Trong bóng chiều nhập nhoạng ngày cuối năm, một chiếc ôtô láng coóng dừng lại vệ đường vào làng Rí. Đẩy cửa xe bước xuống, hai cặp nam nữ ăn mặc lịch sự, tay chỉ trỏ, mắt ngó nghiêng quan sát tứ phía. Bà cụ chủ quán nước thở dài: "Chắc lại sắp phá vườn thuốc chứ gì? Nhìn ngữ kia, rõ là người mua đất từ thành phố về. Nghề thuốc làng Rí sắp mạt vận rồi...".
Huyền sử nghề
Chiếc xe ôtô chở những vị khách sang trọng đi rồi, tiếp thêm cho tôi cốc chè xanh đặc sánh, bà cụ chủ quán thong thả kể về "lịch sử phát triển" của cái nghề mà người khắp nơi đã mệnh danh một cách hài ước là chuyên "trị bệnh gảy đàn" của người làng Rí: Từ lâu lắm, khi Tổng Đông Quan, trấn Thái Bình (huyện Đông Hưng - Thái Bình ngày nay) chỉ là những cánh đồng ngút ngát lau sậy, dân cư trú thưa thớt, bỗng phát một trận dịch ghẻ lở, hắc lào... Cả tổng ngứa. Cái ngứa khủng khiếp như lặn vào trong, cứa lên từng thớ thịt đến không chịu nổi... Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy cảnh dân hàng tổng tụm năm tụm ba để... gãi cho nhau. Đây đó đã có kẻ chết vì gãi quá nhiều làm máu chảy, vết thương bị nhiễm trùng. Đúng lúc đó, một người họ Nguyễn ở làng Rí bỗng được tiên ông báo mộng cho cách tận dụng cây cỏ quanh nhà để chữa căn bệnh quái ác này. Từ đó đến nay, trải qua bao biến cố thăng trầm, họ Nguyễn ở Rí vẫn cố giữ lấy cái nghề "trời cho", xem đó như một thứ "vũ khí" trị bệnh cứu người, cũng là để trị "căn bệnh" túng thiếu vốn hiện hữu kinh niên ở xứ đồng chiêm nước trũng...
Cụ Nguyễn Thị Sửu đang kê đơn thuốc cho khách. |
Chẳng rõ lời bà cụ bán nước kể thực hư thế nào, còn theo một tài liệu viết về Rí mà tôi có được thì đây là một làng cổ thuộc xã Đông La, huyện Đông Hưng, có lịch sử hình thành và phát triển vào loại lâu đời nhất nhì tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, cũng như nhiều người già cả khác trong làng, cụ Nguyễn Thị Sửu, năm nay đã 87 tuổi, là chủ hộ có 6 đời sinh sống bằng nghề chữa bệnh ngoài da lại không biết gốc gác của cái nghề vốn đã nuôi sống bao thế hệ trong dòng họ mình. Ngồi tiếp khách trên chiếc sập gụ kê giữa ngôi nhà năm gian cổ, vẫn giữ nguyên lối xưng hô cũ, cụ bảo tôi: "Các cụ ngày trước kể thuốc chữa ghẻ lở, hắc lào của Rí do thần tiên phù hộ mà cho, em nghĩ chắc chả phải đâu ông nhỉ!..." Rồi với giọng buồn buồn, cụ kể: Không rõ nghề này có từ khi nào. Chỉ biết rằng khi sinh ra, lớn lên đã thấy ông cụ thân sinh bấy giờ là tiên chỉ làng sống bằng nghề bán thuốc đặc trị các bệnh ngoài da cho thiên hạ rồi... Thời xưa, do cuộc sống sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đủ bề, những căn bệnh dạng xuất ngứa ngoài da sẵn lắm. Có nghề, có kinh nghiệm do cha ông truyền lại cùng với sự cần cù, kiên nhẫn từ hai bàn tay trắng, nhiều hộ gia đình ở Rí đã xây dựng nên cơ nghiệp không lớn nhưng cũng đủ để người ngoài làng, trong tổng nể vì. Trong làng có một luật lệ nghiêm ngặt đã được ghi trong gia phả của mỗi dòng họ: Công thức bí truyền chế biến ra thuốc đặc trị các bệnh xuất ngứa ngoài da chỉ được truyền cho đàn ông trong nhà. Mỗi gia đình có con trai đến tuổi trưởng thành đều phải thề trước bàn thờ tổ tiên là sẽ tiếp tục nối nghề do cha ông truyền lại. Chính vì thế, dù đã trải qua hàng chục đời kể từ khi có nghề gia truyền, người làng Rí không chỉ giữ được nghề đặc trị các bệnh "tủ" thông thường như ghẻ lở, hắc lào, lang ben, nấm... mà còn có thể chữa các chứng bệnh nổi tiếng khó chữa như vảy nến, á sừng, tổ đỉa, eczema...
Những tiếng thở dài
Học cha làm thuốc trị "bệnh gảy đàn" từ hồi tóc còn để chỏm, đến nay, ông Nguyễn Văn Chương đã sang tuổi 76. Nhưng tuổi cao, sức yếu cũng không làm ông lẫn, trái lại, rất minh mẫn trong khi điều khiển "dây chuyền" làm thuốc trong nhà. Cứ mỗi sáng sớm, ông lại chân đất, tha thẩn bên mảnh vườn rộng để "nghe" những cây thuốc cựa mình trong sương, để rồi đến "giờ làm việc", lại thung dung ngồi ở tràng kỷ sai bảo lũ con cháu, đứa ủ thuốc, pha chế, đứa gói hàng "phân phối" cho những "bệnh nhân" từ xa đến cắt thuốc. Ông bảo, người làng Rí chỉ bằng những loại cây, lá đơn giản, trong đó chủ yếu là chế phẩm của cây uy linh tiên... nhưng do có công thức bí truyền, cách chưng cất, sao tẩm công phu nên có thể cho ra lò nhiều loại thuốc ở dạng cao có thể trị tiệt nọc nhiều căn bệnh ngoài da. Có lẽ, đến lúc "xuống lỗ", ông cũng không bỏ cái nghiệp cha ông truyền lại. Rồi chép miệng, ông thở dài nói với tôi trong hoang hoải, xa xót: "Những người chúng tôi rồi cũng sẽ đến lúc về trời, chẳng biết lớp trẻ có giữ được nghề cho đời sau không. Nghề làm thuốc là một công việc tỉ mỉ, cẩn thận và hết sức vất vả. Bọn trẻ bây giờ không thích nghề thuốc dù đó là nghề gia truyền kiếm sống bao đời...". Và trong nỗi niềm thổ lộ với tôi, ông tỏ rõ sự tiếc nuối khi phải chứng kiến sự hưng thịnh của nghề đang ngày càng "xuống dốc". Theo ông, mươi năm trở về trước, phần lớn hộ gia đình làm nghề bốc thuốc nam chữa các căn bệnh xuất ngứa ngoài da ở Rí đều thuộc diện gia đình có của ăn của để. Dăm năm trở lại đây, vì nhiều lý do, người làng Rí chỉ coi nghề làm thuốc như một nghề tay trái. Và bây giờ có đốt đuốc tìm mỏi mắt cũng không tìm ra một gia đình cả nhà theo nghề thuốc...
Ông Nguyễn Văn Chương chăm sóc vườn thuốc của gia đình. |
Nhìn theo hướng tay của ông Chương chỉ, khó có thể hình dung được chỗ những dãy nhà san sát kia đã có thời là những mảnh vườn trồng các loại cây thuốc nam dùng để chưng cất thành những loại thuốc đặc trị bệnh ngoài da theo công thức bí truyền. Cả làng Rí bây giờ, nơi duy nhất 100% diện tích còn trồng cây thuốc chính là mảnh vườn nhà ông Chương. "Những năm 1990, 1991, làng Rí có hơn 200 hộ thì có đến gần phân nửa gia đình làm nghề chữa các chứng bệnh ngoài da. Khách thập phương ra vào cứ gọi là nườm nượp. Bấy giờ, Rí nổi tiếng lắm. Dân tứ phương đều công nhận chỉ có Rí mới có những phương thuốc "độc" đặc trị các "anh" vi trùng cứng đầu gây nên các căn bệnh nấm, lang ben, vảy nến, á sừng, nấm móng... Còn bây giờ, cả làng chỉ còn 6 hộ hành nghề dưới sự "chỉ huy" của các nghệ nhân hầu hết đã ở tuổi "gần đất xa trời" như cụ Sửu, cụ Đáo, cụ Tản, ông Lễ...". - Ông Chương tâm sự với tôi.
Mơ về nơi xa lắm
Bùi Thị Huệ - cháu gái cụ Nguyễn Thị Sửu, hiện đang học năm cuối Trường trung cấp y Hải Phòng về quê nghỉ ngày cuối tuần tỏ ra thật thà khi tôi hỏi về nguyên nhân dẫn đến cái nghề đặc thù của làng Rí đang lụi tàn đi một cách nhanh chóng: "Lớp trẻ bọn em ngày nay không ai chọn theo nghề thuốc nam, vì nghề này nghèo và dẫu có giỏi đến mấy thì vẫn bị mang tiếng là "lang vườn". Thì đấy, bươn chải cả ngày như bà em mà cũng chỉ đủ sống...". Theo lời Huệ, từ trước đến nay, thuốc chữa bệnh ngoài da của làng Rí đã vượt ra khỏi "biên giới" quê lúa Thái Bình. Ngay sáng đây thôi, có hai cậu sinh viên mãi trên Hà Nội về tìm mua thuốc của cụ Sửu. Còn tuần trước, cụ Sửu phải tiếp đến nửa tiểu đội các anh lính cùng về phép một đợt đến cầu cứu vì những "căn bệnh khó nói" đang hoành hành ở đơn vị. Nhưng những "ngày đẹp" như thế bây giờ hiếm hoi lắm...
Một góc làng Rí. |
Đem câu chuyện buồn của cô sinh viên Bùi Thị Huệ tới hỏi ông Phạm Văn Huề, một cán bộ xã được xem là "từ điển sống" của làng Rí, tôi được ông xác nhận: Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, hiện nay, làng Rí, nơi tập trung các nghệ nhân nắm được bí quyết chữa bệnh ngoài da bằng loại thuốc nam gia truyền chỉ còn 6 hộ hoạt động với xấp xỉ chừng ấy nghệ nhân già sót lại. Quá trình "chuyển đổi kinh tế" và đô thị hoá nông thôn trong những năm gần đây khiến người dân làng Rí đua nhau bán đất xây nhà, những vườn cây thuốc đang bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Cái tên làng Rí ngày nay đã nhạt nhòa dần trong tiềm thức người dân quanh vùng. Thương hiệu thuốc nam chữa bệnh ngoài da của Rí có chăng chỉ là những mảnh ghép vụn trong ký ức của những người già...
Liệu có một lúc nào đó, chúng ta chỉ còn nghe đến cái tên làng Rí như một câu chuyện cổ tích?...
Theo Báo SKĐS
Đây là lời khuyên của các nhà nghiên cứu Mỹ sau khi phát hiện ra rằng người nghiện thuốc từ bỏ thói quen này sẽ có nguy cơ tiểu đường trong vài năm sau đó do tăng cân nhanh và nhiều.
Nghe quảng cáo đắp mặt nạ thuốc bắc chữa nám da rất hiệu quả mà lại "lành", chị Lan đến một một thẩm mỹ viện tại Hà Nội để thực hiện. Thế nhưng, mới đắp vài lần, mặt chị trở nên sưng nề, tấy đỏ, chảy nước.
Tăng mỡ trong máu có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi người, đặc biệt là người cao tuổi (NCT). Tăng mỡ máu là một chứng bệnh gặp khá phổ biến ở NCT, tác hại của nó rất đáng được quan tâm vì gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trong đó NCT gặp với tỷ lệ khá cao.
Ở Việt Nam, ước tính đau thắt lưng chiếm tỷ lệ 2% trong cộng đồng; 6% trong tổng số các bệnh xương khớp. Đau thắt lưng là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều cách xử trí khác nhau, việc điều trị cơ bản của đau thắt lưng là tìm được nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân.
Nghiện rượu là một tệ nạn xã hội, số người nghiện rượu ngày càng gia tăng. Hiện nay, ở nông thôn, tỷ lệ người nghiện rượu là 4% dân số, con số này ở thành thị là 6%. Nếu tính tỷ lệ trên cho 85 triệu người dân Việt Nam thì con số người nghiện rượu là rất lớn.
Bệnh tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. THA không chỉ có ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh lý tim mạch mà cũng có ảnh hưởng nhiều đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp THA là một trong sáu yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng tới phân bố gánh nặng bệnh tật toàn cầu.