(HBĐT) - Trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sau hơn 14 tháng xảy ra sự cố chạy thận nhân tạo không mong muốn, chúng tôi cảm nhận nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ bởi cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn mà chính là sự thay đổi bên trong, đặc biệt là về hoạt động chuyên môn nhằm hướng tới xây dựng bệnh viện đa khoa hoàn thiện. Từ đầu tháng 7/2018, trung bình mỗi ngày có hơn 700 bệnh nhân đến khám và điều trị (trước đây trung bình có 400 - 500 bệnh nhân/ngày, sau sự cố chạy thận chỉ khoảng 300 bệnh nhân/ngày) cho thấy bệnh viện đang lấy lại được niềm tin của Nhân dân.


Nhân viên Tổ công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trao tiền hỗ trợ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện

Đơn nguyên Thận nhân tạo đã hoạt động ổn định trở lại từ ngày 22/3,. cơ sở vật chất được cải tạo, nâng cấp khang trang, sạch sẽ. Máy lọc và hệ thống nước RO được đầu tư mới, các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ về kỹ thuật. Bộ quy trình chạy thận mới được áp dụng nghiêm ngặt, trách nhiệm từng bộ phận rõ ràng, đảm bảo an toàn. Cùng với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tận tâm đã vượt qua sự khủng hoảng tinh thần sau sự cố tạo được sự tin yêu của người bệnh. Số máy lọc máu của Đơn nguyên đáp ứng điều trị cho 92 bệnh nhân nhưng có đến 150 bệnh nhân đăng ký điều trị. Bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân thân tình như người một nhà.

Bác sĩ CKII Lê Xuân Hoàng, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Sau sự cố, bệnh viện đã quán triệt lại, siết chặt đội ngũ, tăng cường các hoạt động, nhất là hoạt động về chuyên môn. Đến nay, mọi hoạt động của bệnh viện ổn định và phát triển. Hướng tới xây dựng bệnh viện đa khoa hạng I hoàn chỉnh vào năm 2020, trước tiên là xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, bộ mặt của bệnh viện thời gian qua thay đổi rõ rệt. Song vượt lên trên tất cả là hoạt động chuyên môn. Hướng đi của bệnh viện là nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Để đạt được điều đó, bệnh viện tăng cường đào tạo, khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ, tạo môi trường làm việc cởi mở hơn với phương châm "an toàn, thân thiện, hiệu quả”. Trong tổng số gần 700 cán bộ, viên chức, người lao động của bệnh viện có 3 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 9 thạc sĩ, 20 bác sĩ CKII, 49 bác sĩ CK I, 84 bác sĩ. Bệnh viện đã triển khai được 13.061 kỹ thuật, trong đó 11.278 kỹ thuật thuộc tuyến tỉnh, 1.783 kỹ thuật thuộc tuyến trung ương. Nhiều thủ thuật - phẫu thuật của bệnh viện tuyến trung ương được triển khai thực hiện thành công tại tỉnh góp phần giảm chi phí cho Nhân dân.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Diệu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết: "Khoa đã thực hiện thành công, an toàn các kỹ thuật cao như cắt toàn bộ dạ dày, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng… Cùng với nâng cao tay nghề, chúng tôi không ngừng nâng cao y đức, tinh thần thái độ, trách nhiệm với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.” Bệnh viện cũng đã thực hiện được các kỹ thuật cao như: phẫu thuật các khối u não, cắt u đại tràng qua nội soi, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco; thẩm tách siêu lọc máu, thay huyết tương, điều trị ung thư bằng hóa chất. Thực hiện được xét nghiệm sàng lọc gen bệnh thalasemia; sàng lọc sơ sinh xét nghiệm phát hiện bệnh suy giáp bẩm sinh… Từ tháng 6/2018, bệnh viện triển khai Phòng điều trị cho trẻ tự kỷ tại khoa Nhi.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng phương pháp tán sỏi thận qua da.

Cải cách hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân là việc được lãnh đạo bệnh viện quan tâm chỉ đạo. Từ 7 bước, nay quy trình khám cho bệnh nhân giảm còn 6 bước. Nhân viên viên công tác xã hội hỗ trợ, chỉ dẫn tận tình cho mọi người bệnh có nhu cầu. Bên cạnh đó, hoạt động nhân đạo, gúp đỡ bệnh nhân được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện và các tổ chức thiện nguyện đã hỗ trợ bằng tiền và hiện vật, trị giá gần 63 triệu đồng cho 174 bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn; phát 5.200 suất cơm, 2.600 suất cháo cho bệnh nhân, trị giá gần 104 triệu đồng; chia sẻ khó khăn với gần 8.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú.

Ông Nguyễn Văn Cửu, tổ 18, phường Phường Lâm (TP Hòa Bình), người nhà bệnh nhân chia sẻ: "Mấy lần đưa người nhà xuống bệnh viện cấp cứu, tôi thấy các bác sĩ, điều dưỡng làm việc rất nhiệt tình. Bệnh viện có nhiều chuyển biến tốt, từ cảnh quan, vệ sinh đến hoạt động chuyên môn.” Còn bệnh nhân Bùi Văn Mơ, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) nhận xét: "Tôi bị sỏi túi mật, được bác sĩ chỉ định phẫu thuật, với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo, tôi thấy yên tâm, tin tưởng. Sau phẫu thuật, sức khỏe của tôi đã dần ổn định.”

Bên cạnh một số kết quả ban đầu, bệnh viện vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức. Theo Giám đốc Lê Xuân Hoàng: Nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ngày một cao, trong khi BHYT chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản;công tác xã hội hóa, các dịch vụ theo yêu cầu triển khai còn chậm, khó. Thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy mạnh các hoạt động trên nhằm tiếp cận, đáp ứng những nhu cầu lớn hơn của Nhân dân. Tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương, chuyên gia đầu ngành, chuyển giao kỹ thuật. Xây dựng các chính sách, kế hoạch nhằm phối hợp với các chuyên gia đầu ngành một cách bài bản, thường xuyên hơn khi bệnh nhân yêu cầu, tổ chức hội chẩn trực tuyến với chuyên gia đối với các ca bệnh khó. Hợp tác với Bệnh viện Medlatec triển khai trung tâm xét nghiệm kỹ thuật cao tại tỉnh. Khi hoàn thiện, chất lượng xét nghiệm của bệnh viện sẽ ngang bằng với các bệnh viện trung ương. Bệnh viện cũng sẽ triển khai các gói dịch vụ, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu như phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh, khám sức khỏe định kỳ… Được sự hỗ trợ của Dự án ODA mở rộng bệnh viện, Trung tâm Tim mạch và ung bướu đang được hình thành với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Công tác đào tạo được chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên sâu với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước, quốc tế. Với những nỗ lực không ngừng, hy vọng bệnh viện sẽ tạo được niềm tin, đáp ứng được các nhu cầu cao hơn của Nhân dân.

P.V

Các tin khác


Nếu đủ bằng chứng, Việt Nam sẽ loại bỏ thuốc diệt cỏ gây ung thư

Mỗi năm Việt Nam sử dụng tới 30.000 tấn thuốc diệt cỏ có hoạt chất glyphosate (hầu hết do Monsanto cung cấp) đang bị xác định là nguyên nhân gây ung thư. Nếu có bằng chứng rõ ràng, Việt Nam sẽ kiên quyết loại bỏ.

Hội nghị triển khai cung ứng dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS trong tình hình mới

(HBĐT) - Ngày 14/8, Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức Hội nghị triển khai công tác cung ứng dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS trong tình hình mới. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở y tế, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh; Trung tâm y tế và Trung tâm dân số KHHGĐ các huyện, thành phố.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ y tế trong toàn tỉnh đã được thực hiện thường xuyên, liên tục

(HBĐT) - Vừa qua, cử tri huyện Cao Phong có đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Vấn đề này, UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Cả xã náo loạn vì HIV: Xét nghiệm gần 500 người, phát hiện 42 trường hợp

Đã có gần 500 người tại xã Kim Thượng được lấy mẫu xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 42 trường hợp dương tính, nằm trong top các xã có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất nước.

Xác minh thông tin nhiều người nhiễm HIV nghi do dùng chung kim tiêm

Liên quan đến thông tin có người dân tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị nhiễm HIV nghi do sử dụng chung kim tiêm tại một cơ sở y tế tư nhân, Cục phòng chống HIV AIDS, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đã có chỉ đạo bước đầu và sáng mai sẽ có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Phú Thọ để xác minh sự việc này.

Huyện Lạc Sơn: Giải quyết vấn đề sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của UBND huyện Lạc Sơn, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016, toàn huyện có 134 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, 32 trường hợp tảo hôn. Năm 2017 có 118 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, 43 trường hợp tảo hôn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 có 71 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên và 7 trường hợp tảo hôn; tỷ lệ trẻ nam/trẻ nữ là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục