(HBĐT) - Theo kết quả phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh có 145 xã, gồm 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, còn lại 6 xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 74,31% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Mường chiếm 64,28%.


Huyện Mai Châu đa dạng hình thức tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025", trong giai đoạn I (2015 - 2020) tỉnh triển khai đề án đạt được một số kết quả: Tình trạng tảo hôn giảm qua các năm, từ 12,93% năm 2015 còn 5,34% năm 2020, giảm 7,59%; có 18 trường hợp kết hôn cận huyết thống năm 2015, đến năm 2020 không còn trường hợp nào.

Tuy vậy, nguy cơ về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn hiện hữu, còn tồn tại một số ảnh hưởng từ quan niệm, tập tục lạc hậu của một số dân tộc thiểu số cần có giải pháp can thiệp kịp thời.

Từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê có 590 trường hợp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm dần qua các năm, tảo hôn ở nữ giới cao hơn gấp gần 2 lần so với nam giới (trong 590 trường hợp tảo hôn, tỷ lệ nữ tảo hôn/nam tảo hôn là 391/199 trường hợp). Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, sau đó đến dân tộc Dao và Tày, tập trung chủ yếu ở huyện Mai Châu do có 2 xã người Mông sinh sống, tiếp đến là các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Thủy... tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng.

Từ năm 2021, đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (tiểu dự án 2 - dự án 9). Các nội dung được thực hiện chủ yếu tại 12 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh, nguồn kinh phí được giao năm 2022 là 2.453 triệu đồng để thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ như: tổ chức 12 hội nghị triển khai kế hoạch, bàn biện pháp thực hiện tại các trường phổ thông dân tộc nội trú với thành phần dự là cán bộ, giáo viên, học sinh; tổ chức 24 buổi nói chuyện chuyên đề (2 chuyên đề/trường) cho 1.390 học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản. Phối hợp các sở, ngành tổ chức cuộc thi sân khấu tìm hiểu, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt 12 bảng tuyên truyền tại các trường. Biên soạn, cung cấp tài liệu, tờ rơi, áp phích, nội dung phát thanh, hỗ trợ tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của trường. Tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng triển khai thực hiện tiểu dự án cho 350 người là bí thư, trưởng thôn, bản và trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp thôn, bản...

Triển khai mô hình trường học nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với các hoạt động: Thành lập các tổ tư vấn/câu lạc bộ tư vấn thanh niên tại 12 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hoạt động của tổ tư vấn như: sinh hoạt tổ, xây dựng các nội dung sinh hoạt ngoại khóa, trực tư vấn, giải đáp về các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản, hôn nhân, tình yêu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Tại các huyện, thành phố được phân bổ 2.400 triệu đồng và lồng ghép từ các nguồn vốn khác của các sở, ngành đã tổ chức các hoạt động: Tổ chức 56 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 4.124 lượt cán bộ, tuyên truyền viên ở cơ sở; tổ chức 3 đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm cho 126 người; tổ chức các hoạt động truyền thông với 243 cuộc cho 6.163 lượt người. In sao 2.183 cuốn tài liệu, 31.777 tờ rơi tuyên truyền; 298 áp phích; 39 bảng tuyên truyền trên địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn caoo; tư vấn 71 cuộc cho 1.952 người; xây dựng 21 mô hình với 84 xã tham gia; hỗ trợ 263 buổi truyền thanh ở thôn, bản, tổ dân phố.

Việc thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2022 trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân, cán bộ cơ sở, giáo viên và học sinh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với sự nỗ lực vào cuộc tuyên truyền của các ngành liên quan, chính quyền địa phương đã góp phần ngăn chặn, giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm dần theo từng năm, từ 500 trường hợp tảo hôn (năm 2015) giảm còn 263 trường hợp tảo hôn (năm 2022) và không xảy ra kết hôn cận huyết thống từ năm 2018 đến nay, cho thấy đề án đã có tác động tích cực đến kết quả ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.


V.H

Các tin khác


Nắng nóng cao điểm, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải bệnh nhân 

Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của nhân dân. Tham gia BHYT, người dân được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB).

Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục