Chiến dịch truyền thông sôi động
Những ngày tháng 4, đi trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn có thể đếm được hàng trăm tấm băng rôn, khẩu hiệu đậm hình, rõ chữ với chủ đề hưởng ứng tháng ATTP. Theo nhận định của đồng chí Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, ủy viên thư ký BCĐ ATTP tỉnh: Hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì ATTP năm nay được đẩy mạnh. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng hơn so với năm trước. Trong chiến dịch truyền thông đã tổ chức được 11 buổi tập huấn với 457 người tham gia, tăng 73% so với năm trước; tổ chức 30 hội thảo với 938 người tham dự (điểm mới so với năm trước); tổ chức 377 buổi nói chuyện với 10.043 người tham gia, tăng 14% so với năm trước. Về sản phẩm truyền thông đã treo 366 băng rôn, khẩu hiệu, giảm 11% so với năm trước; xây dựng 5 tờ tranh, áp phích (điểm mới so với năm trước); phát 4.274 tờ rơi (điểm mới so với năm trước); cấp phát 39 băng đĩa hình và 613 băng đĩa âm (số lượng tăng gấp nhiều lần so với năm trước).
Lợn hơi mất giá, người dân tự giết mổ, bày bán thịt ở khắp mọi nơi gây khó khăn cho công tác kiểm nghiệm ATTP. ảnh chụp tại tuyến đường ven chợ Nghĩa Phương - TP Hòa Bình, nơi trước đây chỉ để bán rau quả.
Hình thức tuyên truyền chủ yếu ở cấp huyện, thành phố là qua hệ thống loa phát thanh. Riêng huyện Yên Thủy tổ chức xe lưu động để tuyên truyền. Cấp xã truyền thông chủ yếu trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn và lồng ghép các hoạt động treo băng zôn, nói chuyện…
Công tác kiểm tra, kiểm nghiệm được tăng cường
Theo Kế hoạch số 26 của BCĐ ATTP tỉnh về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2017, trong khuôn khổ tháng hành động đã tổ chức được 224 đoàn kiểm tra về ATTP, trong đó có 3 đoàn liên ngành tuyến tỉnh, 14 đoàn tuyến huyện và 207 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn. 100% huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra 410 cơ sở, phát hiện 124 cơ sở vi phạm điều kiện ATTP. Các đoàn kiểm tra đã cảnh cáo 27 cơ sở, nhắc nhở 17 cơ sở, phạt tiền 80 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 100 triệu đồng. 11/11 huyện, thành phố đã sử dụng test nhanh trong kiểm tra các loại thực phẩm như: rượu các loại, bún, phở, bánh cuốn, tương ớt, rau các loại, giấm, dầu ăn, nước tăng lực, thịt các loại, dưa muối, giò, chả thịt lợn, măng ngâm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bát đĩa, thìa, muôi. Các huyện, thành phố đã test được 404 mẫu, tăng 77 mẫu so với tháng hành động năm trước. ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có 1 BCĐ ATTP (xã Hang Kia, huyện Mai Châu) đã mạnh tay xử lý 3 cơ sở vi phạm với số tiền phạt gần 1,2 triệu đồng.
Những tồn tại đáng lưu tâm
Chiến dịch truyền thông sôi động, công tác kiểm tra, kiểm nghiệm được tăng cường, đó là điểm nổi bật trong Tháng hành động vì ATTP năm 2017. Tuy nhiên, soi rọi vào quá trình thực hiện từ cấp tỉnh tới cơ sở còn không ít tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế này được Chi cục ATVSTP tỉnh - cơ quan thường trực BCĐ ATTP tỉnh thống kê cụ thể: Việc phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2017 trên địa bàn khá sôi nổi. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 vẫn còn 81,8% huyện, thành phố chưa tổ chức tổng kết tháng hành động để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm. Ngay trong công tác truyền thông, một số huyện chưa thực sự chủ động (trong đó, huyện Mai Châu chưa thực hiện in, sao băng, đĩa tiếng cho các xã, thị trấn và cũng chưa chỉ đạo các xã treo băng rôn, khẩu hiệu theo chủ đề tháng hành động). Một số xã có triển khai, thực hiện việc truyền thông tháng hành động nhưng không đúng chủ đề của năm 2017 (do không được phát tài liệu, phải sử dụng băng, đĩa và khẩu hiệu của năm 2016). 14/210 xã, phường, thị trấn không tổ chức lễ phát động hoặc hội nghị triển khai tháng hành động, có 10 xã thuộc huyện Đà Bắc. Một số xã triển khai tháng hành động chậm so với kế hoạch của BCĐ tỉnh, cụ thể là các xã: Dân Chủ (TP Hòa Bình), Dũng Phong (Cao Phong), thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) và 2 xã Tân Thành, Trung Sơn (Lương Sơn).
Trong công tác kiểm tra, đoàn liên ngành tỉnh do Sở Công Thương chủ trì kiểm tra cơ sở SX-KD thực phẩm còn thấp (trong tháng hành động kiểm tra được 7 cơ sở). Quá trình kiểm tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm về quy định bảo đảm ATTP, song hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở (476 cơ sở, chiếm 99,4%). Trong khi số cơ sở bị xử lý vi phạm lại quá ít (3/479 vi phạm, chiếm 0,6%), do vậy không tạo được sự răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Ngay trong Tháng hành động vì ATTP còn xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 36 người mắc, trong đó 27 người phải nhập viện.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ BCĐ ATTP tỉnh, Tháng hành động vì ATTP năm 2017 đã được triển khai khá rầm rộ, tuy nhiên chưa thực sự đồng bộ, đồng tốc, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã. Nhìn thẳng vấn đề, làm rõ những tồn tại, hạn chế là việc làm cần thiết để tăng cường việc đảm bảo ATTP vì chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP.
Thúy Hằng