Số lượng bệnh nhân bị tổn thương võng mạc do biến chứng của đái tháo đường (ÐTÐ) ngày càng tăng lên đáng kể tại khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện mỗi tháng có khoảng 30 bệnh nhân, trong khi năm trước chỉ có khoảng mười bệnh nhân.
Lý giải về sự đột biến này, bác sĩ Dương Anh Quân, phó trưởng khoa Mắt cho rằng, phần lớn bệnh nhân ÐTÐ mới chỉ khám chuyên khoa nội tiết, khi thị lực chưa giảm, bệnh nhân chưa đi khám. Thế nên, nhiều trường hợp đến khám khi có ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí có nhiều nguy cơ gây mù.
Chưa mờ mắt chưa đi khám
Những bước chân chậm, lần theo lối đi hành lang, bà Lại Thị Kim Hương, 57 tuổi ở thành phố Huế được con trai dìu vào phòng khám khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế. Bị ÐTÐ từ gần chục năm nay nhưng mới hai năm gần đây, thấy mắt mờ, bà Hương mới đến khám chuyên khoa mắt. Khi ấy, cả hai mắt của bà đã bị tổn thương võng mạc do biến chứng của bệnh ÐTÐ. Sau khi võng mạc được điều trị laser, cách đây một tháng, hai mắt của bà lại bị tái phát, với các biểu hiện của màng đen bao phủ, có bụi bay, chỉ có thể đi bộ quanh vườn, không thể nấu ăn... Bác sĩ chỉ định phải điều trị tiếp bằng laser đối với hai mắt, mỗi mắt được chỉ định điều trị cách nhau hai ngày. Ðây là một trong những trường hợp điển hình được điều trị và phẫu thuật với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia ORBIS, các bác sĩ Bệnh viện Bay trong chương trình làm việc kéo dài một tuần tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Mắt Huế vào cuối tháng 8 vừa qua. Bác sĩ Pi-tơ Kơn, chuyên gia của ORBIS là người trực tiếp điều trị laser cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, việc bắn laser để bịt các vết dò mạch máu ở đáy mắt, hạn chế hiện tượng phù và xuất huyết, chặn đứng sự lan rộng của tổn thương, cũng như ngăn chặn sự tiến triển ảnh hưởng của ÐTÐ lên mắt. Sau điều trị bằng laser, có thể tiêm avastin trực tiếp vào mắt để giúp duy trì được thị lực.
Bác sĩ Dương Anh Quân, phó trưởng khoa Mắt cho biết, võng mạc là một trong những biến chứng của ÐTÐ, bên cạnh các biến chứng nguy hiểm cho thận, tim, mạch, thần kinh... Ở Việt Nam, người mắc ÐTÐ cả tuýp 1 và 2 là 1,4 triệu người năm 2006 tăng lên 1,8 triệu người trong năm 2008. Tỷ lệ người bị ÐTÐ có tăng huyết áp cao gấp đôi so với người bình thường. Trong thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ lớn trong điều trị bệnh võng mạc do ÐTÐ. Theo bác sĩ Quân, mặc dù chưa có thống kê chính thức về võng mạc đái tháo đường, tuy nhiên, hiện cả nước có 1.200 bác sĩ nhãn khoa, tỷ lệ với một bác sĩ nhãn khoa điều trị cho 2.020 bệnh nhân ÐTÐ.
Ðiều đặc biệt nguy hiểm là đa số các bệnh nhân ÐTÐ như bà Hương thường chỉ đến khám và điều trị chuyên khoa nội tiết, sau khi thấy mắt mờ mới chuyển đến khoa Mắt. Thậm chí, khi thị lực chưa giảm thì chưa khám nhưng thực tế, khi đó thị lực đã giảm rồi. Ðiều đó giải thích nguyên nhân số lượng bệnh nhân tăng bị võng mạc ÐTÐ ngày càng tăng ở Huế trong vài năm qua. Việc đánh giá tổn thương võng mạc do ÐTÐ qua các phương pháp như soi đáy mắt, chụp ảnh màu đáy mắt kỹ thuật số, chụp mạch huỳnh quang võng mạc... giúp chỉ định điều trị, kịp thời bảo tồn thị lực cho bệnh nhân ÐTÐ. Bệnh nhân bị võng mạc ÐTÐ điều trị muộn dẫn đến co kéo võng mạc, bong võng mạc, xuất huyết, các bệnh lý về dịch kính... Hậu quả là mắt bị giảm hoặc mất khả năng thu nhận các tín hiệu ánh sáng, biểu hiện lâm sàng là giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn. Ðối với người trẻ tuổi sẽ có những nguy cơ cao hơn.
Bác sĩ Vương Văn Quý, chuyên gia nhãn khoa của tổ chức ORBIS cho biết, điều trị võng mạc ÐTÐ không giống như điều trị thông thường. Ðể kiểm soát được bệnh này quan trọng nhất là kiểm soát được đường máu ổn định, bởi đường máu cao gây tổn thương, phá hủy thành các mao mạch ở đáy mắt. Bệnh nhân ÐTÐ phải kiểm tra lâm sàng ngay khi bị bệnh từ 2-5 năm, vì những biến chứng võng mạc thường xảy ra sau năm năm kể từ khi mắc bệnh ÐTÐ. Từ 10-15 năm xuất hiện những biến chứng gây giảm thị lực, có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Chính vì vậy các bệnh nhân ÐTÐ cần đi khám định kỳ tại chuyên khoa, tốt nhất là từ ba đến sáu tháng. Ðến khám chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện bệnh ÐTÐ. Những bệnh nhân đến sớm để phát hiện, theo dõi sớm, ảnh hưởng thị lực ít hơn nhiều.
Chung tay phòng, chống mù lòa
Bác sĩ Hăn-tơ Chơ-uých, Giám đốc Y tế Bệnh viện Bay ORBIS đánh giá, võng mạc do biến chứng của ÐTÐ đang là một vấn đề y tế đáng quan tâm ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong khi tỷ lệ người bị ÐTÐ ở Việt Nam cao ở châu Á, nhưng trình độ điều trị ÐTÐ ở Việt Nam lại cao hơn so với các nước khác trong khu vực này. Bất kỳ bệnh nhân tiểu đường nào cũng đều có nguy cơ bị võng mạc, ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh, nhưng nếu được phát hiện sớm và kiểm soát lượng đường trong máu, người bệnh sẽ tránh được mù lòa.
Tại hai bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Mắt Huế, tám chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới đồng thời là tình nguyện viên ORBIS đến từ nhiều quốc gia trực tiếp đào tạo đội ngũ bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên. Trong chương trình này, khoảng 100 bệnh nhân võng mạc đái tháo đường, võng mạc của trẻ sinh non, mắt lác bẩm sinh, đục thể thủy tinh và chấn thương mắt được các chuyên gia quốc tế và bác sĩ của hai bệnh viện khám, điều trị và phẫu thuật. Ðây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa ORBIS và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Mắt Huế do chính phủ Ca-na-đa tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Ca-na-đa (CIDA). Chương trình nằm trong dự án "Tăng cường mạng lưới chăm sóc mắt trẻ em khu vực miền Trung", có tổng ngân sách gần 11 tỷ đồng, tương đương hơn 600.000 USD được triển khai từ tháng 5-2010 tới tháng 12-2012, nhằm mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ mù lòa và thị lực thấp ở trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế và sáu tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Dự án hợp tác này cũng xây dựng, phát triển cơ sở khám và điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) tại Bệnh viện Trung ương Huế để những trẻ sinh non bị bệnh lý này có thể được phẫu thuật ngay tại thành phố Huế mà không phải chuyển tới Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Ðồng thời, dự án cũng hướng tới phát triển Bệnh viện Mắt Huế trở thành một trong ba trung tâm nhãn nhi đầu ngành Việt Nam. Chương trình đào tạo của các chuyên gia ORBIS tại Huế lần này tiếp theo thành công của chương trình Bệnh viện Bay tại thành phố Ðà Nẵng vào đầu tháng 8, đồng thời là quá trình tập dượt cho kế hoạch chuơng trình Bệnh viện Bay đến Huế vào năm 2012. Bệnh viện Bay, bệnh viện Mắt hàng không duy nhất trên thế giới là một phần của tổ chức ORBIS tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các ban, ngành và cộng đồng, là "hội nghị" quốc tế thu hút nhiều chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới đến Việt Nam.
Theo ND
(HBĐT) - Mặc dù mấy năm gần đây tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp trên cả nước gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người chăn nuôi như dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng... Tuy nhiên với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt công tác dự phòng và triển khai các biện pháp phòng trừ và khoanh vùng dập bệnh kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Ăn nhiều da, bạn chỉ béo lên chứ làn da không trẻ lại được, bởi collagen trong thực phẩm khi vào cơ thể sẽ bị tiêu hóa chứ không được da hấp thụ
Ngày 20-9, TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết, sau khi phát hiện ra ổ bọ xít hút máu gần 270 con tại một nhà dân ở xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội vừa qua, tại khu vực này tiếp tục phát hiện thêm một ổ bọ xít hút máu với hơn 1.000 con trong một kho củi khoảng 4m². Kho chứa củi này khá ẩm thấp, là điều kiện lý tưởng để các loại côn trùng, sâu bọ có thể sinh sôi nảy nở mà không dễ bị phát hiện.
Một cuộc nghiên cứu mới của Đại học California (Mỹ) cho rằng virus AD36 gây nhiễm trùng hô hấp có liên hệ với bệnh béo phì ở trẻ em.
Ngày 20-9, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, TP. Hồ Chí Minh có hơn 2370 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (tăng 50 ca so với cùng kỳ năn 2009). Hiện số ca mắc tay - chân - miệng trên địa bàn thành phố ở mức khá cao, trung bình 60 ca/ tuần. Dịch tay - chân - miệng có khả năng tăng cao với đỉnh dịch vào khoảng tháng 10 – 11.
(HBĐT) - Từ ngày 6 - 17/9, với sự hỗ trợ của Dự án KICH, Bệnh viện đa khoa huyện Tân Lạc đã tổ chức khoá tập huấn lâm sàng nhằm bồi dưỡng kỹ năng chẩn đoán và điều trị bệnh cho đội ngũ bác sĩ thuộc 12 trạm y tế xã, thị trấn trong huyện.