Đội quản lý thị trường số 1 - thành phố Hòa Bình thường xuyên tiến hành kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố
(HBĐT) - Ngày 13/8/2010, Đội quản lý thị trường số 1 - thành phố Hoà Bình đã tiến hành kiểm tra cửa hàng bán thực phẩm chức năng (TPCN) của ông Nguyễn Ngọc Thủ tại tổ 13, phường Đồng Tiến. Qua kiểm tra đã phát hiện ông Thủ đang kinh doanh một số lượng lớn TPCN không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh do Sở Y tế cấp. Toàn bộ số hàng trị giá khoảng trên 30 triệu đồng đã bị thu giữ, chờ xử lý. Ông Thủ bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng. Đây là một trong những động thái mạnh mẽ của cơ quan chức năng, kiên quyết ngăn chặn buôn bán TPCN trái phép đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh ta.
Bán thuốc kiểu “nhảy dù”
Đó là cách người dân vẫn thường dùng để nói về những đơn vị, công ty, cá nhân đang tiến hành tư vấn sức khoẻ và bán TPCN “chui” trên địa bàn tỉnh ta. Sáng ngày 30/10/2010, tại hội trường UBND thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đã diễn ra buổi tư vấn sức khoẻ miễn phí và bán TPCN. Đối tượng được mời đến dự là các hội viên hội người cao tuổi, chủ yếu là cán bộ hưu trí quanh khu vực thị trấn Kỳ Sơn. Tại đây, các cụ được tư vấn về chế độ ăn uống, TD-TT, đặc biệt là vấn đề thiếu canxi ở người cao tuổi. Sau đó, lần lượt từng cụ được kiểm tra “nguyên tố vi lượng” xác định thiếu canxi, sắt, kẽm, selen. Kết quả cho thấy, cụ nào cũng thiếu canxi trầm trọng. Sau bước kiểm tra sức khoẻ, các cụ được tư vấn sử dụng các loại “thuốc” bổ sung canxi (nhưng thực ra chỉ là TPCN). Lọ thuốc rẻ nhất cũng đã có giá 300.000 đồng, người bán tư vấn “muốn khỏi bệnh, một năm phải uống 3 lọ, thuốc này chỉ có bán ở các bệnh viện lớn, các hiệu thuốc thông thường thì không có”. Đánh trúng tâm lý lo sợ bệnh tật của người cao tuổi, nhiều cụ đã “móc hầu bao” mua “thuốc chữa bệnh thiếu canxi”. Người ít vài trăm, người nhiều lên đến vài triệu đồng. Ngay sau buổi tư vấn, bán thuốc này diễn ra, người thân, con cháu của nhiều cụ đã phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường trong “tư vấn sức khoẻ và bán thuốc này”. Tờ “phiếu kiểm tra nguyên tố vi lượng” chỉ là một tờ giấy photo mà phần tên tuổi, địa chỉ, điện thoại bỏ trống. Phần kết luận, chỉ định thì đều giống nhau: “1 ngày uống 1 viên sau ăn trưa 30 phút”. Không có ký nhận của người kiểm tra, không có địa chỉ của đơn vị, tổ chức tiến hành khám, bán sản phẩm. Nhất là bất bình với vấn đề giá cả của các loại sản phẩm quá cao nên ngay trong chiều cùng ngày, nhiều người đã đến trụ sở UBND thị trấn Kỳ Sơn để trả lại sản phẩm nhưng đội quân bán hàng và tư vấn buổi sáng đã “bốc hơi” không để lại địa chỉ.
Đây chỉ là một trong số nhiều buổi tư vấn, bán TPCN đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh ta. Qua tìm hiểu của chúng tôi tại Sở Y tế và Sở Công thương, tất cả các buổi tư vấn, bán thực phẩm chức năng lưu động kiểu này đều không xin ý kiến và không được sự đồng ý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trôi nổi thị trường TPCN
Theo thông tin từ Sở Y tế, vụ việc đầu tiên bán TPCN trái phép trên địa bàn tỉnh ta được phát hiện vào năm 2004. Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống kinh tế người dân được nâng lên, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao, vì thế, tiếp thị, bán TPCN có chiều hướng gia tăng. Tuy ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành liên quan như QLTT, công an... thường xuyên nắm địa bàn, kiểm tra, giám sát nhưng vì lực lượng mỏng nên vẫn để lọt nhiều vụ bán TPCN chui. Điều đáng nói là việc tiếp thị, bán TPCN chui thường được tiến hành ở quy mô nhỏ, lẻ và vào ngày nghỉ cuối tuần nên khó quản lý, kiểm tra.
Trao đổi về vấn đề bán TPCN trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hoàng Đức Trường, Phó Chi cục QLTT cho biết: Theo quy định, ngoài giấy phép kinh doanh, các đơn vị, cá nhân muốn bán mặt hàng TPCN phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, vì đây là một mặt hàng nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nên chỉ được bày bán khi có sự đồng ý của cơ quan y tế. Đa số các trường hợp vi phạm về bán TPCN trên địa bàn tỉnh đều là không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh do ngành y tế cấp hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký. Ngoài ra, do tính chất chui lủi, trái phép nên giá các loại TPCN cũng được đẩy lên cao và người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là những người dân cả tin mua sản phẩm.
Đồng chí Trần Quang Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đa số những người đi tiếp thị về sản phẩm chức năng đều cố tình tuyên truyền tác dụng của TPCN vượt quá tác dụng thực của nó hoặc tuyên truyền để người dân hiểu nhầm rằng đây là một loại thuốc chữa bệnh quý giá, đắt tiền. Ngoài ra, người dân nên lưu ý rằng, TPCN sử dụng theo đơn kê của bác sỹ, đúng liều lượng, chỉ định và trong một thời gian nhất định mới có tác dụng. Tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mỗi người nên sử dụng những loại TPCN phù hợp. Không nên sử dụng TPCN tuỳ tiện vì có thể gây tác hại tiêu cực đến sức khoẻ. Đồng chí Trần Quang Khánh cũng khuyến cáo thêm: Hiện nay, mạng lưới y tế đã phát triển rộng khắp nên người dân hãy đến các cơ sở y tế để được khám bệnh, tư vấn về cách chăm sóc sức khoẻ, sử dụng TPCN.
Để ngăn chặn tình trạng bán TPCN chui, các ngành chức năng đang đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, nắm cơ sở để phát hiện sai phạm. Với tinh thần cảnh giác cao, người dân khi phát hiện tại địa phương mình diễn ra việc tư vấn, bán TPCN lưu động hãy thông báo ngay với lực lượng QLTT địa phương hoặc Phòng Y tế huyện để kịp thời kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh sai phạm.
Do mâu thuẫn gia đình người chị dâu đổ xăng đốt nhà, anh H.V.D lao vào cứu cháu nên bị ngọn lửa thiêu phỏng toàn thân. Nhờ biện pháp cắt bỏ tổ các chức hoại tử và ghép da đồng loại của bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân đã may mắn được cứu sống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị chống độc khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần 9 (từ ngày 17 đến 19-11 tại Hà Nội), giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Phạm Duệ cho hay loại ngộ độc thường gặp nhất ở VN là ngộ độc thực phẩm, chiếm khoảng 30% bệnh nhân vào Trung tâm chống độc.
Nhầm lẫn, sơ suất trong đời sống hằng ngày có thể là nguyên nhân gây nên những tai nạn nặng nề, thậm chí tàn phế.
(HBĐT)- Trong 2 ngày 16 và 17/11, Ban Quản lý Dự án nâng cấp dịch vụ y tế cộng đồng tỉnh Hoà Bình (Ban QLDA KICH) tổ chức hội thảo quốc tế vai trò công tác khám chữa bệnh tuyến ban đầu. Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; các ông Hubert Cooman, Đại sứ vương quốc Bỉ; Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các vụ, cục T.Ư và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.
(HBĐT) - Sân khấu hoá các hoạt động truyền thông thu hút đông đảo nhân dân tham gia cùng với duy trì thường xuyên tự tổ chức chiến dịch ở cơ sở là hai cách làm hay, hiệu quả mà ngành dân số Tân Lạc đang triển khai để giữ vững tỷ lệ gia tăng dân số ở mức 1,075%, tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 2%.
Điều trị bàn chân khoèo, chỉnh sửa các biến dạng ở chi thể, nếu được thực hiện sớm thì hiệu quả càng cao