(HBĐT) - Ngày 8/12/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 74/2017/NQ-HĐND quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Hòa Bình quản lý. Mức giá này tác động trực tiếp đến những người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.


Cán bộ y tế khám cho bệnh nhi tại trạm y tế xã Yên Thượng, huyện Cao Phong.

Việc điều chỉnh giá lần này được áp dụng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3 /2017 của Bộ Y tế nhằm hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt giá giữa khám, chữa bệnh của người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh. Tại tỉnh ta, việc điều chỉnh được áp dụng kể từ ngày 1/1/2018. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khỏe; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm…

Ví dụ: Khi đi khám tại bệnh viện hạng 1 (tại Hòa Bình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trước là 20.000 đồng/ lần khám bệnh lên 39.000 đồng; hạng 3 (các trung tâm y tế tuyến huyện) là 10.000 đồng/lần khám lên 31.000 đồng; hạng 4/chưa phân hạng (các trạm y tế xã) là 7.000 đồng lên 29.000 đồng/lần khám. Giường bệnh cũng được tăng giá khá cao, như: giường điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng 1 từ 354.000 đồng lên 632.200 đồng/ ngày điều trị. Giường bệnh hồi sức cấp cứu chống độc tại bệnh viện hạng 1 từ 169.000 đồng lên 335.900 đồng/ ngày; tại bệnh viện hạng 3 từ 81.000 đồng lên 245.700 đồng/ngày.

Một số hạng mục dịch vụ được tăng giá khá cao sau đợt điều chỉnh này như: chi phí phẫu thuật, siêu âm, chụp X.quang... (chi phí chụp CT Stcanner 64 dãy đến 128 dãy có thuốc cản quang tăng từ 2.167.000 đồng lên 2.266.000 đồng. Chụp động mạch vành hoặc thông tim chụp buồng tim dưới DSA 5.388.000 đồng lên 5.796.000 đồng. Chi phí rửa phổi toàn bộ tăng từ 6.993.000 đồng lên 7.910.000 đồng).

Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá trung bình khoảng 20 - 30% so với mức giá hiện hành. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có thẻ BHYT phải điều trị nội trú dài ngày và phải can thiệp bằng phẫu thuật, thực hiện các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh, xét nghiệm… bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú.

Mục đích của việc thay đổi này nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ và người không có thẻ BHYT để khuyến khích người dân tham gia BHYT. Đây là chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước. Chuyển chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sang hỗ trợ và dần áp dụng cơ chế tự chủ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân.

Hiện nay, Hòa Bình còn khoảng 4 - 5% dân số chưa tham gia BHYT, đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. Việc tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo bởi các đối tượng này đã được quỹ BHYT chi trả từ 95 - 100% chi phí khám, chữa bệnh, tuỳ theo từng đối tượng thụ hưởng, giảm gánh nặng, lo âu trong quá trình khám, chữa bệnh.

 Thu Hương (Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh) 



Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục