(HBĐT) - Đến thời điểm này, huyện Lương Sơn cũng như tỉnh Hòa Bình chưa ghi nhận trường hợp bị viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) gây ra. Tuy nhiên, trên thế giới dịch bệnh diễn ra rất phức tạp, ngày càng lan rộng ra các nước bên ngoài Trung Quốc. Ở tỉnh ta, huyện Lương Sơn đã sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch ở cả 4 cấp độ dịch bệnh.
Huyện Lương Sơn đã phun khử trùng tại các điểm tập trung đông người trên địa bàn huyện.
Tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được huyện quan tâm triển khai để phòng, chống dịch. Đến nay, đã có 22 tin, bài về phòng chống dịch Covid-19 phát trên hệ thống phát thanh huyện; xây dựng 3 chương trình truyền thông cho các xã, thị trấn phát trên loa truyền thanh ngày 3 lần phủ thông tin toàn huyện; treo 15 pa nô và 5 khẩu hiệu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các nơi công cộng. Các xã, thị trấn in, cấp phát tờ rơi đến từng hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Để chủ động cho công tác phòng, chống dịch ở 4 cấp độ: từ khi chưa có ca bệnh xác định, dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện, dịch bệnh lây lan từ 20 - 50 người trong cộng đồng cho đến dịch lây lan từ 50 người trở lên, huyện đã chuẩn bị trang thiết bị, máy móc, vật tư. Toàn huyện hiện có 1 máy thở, 1 máy X-quang di động, 3 bơm tiêm điện, 1 máy truyền dịch, 2 máy hút dịch liên tục áp lực thấp. Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, huyện đề xuất mua bổ sung máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy tạo oxy, bộ đèn đặt nội khí quản; bổ sung dự phòng hơn 5.000 bộ quần áo chống dịch dùng 1 lần, hơn 5.000 khẩu trang ngoại khoa, 252 chai dung dịch vệ sinh tay chứa cồn cùng hộp đựng mẫu bệnh phẩm, ống đựng bệnh phẩm.
Từ đầu tháng 2 đến nay, thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, Ban chỉ đạo huyện phối hợp với Trung tâm Y tế, Đoàn Thanh niên huyện phun khử trùng 180 điểm (là các cơ quan, trường học, những nơi tập trung đông người, các điểm công cộng trên địa bàn huyện). Tổng số hóa chất đã sử dụng gần 900 kg.
Xác định được những nguy cơ tiềm ẩn do địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp lại giáp ranh với Thủ đô Hà Nội nên công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được huyện triển khai nghiêm ngặt theo từng cấp độ. Hiện nay, khi chưa có ca bệnh xác định (cấp độ 1), huyện tập trung thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch theo hướng tăng cường truyền thông, giám sát, phát hiện tại các địa phương, đơn vị; kịp thời báo cáo về tình hình dịch bệnh, tổ chức thực hiện theo văn bản chỉ đạo các cấp. Thiết lập, duy trì các đội phản ứng nhanh với dịch bệnh. Đảm bảo có sẵn quy trình phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế và trang phục phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, các trang thiết bị thiết yếu.
Đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tuy trên địa bàn huyện chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19 nhưng huyện đã chủ động phòng, chống dịch. Giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm đường hô hấp, lưu ý khai thác tiểu sử bệnh nhân đi từ những khu vực đang ghi nhận có dịch; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc và xây dựng phương án tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra hoặc trong trường hợp diễn biến phức tạp, khó lường, bổ sung đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu. Hiện, huyện đã bố trí 150 giường bệnh để cách ly riêng tại Trung tâm Y tế huyện và Phòng khám Đa khoa khu vực 21.
Dương Liễu
(HBĐT) - Cách đây 65 năm, Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế với lời dặn: "Cán bộ và nhân viên ngành y phải thật thà, đoàn kết, thương yêu người bệnh, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Bác, 65 năm qua, ngành Y tế Hòa Bình đã nỗ lực vượt bậc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.
(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, tính đến tháng 2, toàn tỉnh có 1.176 cơ sở thức ăn đường phố. Việc kinh doanh thức ăn đường phố hầu hết là nhỏ lẻ, thời vụ, không có giấy phép kinh doanh; một số cửa hàng kinh doanh mang tính chất lưu động, không có địa điểm cố định; điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng được các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP)… Nhiều khó khăn, trở ngại đặt ra, khiến việc quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố chưa thực sự hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất mất vệ sinh ATTP.
Theo số liệu cập nhật của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến hết ngày 23/2, đã có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc.
Sau bốn năm bị mất bàn tay do tai nạn lao động, một nam bệnh nhân 31 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ghép chi thể từ người cho sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
(HBĐT) - Đẩy mạnh tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên, tặng khẩu trang y tế, tham gia phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch là những hành động thiết thực của tuổi trẻ huyện Tân Lạc trong việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19.