(HBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tại hội nghị tổng kết công tác Hội Chữ thập đỏ (CTĐ), tôn vinh người HMTN năm 2022 về công tác vận động hiếu máu. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phong trào HMTN của tỉnh phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân tại hội nghị tổng kết công tác Hội Chữ thập đỏ, tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2022.

Sức lan tỏa ngày càng rộng rãi

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, nhân ái của những người hiến máu, đem đến hy vọng được cứu sống cho nhiều bệnh nhân cần máu, cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Những năm trước, phong trào HMTN của tỉnh chỉ thu hút được cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên tham gia; bình quân mỗi đợt tổ chức ngày hội hiến máu tiếp nhận được từ 200 - 300 đơn vị máu, toàn tỉnh chỉ tiếp nhận khoảng 4.000 đơn vị máu/năm thì những năm gần đây, phong trào HMTN của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2022 đã có 102 buổi lễ hiến máu được tổ chức với gần 70.000 lượt người đăng ký tham gia, thu được trên 39.000 đơn vị máu, trung bình tiếp nhận 8.000 đơn vị máu/năm trở lên.

Tiêu biểu như năm 2022, BCĐ vận động HMTN tỉnh phối hợp Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an tổ chức 18 đợt HMTN, tiếp nhận được 13.480 đơn vị máu với 17.476 lượt người đăng ký tham gia, đạt 157% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức 10 đợt hiến máu, thu được 5.943 đơn vị máu, đạt trên 50% kế hoạch năm. Đối tượng tham gia hiến máu là tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt giới tính, tuổi tác, bất cứ ai đủ điều kiện sức khỏe, thời gian đều có thể đăng ký tham gia hiến máu.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ vận động HMTN tỉnh cho biết: "Đạt được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quan tâm, phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương trong triển khai kế hoạch, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu. Đồng thời, các cấp Hội CTĐ tỉnh cũng có nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, cách thức tổ chức các đợt hiến máu có sự đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hiến máu được nhanh, an toàn, hiệu quả”.

Hiện, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập BCĐ vận động HMTN, 178 BCĐ cấp cơ sở, 20 câu lạc bộ (CLB) HMTN với 501 người, 18 CLB gia đình hiến máu với 368 người, 12 CLB ngân hàng máu sống có 412 người, sẵn sàng truyền máu bất cứ khi nào có bệnh nhân cần hỗ trợ.

Để công tác tuyên truyền được sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm VH-TT&TT các huyện mở chuyên mục tuyên truyền hàng tháng về công tác nhân đạo, từ thiện, tập trung tuyên truyền đậm nét về phong trào HMTN; phối hợp Báo Hòa Bình, các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền trước, trong và sau các ngày hội hiến máu lớn do BCĐ vận động HMTN tỉnh tổ chức; bình quân mỗi năm thực hiện gần 900 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phong trào HMTN. Việc tuyên truyền, vận động, chia sẻ nội dung về HMTN trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo… cũng được cán bộ, hội viên, tình nguyện viên xung kích CTĐ thường xuyên thực hiện.


Cán bộ, công chức, người dân huyện Yên Thủy tham gia hiến máu tại Ngày hội hiến máu "Giọt hồng nhân ái" năm 2023.

Điểm mới trong tuyên truyền những năm gần đây là Hội CTĐ tỉnh tổ chức các ngày hội hiến máu lớn như "Hành trình đỏ”, "Lễ hội Xuân hồng”, "Chủ nhật đỏ” về các huyện, thành phố. Từ năm 2022 đến nay, Hội đã cử các tình nguyện viên xung kích tổ chức 18 đợt tuyên truyền lưu động, diễu hành trên các tuyến đường, khu dân cư để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu; phát 1.000 tờ rơi, 100 poster, 300 sách hỏi đáp về HMTN.

Điển hình là chương trình "Hành trình đỏ” triển khai từ năm 2014, đến nay đã tổ chức nhiều ngày hội hiến máu tại các huyện, thành phố. Trước ngày hội, các tình nguyện viên xung kích của Hội CTĐ tỉnh tổ chức diễu hành, cổ động trực quan, phát tờ rơi tuyên truyền, vận động hiến máu đến các khu đông dân cư, tạo được sức lan tỏa, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Tại chương trình, BCĐ tỉnh tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân điển hình trong phong trào HMTN nhằm khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu. Nhờ đó, chương trình "Hành trình đỏ” luôn đạt và vượt chỉ tiêu hiến máu được giao hàng năm.

Anh Nguyễn Văn Huy, thôn Hạnh Phúc, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) vinh dự là một trong những cá nhân xuất sắc được BCĐ vận động HMTN tỉnh chọn tham dự hội nghị tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Sinh năm 1991, đến nay anh đã 37 lần tham gia HMTN, đồng thời vận động được trên 300 người là bạn bè, người thân đăng ký tham gia hiến máu.

Anh Huy chia sẻ: "Ngay từ thời còn là sinh viên, tôi đã tham gia các ngày hội hiến máu do trường tổ chức và ý thức được rằng, HMTN là hành động cao cả, thầm lặng để giúp một ai đó trên đời. Đối với tôi, đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn cần máu để cấp cứu… Một ngày nào đó, người thân, bạn bè và những người xung quanh cần máu để hỗ trợ, việc hiến máu cứu người lại càng trở nên ý nghĩa. Do đó, mỗi người trong chúng ta không mắc bệnh truyền nhiễm hãy đăng ký tham gia hiến máu, đưa phong trào tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội”.

Quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc sức khỏe, tôn vinh người hiến máu tình nguyện

Thời gian qua, phong trào HMTN được BCĐ vận động HMTN đẩy mạnh truyền thông, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, tuy vậy, trong quá trình hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các buổi lễ hiến máu được tổ chức dàn trải những ngày trong tuần, giờ hành chính nên việc đăng ký hiến máu khó khăn cho những người là cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên... Việc quản lý dữ liệu còn hạn chế, chưa đồng bộ dẫn đến việc chưa khen thưởng, tôn vinh những người hiến máu được kịp thời, còn bị bỏ sót. Người hiến máu với tinh thần tự nguyện nên có thể tham gia không thường xuyên bởi điều kiện công việc, đi lại, sức khỏe... Chế độ bồi dưỡng, biểu dương người hiến máu và người vận động hiến máu có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa mang tính động viên. Nguồn kinh phí chi trả cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hiến máu hạn chế, thiếu thốn. Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, người dân có tâm lý e dè, ngại tới các điểm tập trung hiến máu vì sợ lây nhiễm, nhiều buổi lễ hiến máu theo kế hoạch phải bị hủy bỏ…

Những vấn đề trên luôn được BCĐ vận động HMTN các cấp quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của HMTN, lợi ích đối với sức khỏe cả người hiến máu và người nhận máu. Trong đó, vai trò của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các cấp chính quyền là yếu tố hết sức quan trọng để công tác vận động đạt hiệu quả cao, đưa việc HMTN trở thành phong trào truyền thống của mỗi cơ quan, đơn vị, nhà trường. Phát huy tốt vai trò tham mưu, phối hợp hiệp đồng, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền sát với từng đối tượng, lồng ghép kết hợp trong các hoạt động, tạo ấn tượng mạnh mẽ thu hút được nhiều người tham gia.

Thực tế trong những năm qua, công tác tuyên truyền ở đơn vị nào thực hiện tốt thì số cán bộ, nhân viên đơn vị ấy sẵn sàng tình nguyện đăng ký hiến máu cao hơn. Các buổi lễ hiến máu cần được tổ chức vào khung thời gian hợp lý, việc thu gom máu phải bảo đảm tính chuyên môn cao, an toàn tuyệt đối, minh bạch, tạo lòng tin với người tham gia HMTN. Đặc biệt, cần quan tâm chu đáo đến việc chăm sóc sức khỏe các cá nhân trước, trong và sau khi tham gia hiến máu; tôn vinh người hiến máu, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào HMTN.

Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại, HMTN là hành động cao đẹp, đậm tính nhân văn, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái” trong cộng đồng. Được biết, 1 túi máu được sản xuất thành 3 chế phẩm máu, do đó, chỉ 1 lần hiếu máu có thể cứu được 3 người. Những giọt máu nghĩa tình không chỉ đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh, mà còn thể hiện tình cảm, sự sẻ chia, tinh thần tương thân, tương ái. Để phong trào ngày càng lan tỏa rộng rãi, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục hưởng ứng, tham gia hiến máu để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh cần máu, giải quyết vấn đề cấp thiết thiếu nguồn máu dự trữ hiện nay.

Hoàng Anh

 

NHÓM Ý KIẾN

* Tuyên truyền tới người dân bằng hình thức đa dạng, thiết thực


Trần Thị Hoa

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hòa Bình


Trên địa bàn TP Hòa Bình hiện có 19 BCĐ vận động HMTN xã, phường, 3 BCĐ trường học. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, BCĐ vận động HMTN thành phố phối hợp Trung tâm VH-TT&TT thành phố xây dựng chuyên mục, phóng sự về công tác nhân đạo, trong đó chú trọng tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của HMTN đối với sức khỏe cộng đồng; tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động, treo băng rôn tại các ngã ba, ngã tư, tuyến đường chính về hoạt động HMTN. Đồng thời, ghi âm các bài tuyên truyền HMTN, phát thanh tại các khu dân cư, tổ dân phố xã, phường từ 1 - 2 tuần trước ngày hội hiến máu. Điều đó đã quyết định 60 - 80% thành công trong việc kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Đồng thời, BCĐ vận động HMTN thành phố chủ động rà soát kỹ lưỡng, kịp thời khen thưởng các trường hợp huy động hiến máu khẩn cấp tại bệnh viện và cơ sở y tế. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 2 đợt HMTN với gần 1.800 lượt người đăng ký tham gia, tiếp nhận 830 đơn vị máu.

 

* Phối hợp tuyên truyền, giao chỉ tiêu hiến máu tình nguyện cho từng đơn vị

Bùi Văn Sư

Chủ tịch UBND xã Đông Lai (Tân Lạc)


Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Đông Lai đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, trong đó đẩy mạnh công tác nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn. Hưởng ứng lời kêu gọi của BCĐ vận động HMTN huyện Tân Lạc, xã đã phối hợp truyền thông, phát thanh đều đặn bản tin, lời kêu gọi HMTN tại các xóm, khu dân cư trước mỗi đợt HMTN, đưa hoạt động HMTN trở thành truyền thống, nét đẹp trong cộng đồng. Xã cũng giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, huy động các cá nhân trên địa bàn ai đủ điều kiện sức khỏe, thời gian hãy đăng ký tham gia hiến máu. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ HMTN. Từ đầu năm đến nay, xã đã huy động 65 người đăng ký tham gia HMTN, đạt 100% chỉ tiêu huyện giao.

 

* Sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi bất kể ngày hay đêm

Dương Văn Giới

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống TP Hòa Bình


CLB Ngân hàng máu sống thành phố hiện có 124 thành viên, đủ mọi tầng lớp trong xã hội, từ cán bộ, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang đến công nhân, lao động tự do. Mỗi người trong CLB đều có từ 3 lần hiến máu trở lên, người nhiều nhất 17 lần, không ít người có nhóm máu hiếm. Với tinh thần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi, mỗi khi có chương trình HMTN do địa phương tổ chức hoặc những trường hợp khẩn cấp cần máu, nhất là máu hiếm, với vai trò chủ nhiệm CLB, tôi thông báo tới mọi người trong nhóm facebook, zalo để sắp xếp thời gian, công việc đi hiến máu cứu người. Đồng thời, các thành viên hỗ trợ lẫn nhau phương tiện di chuyển nếu cần để việc hiến máu diễn ra thuận lợi, bất kể ngày hay đêm.



 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục