch vụ sẽ tăng mạnh như: nội soi thực quản dạ dày, tá tràng, có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng, nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng lên 793.000, giường bệnh điều trị hồi sức tích cực 677.000 đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu 362.000 đồng/ngày, chụp PET/CT 20 triệu đồng… Bệnh nhân có BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả 100% chi phí khám và điều trị.

 

                                                                              Đức Anh

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục