Hiện nay, ý thức phòng dịch của người dân đã tốt hơn, nhưng vẫn chưa thường xuyên, có tâm lý chủ quan.


Người dân phối hợp với ngành Y tế dọn vệ sinh môi trường, phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN
Các dịch bệnh vẫn đang phức tạp

Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều dịch bệnh cùng lúc, thậm chí dự báo các dịch bệnh sẽ còn diễn biến lan rộng thời gian tới.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo: Năm 2025, tình hình các bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiều dịch bệnh vẫn đang là thách thức.

Đơn cử như dịch sốt xuất huyết vẫn đang là mối lo ngại trên toàn cầu do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế.

Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ tăng số mắc, khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết, trong khi việc quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Các bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như đậu mùa khỉ tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc, với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc…

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 141.000 ca mắc mắc sốt xuất huyết, 28 ca tử vong. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 23.000 ca, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 14.000 ca mắc.

Cả nước cũng ghi nhận hơn 76.000 ca mắc tay chân miệng, tuy giảm 55,8% so với năm 2023, nhưng số ca mắc vẫn cao. Một số tỉnh có ca mắc cao như: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp…

Về bệnh cúm mùa, trong năm 2024, cả nước ghi nhận khoảng 287.548 trường hợp mắc, 8 ca tử vong…

Đặc biệt, trong năm 2024, dịch bệnh sởi có diễn biến phức tạp. Trong đó, một số tỉnh có số mắc cao như: Đồng Nai (6.360 ca), TP Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)... cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi; dịch tăng gấp nhiều lần so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân các dịch bệnh vẫn đang nóng là do các bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường, dễ lây lan rộng, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh… Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vaccine trong thời gian qua, khiến miễn dịch cộng đồng giảm. Bên cạnh đó, các đối tượng tiêm chủng vẫn chưa quản lý tốt. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã có lúc xảy ra cục bộ, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

"Đặc biệt, ý thức phòng bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, một số người dân vẫn chủ quan, lơ là. Nhất là tình trạng "anti" vaccine của một bộ phận người dân khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi gia tăng trong thời gian qua", ông Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh.

Xây dựng cộng đồng chủ động chống dịch

Đánh giá về ý thức phòng dịch của người dân hiện nay, từ bài học trong đại dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng: "Ý thức chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Khi các cơ quan chức năng tuyên truyền phòng chống dịch, người dân đều chấp hành rất tốt, nhất là trong dịch COVID-19 vừa qua. Về việc tiêm chủng, nếu trước đây chúng ta phải vận động người dân đi tiêm rất vất vả, thì hiện nay tiêm chủng đã trở thành nhu cầu của người dân, trừ những vùng sâu, vùng xa vẫn còn những 'vùng lõm' tiêm chủng”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dù ý thức của người dân đã tốt, nhưng vẫn chưa thường xuyên. Chỉ cần có thông tin, tin đồn dịch bệnh, nhiều người đã "vội vàng” theo trào lưu, đám đông hoang mang, lo lắng; nhưng khi dịch bệnh lắng xuống lại chủ quan. Trong khi đó, chỉ riêng việc rửa tay bằng xà phòng thường xuyên đã có thể phòng được tới 40% nguy cơ lây nhiễm các bệnh. Việc vệ sinh môi trường cũng tương tự, cần phải làm thường xuyên, chứ không phải chỉ khi phát động chiến dịch mới làm….

Chưa kể, việc người dân chạy theo các trào lưu, đôi khi không cần thiết và gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác. Như việc mới chỉ xuất hiện ca cúm A, ngành y tế chưa khẳng định ca mắc cúm gia cầm, nhưng người dân đã đồng loạt không ăn thịt gà, làm thị trường thực phẩm bị ảnh hưởng…

"Người dân cần chú ý vào những khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế, đăng tải trên các cơ quan báo chí chính thống; không nên theo các trào lưu trên mạng, các tin đồn không có căn cứ dẫn đến hoang mang, phản ứng thái quá, không cần thiết… hoặc chủ quan quá mức. Quan trọng nhất là người dân cần có kiến thức và từ đó thay đổi hành vi”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Theo đại diện Bộ Y tế, để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng đề nghị toàn dân chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn, nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; trong đó có tăng cường tuyên truyền tới người dân một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận.

"Bên cạnh nâng cao ý thức người dân, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, cần sớm có kế hoạch để bố trí kinh phí phòng dịch sớm cho các đơn vị của Bộ Y tế, bao gồm cả các vị trí nâng cao năng lực cho các địa phương. Đồng thời, rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế, đảm bảo dự trữ quốc gia và dự trữ địa phương cho công tác phòng chống dịch theo quy định. Kiện toàn lực lượng phòng chống dịch, đảm bảo đủ nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Lương Tâm nhấn mạnh.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Cảnh giác các dịch bệnh xâm nhập vào trong nước

Nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới như: "Dịch bệnh bí ẩn” tại Công gô, đậu mùa khỉ… được đánh giá có nguy cơ xâm nhập vào trong nước, nhất là giai đoạn cuối năm, khi nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân gia tăng.

Trách nhiệm người đứng đầu trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế

Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra từ sau dịch Covid-19 ở cả bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, cả chủ quan và khách quan; từ đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến cơ chế chính sách không còn phù hợp, rồi vai trò người đứng đầu không thật sự quyết liệt…

Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025

Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành chức năng.

Người dân vùng cao chống rét cho vật nuôi

Tỉnh Hòa Bình đang trải qua đợt rét đậm nhất từ đầu mùa đông. Nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, nhiều hộ dân đã chủ động che chắn chuồng trại để giữ ấm và chuẩn bị đầy đủ thức ăn. 

Đã có người tử vong vì ngộ độc rượu, chuyên gia hướng dẫn cách xử trí

Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong.

Nhìn lại năm 2024: Tiếp tục thực hiện quan điểm ''lấy người bệnh làm trung tâm''

Năm 2024, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục nâng cao, tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng lên. Cùng đó công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về khám chữa bệnh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục