Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn tăng cường công tác truyền thông, thăm khám sức khỏe trẻ em thời điểm giao mùa.
Không chỉ có con anh Hùng, lớp học của con anh cũng có nhiều cháu bị ho và sổ mũi kéo dài. Có cháu phải nghỉ học cả tuần, điều trị dai dẳng nhưng không đỡ.
Bác sĩ Đinh Thị Diệu, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong thời điểm giao mùa, bệnh nhân nhi vào khoa tăng đáng kể. Thời tiết nóng ẩm mùa hè cùng với ô nhiễm môi trường, sự giao lưu đi lại tăng cao là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh đề kháng yếu nên thường bị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Nhiều cháu ho kéo dài. Không chỉ có những bệnh về đường hô hấp, thời điểm giao mùa còn xuất hiện nhiều dịch bệnh như tiêu chảy, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết…
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, tình hình bệnh tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng. Toàn miền Bắc đã ghi nhận hơn 300 trường hợp mắc bệnh tại 26/28 tỉnh, thành phố, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017. Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, Trung tâm đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch. Điều tra, xử lý các ổ dịch theo đúng quy định. Tăng cường thu thập các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định tác nhân gây bệnh. Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống bệnh cho người dân, đặc biệt là các trường mầm non trên địa bàn. Xem xét tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh. Để phòng tránh bệnh giao mùa cần giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, tạo thói quen ngủ màn, tham gia phong trào diệt lăng quăng… để thực hiện tốt phương châm "nhà không lăng quăng thì không bệnh sốt xuất huyết”. Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay, chân, miệng khi trẻ đi lớp về. Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe. Các bà mẹ không để trẻ nằm quạt trực tiếp. Lau lưng, nách, bẹn khi có mồ hôi. Tiêm phòng đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp cơ thể trẻ được bảo vệ tốt nhất.
Việt Lâm