(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, nước ta có 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (tương đương hơn 1 triệu cặp) gặp phải các vấn đề vô sinh hiếm muộn và có nhu cầu điều trị.


Bác sỹ Bệnh viện 19 - 8 (Bộ Công an) khám, tư vấn cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trên địa bàn TP Hòa Bình.

Ngay tại TP Hòa Bình, chỉ trong vòng 2 ngày và được tổ chức ở quy mô nhỏ nhưng Trung tâm hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện 19 - 8 Bộ Công an) đã tiếp nhận và khám, tư vấn miễn phí cho hơn 150 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chủ yếu trên địa bàn TP Hòa Bình. Những con số "biết nói” này đã phần nào phản ánh về thực tế tình trạng vô sinh hiếm muộn. Điều đáng nói là hiện nay BHYT không chi trả cho các chi phí hỗ trợ sinh sản tốn kém từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, hành trình tìm con của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn vốn đã thấm đẫm tủi hờn lại càng thêm gian nan, khó nhọc.

Tủi hờn nước mắt

Chị gái ruột đã bị chồng và gia đình người chồng đầu tiên chửi bới, đánh đập, rồi đuổi ra khỏi nhà sau 4 năm về làm dâu mà không sinh được con. Chứng kiến những cay đắng, tủi hờn đến cùng cực của chị nên cô gái trẻ Lò Thị Tâm (SN 1991, trú tại xóm Thượng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc) không khỏi nghẹn ngào nghĩ đến tương lai của mình khi đã kết hôn hơn 4 năm mà chưa được làm mẹ. Nhưng thật may mắn cho Tâm luôn bên cạnh em là người chồng Lường Văn Tuấn và gia đình nhà chồng hết lòng yêu thương, động viên, cùng em rong ruổi hết nhà các ông, bà lang cho đến Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Bưu điện… để chữa chạy. Từng đồng tiền đi làm thuê của chồng; con gà, tạ thóc người vợ làm được đều chắt chiu, dồn cả vào cho "hành trình” tìm kiếm mụn con.

Trò chuyện với chúng tôi, Lường Văn Tuấn nghẹn ngào: Em là con trai cả và cũng là con trai duy nhất của gia đình. Em rất muốn có con, không phân biệt gái trai, chỉ miễn có con là quý lắm rồi, đó cũng như một trách nhiệm đối với gia đình, bố mẹ. Lấy vợ mấy năm mà chưa có con, mọi người, bạn bè chê bai, trêu đùa nhiều, em tủi thân lắm. Làm được bao nhiêu tiền, hai vợ chồng lại đưa nhau về Hà Nội chữa bệnh, không thành công thì lại quay về, đi làm kiếm tiền, tiết kiệm đến khi nào đủ tiền thì lại đi. Vợ chồng em đã 3 lần khám và điều trị tại Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Bưu điện, hết hơn 30 triệu đồng nhưng vẫn chưa có con. Thất bại nhiều lần nhưng em vẫn nuôi hy vọng, khó khăn lớn nhất là không có tiền để trang trải chi phí điều trị.

Nỗi buồn tủi của vợ chồng Tuấn – Tâm cũng là cảm xúc mà phóng viên đã ghi nhận được khi trò chuyện với nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Sau mỗi lần thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản thất bại, họ dường như đã gục ngã. Nhưng khát vọng có con lại tiếp tục thắp lên hy vọng. Chị Khuất Thị Thu Trang (SN 1979, trú tại tổ 6, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) chia sẻ: Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 15 năm, đã chạy chữa rất nhiều nơi bằng thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây. Vợ chồng tôi đã làm IVF 2 lần, mỗi lần mất 70 - 80 triệu đồng nhưng vẫn chưa thành công. Hai vợ chồng ở nhà làm may, thu nhập không ổn định, làm được bao nhiêu tiền đều dồn để đi khám, chữa bệnh. Trong suốt 15 năm qua, rất nhiều lần vợ chồng tôi chán nản, tuyệt vọng. Có con là khát vọng lớn nhất nên chúng tôi vẫn cố gắng, tiếp tục làm lụng, tích cóp tiền để chạy chữa.

Mỗi cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đượm buồn, thậm chí như bế tắc. Giọt nước mắt đắng cay của cô gái N.M.H (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) làm chúng tôi mãi ám ảnh và xót xa. Trò chuyện với chúng tôi, cô nghẹn ngào kể: Người chồng đầu tiên và gia đình chồng cứ cho rằng việc không có con là lỗi do em, trong khi chồng em không một lần chịu đi khám để biết chính xác lý do việc hai vợ chồng chưa có con là do đâu. Bắt con gà ra thịt, mẹ chồng còn nói "Không đẻ được thì chỉ có bỏ đi”. Em tủi thân quá vì không có con nên vợ chồng ngày càng mâu thuẫn đã dẫn đến ly hôn. Giờ em muốn bắt đầu một cuộc sống mới nhưng rất e ngại, em sợ những chuyện như trong quá khứ lặp lại.

Bảo hiểm y tế - hy vọng cho bệnh nhân vô sinh hiếm muộn

Sau 2 ngày khám, tư vấn cho hơn 150 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trên địa bàn TP Hòa Bình, bác sỹ Khổng Thị Vân, khoa Sản – KHHGĐ, Bệnh viện 19/8 cho biết: Kết quả khám sàng lọc sơ bộ cho thấy tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trên địa bàn TP Hòa Bình khá nhiều. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng kết hôn 10 - 15 năm vẫn chưa có con nhưng chủ yếu mới tìm đến thuốc nam, thuốc bắc…nên đã bỏ qua "giai đoạn vàng” để có thể có con. Tỷ lệ các cặp vợ chồng đi khám, điều trị tại các bệnh viện uy tín chưa nhiều. Cần phải nghĩ đến việc khám, điều trị vô sinh hiếm muộn khi một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, sau 1 năm chung sống, không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai. Đối với người vợ trên 35 tuổi thì quy định thời gian là 6 tháng, trường hợp có nguyên nhân rõ ràng thì thời gian không đặt ra. Hiện nay, y học rất phát triển, các cặp vợ chồng nên đến khám và điều trị ở các bệnh viện chuyên ngành, uy tín để có được kết quả như mong đợi.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ bệnh nhân vô sinh hiếm muộn của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng chủ yếu hy vọng chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc…Chỉ các gia đình có điều kiện mới thực hiện được các biện pháp hỗ trợ sinh sản (thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm…) do chi phí tốn kém, BHYT không chi trả. Đau đớn về thể xác, chi phí tốn kém, áp lực từ gia đình và xã hội, tất cả đè nặng lên nỗi buồn của những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngô Thị Hằng tổ 18, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình trăn trở: Bản thân tôi từng trải qua nên biết rằng việc điều trị vô sinh hiếm muộn rất tốn kém, đau đớn, mệt mỏi. Nhiều gia đình phải vay mượn, khánh kiệt vì chạy chữa khắp nơi mong có con. Đặc biệt, chi phí điều trị tại các bệnh viên uy tín hiện nay khá cao nên nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muốn đã bị "lạc” vào "mê cung” các phòng khám, điều trị vô sinh hiếm muộn rồi tiền mất, tật mang, chuốc thêm tuyệt vọng. Trước thực tế đó, từ đầu năm 2018, tôi và những người bạn trong Hội vô sinh hiếm muộn TP Hòa Bình đồng loạt gửi những bức tâm thư lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam cùng nhiều cơ quan về chính sách xã hội trong cả nước với mong muốn, khát khao được sẻ chia, giúp đỡ.

Ngày 18/7/2018, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời về chế độ, chính sách BHYT đối với bệnh vô sinh hiếm muộn. Trong đó nêu rõ: Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ngành khảo sát, đánh gia thực trạng các trường hợp bị bệnh vô sinh hiếm muộn cần sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh khi sửa Luật BHYT vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, công bằng và bảo đảm cân đối quỹ BHYT”.

Mặc dù con đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng những kết quả ban đầu mà nhóm chị Hằng đạt được một lần nữa thắp lên hy vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Hy vọng một ngày không xa, BHYT sẽ là cứu cánh nhân văn, nhân đạo cùng họ sẻ chia những đắng cay, mệt mỏi và tủi hờn trên hành trình tìm con đầy gian nan và nước mắt.


                                                                           Dương Liễu



Các tin khác


Nợ các loại hình bảo hiểm hơn 114 tỷ đồng

(HBĐT) - Tính đến hết tháng 9/2018, số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh hơn 114 tỷ đồng, chiếm 6,4% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. So với tháng 8/2018 giảm 67 tỷ đồng và tăng hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Tổ chức tập huấn, truyền thông, tư vấn công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS

(HBĐT) - Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngày 12.10.2018 LĐLĐ tỉnh Hòa Bình phối hợp với Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn truyền thông, tư vấn những kiến thức cơ bản về công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình – Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 50 CNLĐ đại diện cho các công đoàn khu công nghiệp Lương Sơn thuộc Công đoàn các khu công nghiệp Hòa Bình. 

Toàn tỉnh xảy ra 93 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được tỉnh quan tâm. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng lưu thông trên thị trường. Công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm đến nhân dân được các cấp, các ngành đẩy mạnh.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu

(HBĐT) - Hiện nay là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như tay - chân - miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết… Hơn nữa, học sinh vào năm học mới, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học rất lớn nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch.

Quyền và nghĩa vụ của người bệnh có thẻ BHYT đang điều trị nhưng hết hạn sử dụng

(HBĐT) - Để tạo điều kiện thuận lợi trong khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đối với trường hợp người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám - chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng quy định tại khoản 2, điều 11, Nghị định số 105/2014/ NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Đồng thời đảm bảo nghĩa vụ của người tham gia BHYT là đóng BHYT đầy đủ, đúng thời hạn.

Các tỉnh phía nam ghi nhận hơn 77% số ca mắc tay chân miệng

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc tay chân miệng trên cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Số mắc năm 2018 chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền nam với 47.955 trường hợp, chiếm 77,6%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục