Rửa tay thường xuyên tại nhà và nơi công cộng là biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất. Ảnh: Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2020 tại TP Hòa Bình.
Về dịch bệnh chân tay miệng (TCM), trong tháng 10, ghi nhận 38 ca, trong đó, TP Hòa Bình 15 ca, huyện Cao Phong 4, Kim Bôi 3, Lạc Thủy 9, Lương Sơn 4, Tân Lạc 2, Yên Thủy 1 ca. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 234 ca mắc TCM. Về ổ dịch, trong tháng 10 ghi nhận 2 ổ dịch tại huyện Lạc Thủy và 1 ổ dịch ở TP Hòa Bình. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 11 ổ dịch.
Trao đổi với chúng tôi về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hòa Bình cho biết: Theo ghi nhận qua hệ thống giám sát của Trung tâm Y tế thành phố, từ ngày 1/9 - 15/10, ghi nhận 5 ca mắc/nghi SXH tại 5/19 xã, phường. Trong đó, phường Thịnh Lang 1 ca, xã Mông Hóa 2 ca, phường Tân Thịnh 1 ca và phường Hữu Nghị 1 ca. Hiện tại, 3 trường hợp đã khỏi bệnh là 1 ca ở phường Thịnh Lang, 2 ca ở xã Mông Hóa. Còn 2 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chưa có trường hợp tử vong do SXH. Trung tâm Y tế thành phố đã giám sát véc tơ và xử lý phun hóa chất diệt muỗi 3 ổ dịch. Còn 2 ổ dịch mới phát hiện tại tổ 14, phường Tân Thịnh và tổ 1, phường Hữu Nghị đã giám sát điều tra, giám sát véc tơ, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy.
Với bệnh TCM, từ ngày 1/9 - 15/10 ghi nhận trên địa bàn TP Hòa Bình 30 ca mắc/nghi ngờ tại 3 ổ dịch. Trong đó, trường mầm non Trung Minh 3 ca, trường mầm non Hoa Mai chi A, xã Mông Hóa 10 ca, trường mầm non Hoa Hồng A-B, phường Thống Nhất 4 ca. Cũng không ghi nhận ca tử vong nào do TCM. Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, dự trù hóa chất, vật tư, kinh phí cần thiết đảm bảo đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Triển khai các biện pháp chủ động giám sát bệnh nhân tại cộng đồng, trường học có ca bệnh. Cấp hóa chất khử khuẩn Cloramin B, hướng dẫn các nhà trường, hộ có trẻ mắc pha đúng tỷ lệ, lau rửa dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà để khử khuẩn. Tuyên truyền, hướng dẫn các nhà trẻ, cộng đồng tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hạn chế nguồn bệnh lây lan. Đồng thời, thông báo cho các bậc phụ huynh có trẻ bị mắc chỉ cho trẻ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
Theo nhận định trong thời gian tới, tình hình thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, dịch bệnh SXH, TCM vẫn có chiều hướng tăng số ca mắc/nghi ngờ, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mầm non. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiến hành giám sát, định loại véc tơ, xác định ổ dịch; cấp hóa chất và phun xử lý ổ dịch theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp trường mầm non có dịch xử lý theo quy định. Các trạm y tế xã, phường cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cán bộ y tế thôn bản, tổ trưởng dân phố trong việc tăng cường, chủ động công tác tuyên truyền, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo xử lý.
Việt Lâm