Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên, bệnh xảy ra trên lợn là chủ yếu, ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh liên cầu lợn có thể lây cho người, vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Bệnh cảnh viêm màng não ở liên cầu lợn:
 
Người bệnh sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não.

Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Chẩn đoán xác định:
 
Tìm thấy S.suis gây bệnh (thường là S.suis týp II) khi nuôi cấy bệnh phẩm (máu người bệnh hoặc các mô, tổ chức bị tổn thương) hoặc tiến hành làm xét nghiệm huyết thanh học hoặc làm phương pháp sinh học phân tử (PCR). Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự viêm màng não do não mô cầu, viêm màng não do Haemophilus Influenzae, sốt xuất huyết thể nặng.

Xét nghiệm cần làm:

- Loại mẫu bệnh phẩm: máu người bệnh, các mô, tổ chức bị tổn thương.

- Phương pháp xét nghiệm:

+ Phân lập liên cầu: Cấy máu, lấy khuẩn lạc nhuộm soi thấy hình ảnh liên cầu gram (+), tiếp đó quan sát hiện tượng dung huyết alpha và beta trên môi trường thạch máu cừu và ngựa.

+ Thực hiện phản ứng kháng thể huỳnh quang phát hiện vi khuẩn tại các mô bị nhiễm.

+ Làm phản ứng PCR là phương pháp chính xác nhất.

Tác nhân gây bệnh

- Tác nhân gây bệnh liên cầu lợn là một loại liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus suis (S.suis). Vi khuẩn gram dương, hình cầu hay hình ô van, kỵ khí tùy tiện. Ở động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Dựa vào đặc điểm của các polysaccharid ở lớp vỏ bọc vi khuẩn, người ta đã xác định vi khuẩn có 35 týp huyết thanh. Trong đó, S.suis týp II thường gây bệnh ở người. S.susi chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. S.suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Như vậy, môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. S.suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa, có thể điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.

Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: Lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. Các véc-tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

- Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.

- Thời kỳ lây truyền: Hiện nay chưa được biết đầy đủ. Khả năng khi lợn bị bệnh, vi khuẩn S.suis biến đổi và tăng độc tính mới lây nhiễm cho người. Chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Phương thức lây truyền

- Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

- Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Các đàn lợn con trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.

- Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch

- Ở lợn: Có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành.

- Ở người: Hiện nay chưa được biết đầy đủ.

- Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao: người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.

*Người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ chết có thể tới 7%.

Bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ICD-10 B95: Streptococcus suis diseases.

* Theo một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho thấy bệnh này có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, 58 bệnh nhân (81%) là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn, tuy nhiên chỉ có 6 bệnh nhân (8%) có tổn thương da nghi ngờ. 69 bệnh nhân (96%) biểu hiện bệnh cảnh viêm màng não như: sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc. Một bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết bị sốc do nhiễm độc tố liên cầu. Sau 10 - 14 ngày dùng kháng sinh ceftriaxon, hầu hết bệnh nhân đều hồi phục. Tất cả các chủng vi khuẩn phân lập được còn nhạy cảm với penicillin và ceftriaxon.

Các biện pháp phòng, chống dịch

- Biện pháp phòng bệnh:

Đối với người giết mổ lợn phải tuân theo các quy định: Không giết mổ lợn bị bệnh; không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để, tránh gây nhiễm ra môi trường và cộng đồng; mang các dụng cụ bảo vệ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ...), bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc với lợn hay các sản phẩm của lợn; nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn.

Đối với người mua bán thịt lợn: Không mua, bán lợn bị bệnh; không mua bán lợn, thịt lợn không rõ nguồn gốc; chỉ mua lợn, thịt lợn có nguồn gốc, không bị bệnh và có dấu hiệu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Đối với người tiêu dùng: Không ăn thịt lợn sống, không ăn tiết canh, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; không tiếp xúc với sản phẩm từ lợn còn sống khi tay có vết xây xước, trừ khi mang găng bảo vệ.

Đối với người chế biến thức ăn: Giữ cho khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ và rửa tay sau khi thao tác; khi lưu trữ, bảo quản thịt sống phải tách biệt với nơi bảo quản thịt đã qua chế biến hoặc sản phẩm ăn sẵn để tránh lây nhiễm bệnh; không dùng dụng cụ chế biến thịt sống để chế biến thịt (dao, thớt); rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thịt; sản phẩm phải được nấu chín kỹ trước khi ăn...

- Biện pháp chống dịch: Khi nhận thấy có dịch liên cầu khuẩn xảy ra thì phải  xử lý như xử lý một ổ dịch truyền nhiễm:

+ Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bị nghi nhiễm liên cầu lợn, nên đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời, đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.

+ Khoanh vùng, phun khử trùng môi trường vùng có dịch bằng chloramin B 3-5%.

+ Nghiêm cấm hoàn toàn việc di chuyển và giết mổ lợn. Không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách.

+ Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu hủy. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.

- Nguyên tắc điều trị: Lưu ý phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện viêm màng não và có tiếp xúc với lợn bị bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng.

Điều trị kháng sinh đặc hiệu penicillin liều cao: uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, thường phải điều trị trên 10 ngày. Có thể dùng các kháng sinh khác cũng hiệu quả như: ampicillin, erythromycin hoặc nhóm cephalosporin.

Điều trị triệu chứng và áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực nếu có biến chứng nặng.

Lọc máu nếu có điều kiện.

- Kiểm dịch y tế biên giới: Thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm dịch quốc tế khi xuất, nhập lợn qua biên giới để không đưa mầm bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta và ngược lại.      

                                                                      Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục