Bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám cho bệnh nhi bị viêm phổi.
Ngày 10/10 là lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản của Trạm y tế xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) cho 10 trẻ trên địa bàn xã nhưng có 2 cháu bị ốm, sốt không đến tiêm được. Tương tự như vậy, ở xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) cũng có 4/16 trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp phải hoãn tiêm vắc xin. Thời tiết giao mùa, cơ thể con người chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thân nhiệt mất ổn định, khả năng đề kháng suy giảm. Do đó, con người dễ mắc bệnh hơn, nhất là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở nhóm đối tượng trẻ em và người già.
Bác sĩ Bùi Văn Nới, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc cho biết: Trung bình, Trung tâm Y tế huyện có 120 - 150 bệnh nhân đến khám/ngày, thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi nhiều trong ngày, số lượng bệnh nhân tăng lên, kể cả trẻ em và người lớn. Trong đó, riêng khoa Nội - nhi - lây chiếm khoảng 50% lượng bệnh nhân đến khám, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp như: cúm, viêm họng, viêm Amidan, viêm phế quản, viêm mũi…
Một số bệnh nhân bị viêm đường hô hấp nặng được chuyển từ Trung tâm Y tế các huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong buổi chiều 11/10, khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 4 bệnh nhi bị viêm phổi nặng đang phải điều trị, trong đó có 2 cháu 1,5 và 2,5 tháng tuổi ở xã Mông Hóa và xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) đã sốt cao 1 tuần chưa dứt, kèm theo ho, nghẹt mũi.
Đồng chí Bùi Thị Sứ, khoa Truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết: Thời điểm giao mùa, bệnh về đường hô hấp có nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, thời điểm tháng 10 và tháng 11 vẫn còn cả nguy cơ bệnh dại, nhiều trường hợp phải đến tiêm vắc xin phòng dại. Bệnh tay-chân-miệng đỉnh dịch vào tháng 10 hàng năm. Bệnh viêm não Nhật Bản trong quý III/2018 tăng nhanh, trong khi đường lây truyền phức tạp và ghi nhận ở nhiều lứa tuổi. Tính đến ngày 10/10, toàn tỉnh ghi nhận 67 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng và liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, 11 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản và viêm não do mô cầu. Trong 9 tháng năm 2018, tỉnh đã ghi nhận gần 6.000 ca mắc cúm, 290 ca mắc bệnh quai bị, 437 ca mắc bệnh thủy đậu, 2.436 ca tiêu chảy, 9 ca mắc sốt xuất huyết…
Theo Trung tâm YTDP tỉnh, dự báo trong thời gian tới khí hậu chuyển sang mùa đông khô, lạnh, các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp sẽ có nguy cơ tăng cao (cúm, sởi, quai bị…), đặc biệt ở nhóm đối tượng sức đề kháng yếu. Trung tâm YTDP tỉnh và hệ thống YTDP các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm chung, bệnh tay-chân-miệng. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh dại, viêm não. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng bệnh mùa đông - xuân.
Để phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, hệ thống YTDP trong tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tìm các tác nhân gây bệnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng, tránh bệnh. Tăng cường sức đề kháng bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh; ăn đủ dinh dưỡng, uống đủ nước; sinh hoạt điều độ, luyện tập TDTT rèn luyện sức khỏe; giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, các vật dụng tiếp xúc với miệng như bát, đũa, cốc bằng nước rửa chén. Trẻ em khi ra đường nên mang khẩu trang nhằm tránh khói bụi, mầm bệnh. Nếu có dấu hiệu bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Cẩm Lệ