Lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tác giả bài viết, một người Pháp sống ở Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm trước, đang tiến hành các biện pháp đơn giản song triệt để nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.
Bài viết điểm lại những biện pháp Việt Nam đã thực hiện như cách ly và điều trị người mắc COVID-19 tại các bệnh viện được chỉ định, xét nghiệm và xác định những trường hợp có nguy cơ, sau đó cách ly 14 ngày trong các doanh trại quân đội hoặc cơ sở của nhà nước. Đối với những người dân khác, mọi người được khuyến khích ở nhà.
Tác giả bài viết đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ. Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh.
Bài báo nêu rõ Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, song đã quản lý đại dịch COVID-19 rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tác giả bài viết cho rằng "chính quyền đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một".
Trong khi đó, đài BBC dẫn nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Jonathan London - một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ, cho rằng "Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc" đối với đại dịch COVID-19.