|
Cán bộ Trạm Y tế xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) tuyên truyền sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhân dân trong xã. Kết quả này theo đồng chí Nguyễn Thị Nhàn, Phó Khoa Y tế cộng đồng - ATTP, Trung tâm Y tế huyện là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện tới cơ sở, sự vào cuộc của các đoàn thể và một số dự án hỗ trợ. Hội Phụ nữ huyện có mô hình tổ góp vốn quay vòng xây NTHVS, Đoàn Thanh niên có mô hình giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn xây NTHVS... Trên thực tế, cũng giống tình hình chung trong tỉnh, hầu hết các hộ dân ở vùng nông thôn ở huyện Kỳ Sơn đều chăn nuôi tại nhà. Nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt chủ yếu lấy từ giếng đào, giếng khoan nông và nguồn nước tự nhiên từ các khe đồi chưa qua xử lý nên dễ bị ô nhiễm, nhất là từ chuồng gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh. Các chất thải, nước thải của hộ ở phía trên dễ làm ô nhiễm nguồn nước cho hộ ở phía dưới. Tuy nhiên, nhận thức của người dân chưa đồng đều. Thói quen, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc xây dựng, sử dụng, bảo quản NTHVS chưa cao. Một số nhà tiêu hai ngăn, nhà tiêu chìm thông hơi đã xuống cấp. Nhiều người dân chưa có thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng. Ngay cả tại một số trường học trên địa bàn huyện, tỷ lệ học sinh/nhà tiêu chưa đạt, chưa có xét nghiệm nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh. Thay đổi hành vi để thực hiện vệ sinh toàn xã là mục tiêu của chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn” dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới triển khai tại tỉnh ta từ năm 2018 - 2020. Huyện Kỳ Sơn có 5 xã thực hiện chương trình là: Dân Hạ, Mông Hóa, Dân Hòa, Phú Minh, Yên Quang. Năm xã có 47 xóm, 4.763 hộ và 20.407 người dân. Theo Trung tâm Y tế huyện, tính đến quý III/2018, số hộ sử dụng NTHVS tại các xã từ 77,75 - 83,22%. Thực hiện mục tiêu nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn sử dụng NTHVS, rửa tay với xà phòng bằng loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, tổng vệ sinh... Tiến hành giám sát hỗ trợ các trường học trên địa bàn, hướng dẫn các hoạt động vệ sinh môi trường, y tế học đường. Tham gia Chương trình "Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh nông thôn”, các cấp chính quyền huyện chủ động, tích cực vào cuộc. Trong tháng 12/2018, hội nghị triển khai toàn huyện đã được tổ chức, sau đó 5 lớp tập huấn đã được mở tại 5 xã. Theo kế hoạch, hộ nghèo và cận nghèo tại 5 xã được hỗ trợ xây NTHVS, trong đó hộ nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng, hộ cận nghèo 500.000 đồng. Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi đã được cụ thể hóa cho cấp huyện, xã, xóm và tại các trường học. Cụ thể như: Xây dựng văn bản cam kết của lãnh đạo xã thực hiện chương trình đạt vệ sinh toàn xã. Lập bản đồ vệ sinh các xóm. Tổ chức các sự kiện truyền thông về vệ sinh, đẩy mạnh phong trào thi đua thúc đẩy vệ sinh giữa các xóm… Trong đó, nhấn mạnh sự hỗ trợ cần thiết của các cấp lãnh đạo để thúc đẩy vệ sinh nông thôn. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để chạm tới trái tim, chứ không dừng ở cái đầu. Qua đó giúp người dân thay đổi hành vi, đồng sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu vệ sinh toàn xã. Cẩm Lệ |