Là huyện người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp nên chó là vật nuôi không thể thiếu đối với nhiều hộ dân huyện Lạc Sơn. Đến nay, tổng đàn chó của huyện khoảng 23 nghìn con. Đồng chí Bùi Văn Diển, Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Lạc Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, chúng tôi xác định muốn phòng được bệnh dại cho người thì phải làm tốt công tác tiêm phòng dại cho đàn chó. Nếu không có chó dại sẽ không có bệnh dại. Hàng năm, ngay từ đầu năm, Trạm Chăn nuôi và thú y tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo tiêm phòng cho chó. Đồng thời ban hành kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng đến các cấp, ban, ngành, đoàn thể. Theo đó, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở có trách nhiệm vào cuộc. UBND huyện phân công rõ trách nhiệm cho cấp, ban, ngành địa phương và coi đây là nhiệm vụ chung chứ không chỉ riêng ngành thú y. Cùng với đó là gắn công tác thi đua giữa ban, ngành và cơ sở. Tại cơ sở thành lập Ban chỉ đạo cấp xã tổ chức chỉ đạo thực hiện. Ngành thú y phân công cán bộ theo dõi xã, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương tổ chức thực hiện việc tiêm phòng như thời gian, xây dựng điểm tiêm tập trung, hợp lý cho người nuôi và cán bộ thú y. Mỗi xã chỉ tổ chức một ngày tiêm phòng và tập trung một vài điểm theo cụm xóm, thuận lợi cho việc đưa chó đến tiêm. Như vậy các hộ gia đình tự giác mang chó đến điểm tiêm quy định. Cán bộ thú y không phải đến các hộ vận động tiêm.
Mặc dù trời mưa nhưng bà con xã Yên Phú (Lạc Sơn) vẫn đưa chó đến điểm tiêm phòng dại.
Trước mỗi đợt tiêm, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ đưa chó đến tiêm phòng, coi đây là trách nhiệm của các hộ chứ không phải trách nhiệm của ngành thú y. Với những hộ cố tình chống đối thì xử lý theo luật quy định. Với những con chó không tiêm được đợt 1 như chó chưa đủ tuổi tiêm phòng, đang ốm hoặc lý do nào khác sẽ tiêm đợt 2 cũng tại các điểm quy định. Do làm tốt công tác tiêm phòng dại cho chó nên nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Lạc Sơn không xảy ra trường hợp có người chết vì chó dại cắn.
Đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Nhiều năm trở lại đây luôn duy trì được tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó trên 98%. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng dại cho đàn chó đến từng xóm, hộ gia đình, xã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng từng thành viên. Khi triển khai, hộ gia đình nào không bắt được chó để tiêm phòng, Ban chỉ đạo kiên quyết xử lý bằng nhiều hình thức. Điều quan trọng nhất trong công tác tiêm phòng là để các hộ thấy rõ trách nhiệm của mình khi nuôi chó là phải đi tiêm phòng dại.
Việt Lâm